Việc kinh doanh ở thời đại công nghệ cao

Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hầu như bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều ứng dụng các sản phẩm của ngành công nghệ cao này vào công việc kinh doanh hàng ngày của mình. Không ai có thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin trong kinh doanh như hiện nay.

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là việc “ăn kem … cũng cần công nghệ cao”, một minh chứng rõ nét nhất cho thấy công nghệ thông tin đã đi sâu vào những hoạt động kinh doanh tưởng chừng như rất nhỏ bé này.

Ở một khu phố nọ, kem Haagen Daz của hãng CRA cứ nằm lì cả tuần trong tủ đông lạnh, trong khi ở một khu phố khác, kem không có đủ để bán cho ng¬ười tiêu dùng. “Chúng tôi rất khó mà theo dõi tình hình, chẳng biết cửa hàng nào cần kem, cửa hàng nào còn dư nhiều kem mà điều phối, đáp ứng cho kịp”, ông Richard Yeung, Giám đốc điều hành CRA cho biết.

Và rồi CRA đã tìm ra được công cụ hoàn hảo giúp công việc tiêu thụ kem của họ đạt hiệu quả như ý. Đó là phương thức quản lý cung ứng – theo dõi hàng hoá bằng kỹ thuật điện tử. Nhờ công nghệ thông tin điện tử, CRA đã thấy doanh thu hằng ngày ở mỗi cửa hàng Circle K của họ tăng 11% trong năm 2002. Chi phí hoạt động thì giảm 2,4%.

Nó đã trở thành chìa khoá cho sự sống của CRA và là một sự sống tươi hồng. Lợi nhuận đã tăng 629% trong năm qua sau khi công ty ứng dụng kỹ thuật điện tử vào việc quản lý kinh doanh hằng ngày. Nhờ có doanh thu tăng cao, uy danh công ty cũng đã trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Kết quả là khi tiến hành niêm yết trên thị tr¬ường chứng khoán Hong Kong hồi đầu năm nay, CRA đã là một câu chuyện thành công. Với 20 triệu USD thu được từ việc bán cổ phần ra cho công chúng, CRA nay đang tiến hành xâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa càng nên ứng dụng Công nghệ thông tin.

Tin buồn cho những doanh nghiệp làm ăn trên Internet ở thế giới phương Tây lại là tin vui cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở thế giới phương Đông. Vì chi phí cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc điều hành sản xuất ở công ty của họ nay đã rẻ hơn ba bốn năm trước đây rất nhiều lần.

Theo kết quả cuộc thăm dò của Công ty Nghiên cứu – tư vấn Gartner qua hơn 850 công ty thuộc đủ tầm mức khác nhau ở châu Á cho thấy: có 46% dự kiến sẽ tăng thêm ngân sách cho lĩnh vực công nghệ thông tin ở cơ sở của họ trong năm nay, và chỉ có 15% là sẽ giảm kinh phí cho công nghệ thông tin.

Theo những gì được CRA tiết lộ, thì toàn bộ kinh phí họ chi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc điều hành đã là 5 triệu USD, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với khoản kinh phí mà họ đã phải chi ra nếu như nhảy vào thế giới điện tử từ cách đây 5 năm. Ông Richard Yeung khoe rằng, trong hai năm qua, nhờ công nghệ thông tin mà CRA đã giảm được 6,4 triệu USD chi phí hoạt động của chuỗi 132 cửa hàng trực thuộc.

Nếu như không có công nghệ thông tin thì để doanh thu đạt được mức tăng trưởng 100%, chi phí hoạt động cũng đã phải tăng theo khoảng 70%. “Không có kỹ thuật điện tử để theo dõi nguồn hàng, thị trường cung – cầu thì chúng tôi đã chắc chắn phải thuê nhiều nhân viên hơn, dẫn đến tốn kém cao hơn trong khâu hoạt động”, Richard nói.

Thời gian cần thiết để hoàn tất một giao dịch với khách hàng nay chỉ còn là 6 giây thay vì 12 giây như trước khi ứng dụng công nghệ thông tin. Chỉ sau một ngày bán hàng, công ty đã biết ngay cần đặt thêm hàng gì, chưa vội mua hàng nào và không mua mặt hàng khác.

Công nghệ thông tin, theo Richard, cũng đem đến cho khách hàng của CRA một lợi ích quan trọng. Đó là giá cả hàng hoá bày bán trong các cửa hàng Circle K đã giảm được từ 10 đến 14% so với năm 1998.

Như vậy, có thể nói nếu doanh nghiệp biết ứng dụng công nghệ thông tin một cách hợp lý vào hoạt động kinh doanh của mình, phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp thì thành công sẽ là rất lớn, đồng thời sẽ nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường nhờ tiết kiệm được chi phí và thời gian sản xuất.

Theo bwportal