Câu chuyện uy tín

Xây dựng, thiết kế logo mới hiện nay đã không còn là chuyện của các doanh nghiệp mới thành lập mà ngay cả những thương hiệu đã nổi tiếng, có tuổi đời hàng chục năm cũng sẵn sàng thay đổi hệ thống nhận dạng thương hiệu cho phù hợp với chiến lược phát triển của doanh nghiệp mình.

Tuy vậy, ý thức xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu của các công ty Việt Nam chỉ thực sự hình thành cách đây không lâu sau khi xảy ra một số sự kiện nhiều nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị xâm phạm ở các nước Mỹ, Nhật, Pháp…

 Thương hiệu – thông điệp truyền tải hồn doanh nghiệp

Năm 2005, sự kiện nhãn hiệu Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) cùng 4 nhãn hiệu của các tập đoàn viễn thông lớn khác ở Việt Nam bị một công ty ở bang Illinois, Mỹ đăng ký “trước” với động cơ không rõ ràng đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt Nam, cần phải cẩn trọng và hiểu biết hơn nữa khi tham gia vào đấu trường thế giới.

Sau khi nhận được thông tin trên, SPT đã cho tiến hành đều tra vụ việc và được biết, công ty này chỉ đăng ký nhãn hiệu SPT mà không hoạt động. Do đó, nếu SPT muốn đòi lại quyền sở hữu thương hiệu chắc chắn sẽ thắng.

Tuy nhiên, thời điểm này SPT đang tiến hành thay đổi toàn bộ hệ thống nhận dạng thương hiệu nên chiến dịch bảo vệ quyền lợi sở hữu thương hiệu đã rẽ sang một hướng khác, sáng tạo và linh hoạt hơn.

Sau một năm làm việc với các công ty tư vấn chiến lược và xây dựng thương hiệu, đến giữa năm 2006, sau hơn 10 năm hoạt động kinh doanh, SPT đã chuẩn hóa hệ thống thương hiệu mới với logo có hình tượng quả địa cầu và ba chữ SPT in đậm, nghiêng về phía trước.

Logo mới thể hiện cho sự xoay chuyển, hoạt động của công ty luôn luôn vận động hướng tới tương lai, truyền tải thông điệp “SPT -nhà cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông chất lượng – chuyên nghiệp – thân thiện” đến với khách hàng.

Hành trình bảo hộ “hồn doanh nghiệp”

Rút kinh nghiệm từ những sự việc không hay đã xảy ra, ngay sau khi thay đổi hệ thống nhận dạng thương hiệu, SPT đã cho tiến hành các thủ tục đăng ký sở hữu logo mới ở Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (NOIP) và đến tháng 09/2006, NOIP chính thức chấp nhận đơn.

Tháng 01/2007, SPT nộp hồ sơ đăng ký logo quốc tế tại Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Quốc tế (WIPO) thông qua NOIP theo Nghị định thư Madrid (cam kết giữa các quốc gia với nhau về luật sở hữu trí tuệ) với 4 nhóm dịch vụ: Nhóm 35 (Mua bán thiết bị bưu chính viễn thông), Nhóm 36 (Dịch vụ chuyển tiền nhanh), Nhóm 38 (Cung cấp dịch vụ mạng viễn thông công cộng; Cung cấp thông tin lên mạng internet (ICP); Cung cấp dịch vụ kết nối internet (IXP); Dịch vụ kết nối internet trong nước (NIX) và Dịch vụ kết nối Internet quốc tế (IIG); Cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất; Cung cấp dịch vụ ứng dụng internet viễn thông; Cung cấp dịch vụ viễn thông; Cung cấp các loại dịch vụ viễn thông sử dụng giao thức IP) và Nhóm 39 (Dịch vụ bưu chính).

Đến tháng 03/2007, sau nhiều lần trao đổi, chỉnh sửa, hoàn tất các thủ tục cho phù hợp với luật pháp quốc tế, WIPO chính thức nhận đơn, chấp nhận bảo hộ logo SPT trong vòng 10 năm.

Đồng thời, trong tháng 09/2007 SPT cũng tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ logo tại Hồng Kông (Intellectual Property Department – IPD) cho Nhóm Sản phẩm/ Dịch vụ 38 (Cung cấp dịch vụ viễn thông).

Tháng 10/2007, Văn phòng đăng ký nhãn hiệu và thiết kế của Cộng đồng chung Châu Âu (OHIM) đã chấp nhận bảo hộ logo SPT trong vòng 10 năm kể từ ngày 05/10/2007. Đây được xem là cột mốc quan trọng, bởi OHIM là một trong những nơi rất khó đăng ký, chỉ cần một nước trong cộng đồng chung châu Âu từ chối thì tất cả các nước còn lại cũng không xem xét hồ sơ.

Tháng 02/2008, SPT được Cục Sở hữu Trí tuệ Úc (IP Australia) chấp nhận bảo hộ logo.

Ngay sau đó, tháng 03/2008, IPD đăng công báo chính thức bảo hộ logo SPT trong vòng 10 năm bắt đầu từ 18/09/2007.

Vậy là, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2008, logo của công ty SPT chính thức được bảo hộ bởi tổ chức WIPO và Cục sở hữu trí tuệ tại các nước Úc, Hồng Kông, đánh dấu một chặng đường phát triển trong quá trình đăng ký bảo hộ quốc tế logo.

Mặc dù vậy, công việc vẫn chưa kết thúc, hiện nay, hồ sơ đăng ký bảo hộ quốc tế logo của SPT ở Mỹ và Singapore đang trong thời kỳ đăng công báo (theo đúng Luật bảo hộ thương hiệu), dự kiến đến cuối tháng 7 đầu tháng 8 sẽ có kết quả công nhận chính thức.

Có thể nói, thương hiệu là tên, là hồn doanh nghiệp. Việc xây dựng, phát triển và bảo vệ uy tín thương hiệu cần lắm tầm nhìn và cái tâm của nhà lãnh đạo doanh nghiệp để thương hiệu có thể tồn tại với thời gian.

Hơn thế nữa, đó còn là quyền lợi và điều bắt buộc phải làm của tất cả các doanh nghiệp khi Việt Nam gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới.

Theo marketingvietnam