Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những khó khăn chung của nền kinh tế trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp đã phải chịu cảnh thua lỗ nặng suốt những tháng đầu năm 2012. Cùng với đó, mức thù lao mà lãnh đạo chủ chốt được nhận cũng thấp đến bất ngờ.
Lãnh đạo chủ chốt chỉ hưởng 3 – 5 triệu…
Trải qua những khó khăn trong kinh doanh suốt thời gian dài, cùng với sự trồi sụt thất thường của thị trường chứng khoán, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã phải đưa ra mức thù lao khá thấp dành cho những lãnh đạo chủ chốt. Đây dường như là một giải pháp tốt mà nhiều công ty lựa chọn, trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo vẫn còn nhiều u ám.
Bằng chứng là, trong Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niêm năm 2012 vừa được Công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại dầu khí – IDICO đưa ra, có mức thù lao khá thấp trong năm 2012.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị chuyên trách sẽ hưởng lương áp dụng theo quy chế trả lương của công ty. Còn riêng đối với Hội đồng quản trị kiêm nhiệm sẽ chỉ hưởng mức thù lao 3 triệu đồng/người/tháng. Trưởng Ban kiểm soát cũng hưởng mức thù lao 3 triệu đồng/tháng/người, còn thành viên Ban kiểm soát là 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, Công ty IDICO có chức năng kinh doanh trong các mảng như, xây dựng công trình dân dụng, xây dựng công trình công nghiệp, công trình giao thông (cầu, đường, cống…); Xây dựng công trình thủy lợi; Xây dựng kết cấu công trình; Xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị; Trang trí nội, ngoại thất công trình; Kinh doanh bất động sản… Hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM với mã chứng khoán là PXL, có mệnh giá chỉ trên hơn 5 nghìn đồng/cổ phiếu.
Cùng với Công ty IDICO, trong năm 2012 lãnh đạo của Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Điện tử – Viễn thông cũng chỉ nhận mức thù lao từ 3- 5 triệu đồng/tháng/người.
Tại Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niêm năm 2012, Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ Điện tử – Viễn thông (mã ck: ELC), có thông qua phương án trả thù lao cho thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trong năm 2012. Theo đó, thưởng 2% lợi nhuận sau thuế của Công ty cho Hội đồng quản trị, nếu kết quả kinh doanh vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đề ra từ 5% trở lên. Riêng chế độ thù lao cho trưởng Ban kiểm soát năm 2012 là 5 triệu đồng/tháng, còn các thành viên Ban kiểm soát năm 2012 là 3 triệu đồng/tháng.
Một các tên cũng từng được biết nhiều trên thị trường và hiện đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM, là Công ty cổ phần thép Nam Kim (mã NKG). Trong Nghị quyết đại Hội cổ đông thường niêm năm 2012, NKG chỉ thông qua mức thù lao 120 triệu đồng/năm cho chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị; Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị là 84 triệu đồng/năm và thành viên Hội quản trị là 60 triệu đồng/người/năm.
Riêng trưởng Ban kiểm soát là 10 triệu đồng/năm, thành viên Ban kiểm soát là 5 triệu đồng/người/năm. Như vậy, tổng thù lao của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trong năm 2012 sẽ là 409 triệu đồng/năm.
… Và lợi nhuận tiếp tục sụt giảm
Mặc dù tình hình kinh tế trong nước hiện nay đang có dấu hiệu tích cực, nhưng nhiều công ty trong nước vẫn chưa thể thoát được những khó khăn. Lợi nhuận trong quý 1 năm 2012 của không ít công ty đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ, thậm chí còn thua lỗ.
Theo đó, trong kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển Bình Dương cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý 1 năm 2012 chỉ đạt hơn 976 triệu đồng, giảm 18,7 tỷ so với năm 2011 (tương đương 95%).
Lý giải về sự sụt giảm này, trong báo cáo vừa gửi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, bà Bùi Thị Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, nguyên nhân là do doanh nghiệp đang hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, nên doanh thu thường được ghi nhận vào quý 3 và 4 hàng năm. Bên cạnh đó, tình hình thị trường trầm lắng, cũng dẫn đến doanh thu kinh doanh bất động sản bị ảnh hưởng nặng.
Cùng chịu mức thua lỗ nặng trong quý 1, Công ty cổ phần Mirae (mã ck KMR) cũng có mức lợi nhuận âm ở quý 1 năm 2012. Trong báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong quý 1/2012, hoạt động sản xuất kinh doanh (lợi nhuận sau thuế) chỉ đạt hơn 259 triệu đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.
Giải thích về việc thua lỗ này, Công ty Mirae cũng cho biết, trong quý 1/2012 chi phí đầu vào (trong đó bao gồm một số loại nguyên vật liệu chính, nhiên liệu và nhân công) tăng làm cho giá thành sản xuất tăng. Tuy nhiên, do nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, Công ty không thể tăng giá bán mà còn có chính sách giảm giá cho một số mặt hàng. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng thua lỗ trong thời gian qua.
Theo VnMedia