Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp gặp khó khăn phải tìm cách cắt giảm chi phí để tồn tại và nhiều doanh nghiệp đã nghĩ đến việc cắt giảm chi phí cho hoạt động marketing trước tiên. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, điều này là không nên.
Thời điểm để doanh nghiệp vượt lên
Trong nhận thức của một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam, chi phí cho hoạt động marketing là những chi phí gắn với doanh số bán được (kết quả kinh doanh) nên khi doanh số giảm thì những chi phí này cũng phải giảm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, chi phí cho marketing là chi phí tạo nên khách hàng, tạo nên lượng bán hàng chứ không phải ngược lại. Vì thế, kinh tế suy thoái chính là thời điểm thuận lợi để DN vượt lên trước đối thủ.
GS.TS Hồ Đức Hùng – Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển – Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết: “Rất nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới hiện nay đã ra đời từ trong khủng hoảng và thành công nhanh chóng bởi họ biết tận dụng bối cảnh kinh tế khó khăn để giành những ưu thế đáng kể trên thị trường. Lịch sử đã chứng minh, một số thương hiệu tăng cường hoạt động trong thời kỳ suy thoái, khi các đối thủ đang cắt giảm hoạt động marketing, đã giúp họ tăng thị phần với chi phí thấp hơn so với khi họ thực hiện điều đó trong thời không khủng hoảng”.
PGS. TS Trương Đình Chiến, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, thay vì cắt giảm triệt để hoạt động marketing, hãy khôn ngoan và linh hoạt trong việc chi tiêu cho tiếp thị để khi nền kinh tế khởi sắc trở lại, DN sẽ có nhiều cơ hội vượt lên.
Tìm giải pháp marketing phù hợp
Như vậy, vấn đề đặt ra là sử dụng nguồn ngân sách marketing và sử dụng giải pháp marketing thế nào cho phù hợp trong thời khủng hoảng. Ông Nguyễn Phương, Trưởng đại diện văn phòng, Công ty Dược phẩm Gynocare Ltd (Anh) cho rằng, nếu tình hình tài chính của DN khó khăn, trước mắt hãy cắt giảm các hoạt động xây dựng thương hiệu dài hạn. Ưu tiên cắt giảm ngân sách cho những sản phẩm có doanh số thấp hoặc đứng yên trong thời gian dài để đầu tư vào nhóm sản phẩm chủ lực có lợi nhuận cao của DN. Hãy sử dụng các chiến thuật tiếp thị để thu hút khách hàng đang sử dụng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh sang sử dụng sản phẩm của DN…
Ông Phương chia sẻ kinh nghiệm của công ty, đó là trong suy thoái, công ty vẫn tăng ngân sách huấn luyện cho đội ngũ bán hàng bởi theo ông, cải thiện tính hiệu quả của đội ngũ bán hàng có thể giúp tăng doanh số đến 10-20% mà không cần tăng ngân sách tiếp thị.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, Phó Tổng giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, Furama Resort đã chủ động điều chỉnh chiến lược marketing sau khi định dạng lại nhóm khách hàng chiến lược. Ngân sách dành cho quảng cáo năm 2009 lên đến 250.000 USD, với một phần đáng kể đang được xem xét để chuyển sang marketing online. Furama Resort cũng chủ động liên kết với các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực du lịch để tránh một cuộc chiến giảm giá. Ngoài ra, Furama tranh thủ đào tạo kỹ năng nhân viên, nâng cấp cơ sở vật chất…
Tại Việt Nam hiện nay, internet và các ứng dụng công nghệ số đang phát triển vượt bậc. Gần 20 triệu người sử dụng internet (tính đến năm 2008), hơn 60% dân số tuổi dưới 30 thông thạo internet, hơn 70% tổng số dân tại 6 thành phố lớn có sử dụng điện thoại di động và dùng nó để nghe nhạc, nhắn tin. Bà Lee Yee Hew – Giám đốc điều hành OgilvyOne Việt Nam – cho rằng, đó là những điều kiện thuận lợi để marketing số phát triển tại Việt Nam và đây được xem như một trong những giải pháp marketing hữu hiệu trong thời kỳ nền kinh tế lâm vào khó khăn như hiện nay.
“Marketing số là kênh hiệu quả cho phép bạn xác định đối tượng mục tiêu rõ ràng và có thể đánh giá được. Marketing số rất linh hoạt nên đó là một ưu điểm đặc biệt quan trọng trong thời suy thoái. Quan trọng nhất, marketing số có tính hai chiều giúp tạo nên quan hệ tốt hơn vì thương hiệu của bạn mang đến cho người tiêu dùng cảm giác được lắng nghe và cho phép họ tùy chỉnh những nội dung họ muốn xem” – bà Lee Yee Hew chia sẻ.
PGS. TS Trương Đình Chiến cũng đưa ra lời khuyên cho các DN, là cần chủ động điều chỉnh hoạt động marketing cho phù hợp với những thay đổi trong chính sách vĩ mô của Chính phủ để đón trước những cơ hội do chính sách vĩ mô tạo ra. Các DN cũng cần chủ động tham gia vào các hiệp hội ngành hàng, các tổ chức kinh doanh để chia sẻ thông tin, liên kết kinh doanh, phối hợp hành động trên thị trường. Càng trong thời kỳ khó khăn, yêu cầu phải liên kết càng lớn để chia sẻ chi phí hoặc tập trung nguồn lực để khai thác các cơ hội thị trường.