Một nghiên cứu của học giả Begun Erdil Sahin về hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ước tính cứ 1% tăng lên cho hoạt động hày có thể dẫn đắt kinh tế tăng trưởng 0,61%.
Cuộc đua R&D của thế giới và ước nguyện của Chủ tịch FPT
Hiểu một cách đơn giản các hoạt động R&D giúp các nhà khoa học, nghiên cứu phát triển những tri thức, công nghệ, kỹ thuật mới. Khi công nghệ tay đổi, con người có thể năng suất hơn kể cả trong bối cảnh nguồn lực tương tự hoặc ít hơn, từ đó tăng năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nghiên cứu này được bà thực hiện trên mẫu nghiên cứu 15 nước thuộc OECD. Đây cũng là những quốc gia đầu tư mạnh cho các công tác đổi mới. Xét trên toàn thế giới, quốc gia chi mạnh nhất cho R&D phải kể đển Israel.
Theo số liệu của OECD, tỷ trọng chi cho hoạt động nghiên cứu cứu tính trên GDP của Israel năm 2015 đạt mức 4,25%, tiếp theo là Hàn Quốc với mức 4,23%. Đối với Mỹ tỷ lệ chi cho R&D là 2,79% và bình quân EU là 1,95%.
Đi lên từ bờ vực phá sản, cổ phiếu công ty này đã tăng 25 lần chỉ sau 3 năm, sản phẩm chiếm 45% thị phần tại Úc: Lời giải vươn ra biển lớn của doanh nghiệp Việt – Ảnh 1.
Người Israel dùng từ “Yozma” (tiếng Hebrew nghĩa là đổi mới) để ám chỉ Cơ quan sáng tạo Israel. Tổ chức thuộc Chính phủ này được thành lập năm 1993 với vai trò thúc đẩy hoạt động sáng tạo tại quốc gia này.
Avi Hasson, chủ tịch Cơ quan sáng tạo Israel (vốn từng là quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm Gemini Israel Funds) cũng từng nhấn mạnh: “Tôi là người rất tin rằng không có đầu tư nào tốt hơn đầu tư vào công nghệ, R&D. Đây là lĩnh vực năng động và bền vững nhất của nền kinh tế, đem lại kết quả tốt nhất.
Mỗi đồng tiền được đầu tư vào công nghệ, R&D, khi tạo ra ảnh hưởng trong nền kinh tế, giá trị của nó tăng lên 5-10 lần xét về đóng góp vào GDP, nên đó là khoản đầu tư tốt nhất. Và thị trường của tương lai sẽ phụ thuộc về công nghệ. Mọi khía cạnh nền kinh tế sẽ được công nghệ hóa. Nên nếu muốn tham gia thì phải có kiến thức và hiểu biết, và vượt trội”.
Cơ quan sáng tạo Israel nhận hỗ trợ tài chính hoàn toàn từ chính phủ, linh hoạt hơn trong việc soạn thảo và thực hiện chính sách hỗ trợ sáng tạo, hạ tầng và cả ngân sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển cho các nhà nghiên cứu trong mọi lĩnh vực của công nghệ ở mọi giai đoạn.
Nguyên tắc cơ bản của cơ quan này là giúp điều phối và chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ tài chính, không gian, sau đó thì đứng tránh đường để các doanh nghiệp và cá nhân làm việc cùng nhau. Và việc quan trọng nhất là “làm mai”- kết nối những người thông minh với nhau, họ sẽ biết phải làm gì.
Với tầm quan trọng như của R&D, bên lề Diễn đàn kinh tế tư nhân lần thứ 2 mới được tổ chức, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng chia sẻ ước nguyện: “Các doanh nghiệp Việt Nam hãy chọn con đường phấn đấu, con đường công nghệ, sáng tạo để đi lên. Con đường khó, nhưng thành công ấy sẽ bền vững. Chúng ta cần nhiều hơn doanh nghiệp có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp, tập đoàn toàn cầu”.
Đường ra biển lớn có khó?
Ước nguyện là một chuyện nhưng thực tế theo số liệu của ngân hàng phát triển thế giới ADB, hiện tại các công ty tư nhân Việt Nam chỉ dành 3% ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Số liệu chi cho hoạt động này tính trên GDP của Việt Nam cũng chưa xuất hiện trên dữ liệu của OECD.
Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế cao cấp, Trưởng Dự án Sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI) của ADB nhận xét hiện các doanh nghiệp startup ở Việt Nam vẫn chưa tìm được một bản sắc hoặc khai thác một vị thế cạnh tranh toàn cầu. Thay vào đó, hầu hết các startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa đều tập trung vào chi tiết nhỏ, hợp đồng sản xuất linh kiện, ứng dụng phần mềm nước ngoài hay dịch vụ trực tuyến cho thị trường trong nước.
Tuy là đường khó nhưng đã có những doanh nghiệp Việt Nam đang trên đường thành công bền vững như lời chủ tịch Trương Gia Bình. Có thể kể đến là trường hợp của công ty cổ phần Vicostone.
Công ty này được thành lập năm 2002 tiền thân là Nhà máy Đá ốp lát cao cấp Vinaconex với tên ban đầu là Công ty cổ phần Đá ốp lát cao cấp Vinaconex và đổi tên năm 2013. Lĩnh vực hoạt động chính của Vicostone là sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh theo công nghệ được chuyển giao từ hãng Breton S.P.A (Ý).
Năm 2007, công ty này được chọn làm nhà cung cấp đá ốp lát cao cấp cho các sòng bài của khu giải trí City Center (Las Vegas), Mỹ. Hợp đồng này là cánh cửa giúp Vicostone, công ty mới có 3 năm kinh nghiệm xuất khẩu, khẳng định sự hiện diện tại một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.
“Thương hiệu Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế cực kỳ khó khăn nhưng Vicostone làm được nhờ làm chủ công nghệ và R&D”, chủ tịch hội đồng quản trị Vicostone, ông Hồ Xuân Năng có lần chia sẻ với báo giới.
Năm 2004, Vicostone là công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công đá ốp lát nhân tạo cao cấp theo công nghệ của hãng Breton và hiện là số ít nhà cung cấp loại sản phẩm này trên thế giới.
Điều đáng nói là sau khi thành lập Vicostone đứng trên bờ vực phá sản khi bán ra thị trường không được do chất lượng không đảm bảo, đội ngũ nhân sự yếu kém và hầu như không nắm được công nghệ như chính trong báo cáo thường niên năm 2008 công ty này thừa nhận.
“Tôi được phân công về đây để cứu Vicostone”, là câu ông Năng nói khi được tổng công ty Vinaconex phân công về vực dậy công ty. Ông Năng từng là giám đốc sản xuất nhà máy ô tô Ford Việt Nam.
Sau 2 tuần làm việc tại Vicostone, ông Năng nhận ra nguyên nhân dẫn đến nhà máy hoạt động không hiệu quả là định hướng thị trường sai khi phục vụ thị trường nội địa. Công ty này chuyển hướng sang nhập khẩu nguyên liệu bằng đá nhập khẩu, áp dụng công nghệ được chuyển giao độc quyền từ Breton để sản xuất đá ốp lát nhân tạo.
Lô hàng đầu tiên của Vicostone xuất sang Úc với hợp đồng cung cấp đá ốp lát cao cấp cho công ty WK Marble & Granite. Dần dần Vicostone dành vị thế số 1 tại Úc với thị phần 45% năm 2015. Đến nỗi một công ty trong ngành của Úc là Caesarstone đưa vào danh sách đối thủ có khả năng đe dọa thị phần.
R&D cũng giúp ông Năng và đội ngũ tạo ra những mẫu mã đặc biệt, khó sao chép, chống bám bẩn, kháng khuẩn,… giúp họ đánh bật hàng Trung Quốc với chiêu bài cạnh tranh giá rẻ.
Năm 2016, doanh thu của Vicostone đạt mức hơn 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 676 tỷ đồng. Một điều khá bất ngờ là chỉ sau 3 năm, giá cổ phiếu của công ty này tăng gấp 25 lần, từ mức hơn 7 nghìn đồng/cổ phiếu lên mức 183 nghìn đồng ngày 7/8/2017.
Giá cổ phiếu VCS tăng 25 lần chỉ sau 3 năm.
Rõ ràng đường ra biển lớn với doanh nghiệp Việt Nam khó nhưng không phải không thể và Vicostone là một trong những tấm gương đáng để học hỏi.
Theo Nhịp sống kinh tế