Nước Mỹ và giấc mộng của Foxconn

Cam kết chi 10 tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, Foxconn dường như có những toan tính sâu xa hơn là lấy lòng Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Ảnh minh họa

Nhà máy của Foxconn ở Wisconsin được cho là thắng lợi lớn của đảng Cộng hòa trong nỗ lực kéo việc làm về cho người Mỹ. Tuy nhiên, để Foxconn có thể đầu tư nhà máy 10 tỷ USD, Wisconsin sẽ phải chi khoản tiền 3 tỷ USD, tương đương với 519 USD/người dân, để làm cơ sở hạ tầng và ưu đãi thuế.

Cần phải nói rõ rằng người đóng thuế không phải bên chiến thắng trong thương vụ này. Phần thắng thuộc về Foxconn và chủ tịch Terry Gou . Chắc chắn Foxconn sẽ chỉ chấp thuận đầu tư ở Mỹ khi những yêu cầu của họ được đáp ứng. Tại Wisconsin, các bên đã tìm được tiếng nói chung khi chính quyền chi 3 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thuế hay các chính sách đào tạo trong khi Foxconn chi 10 tỷ USD đổi lấy 3.000 việc làm.

Phân tích các con số, dễ dàng nhận thấy Wisconsin phải trả tới 1 triệu USD cho mỗi công việc với mức lương trung bình là 54.000 USD. Cơ quan phát triển kinh tế của bang Wisconsin đang bán dự án cho những người nộp thuế với tuyên bố nó sẽ tạo ra 10.000 việc làm xây dựng ngay lập tức và khoảng 6.000 việc làm khác từ các lĩnh vực phụ trợ. Họ kỳ vọng mỗi công việc sẽ thu về 3,3 triệu USD từ công ty Đài Loan, Trung Quốc.

Các chính trị gia, những nhà vận động hành lang và Foxconn có thể khiến các con số trở nên “hào phóng” hơn một chút so với sự thật. Ví dụ, một công việc kết thúc, họ có thể tuyên bố 29.000 vị trí cho 3 tỷ USD, tương đương 103.000 USD/việc làm. Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra. Foxconn có các nhà máy ở Trung Quốc và nhiều công ty khác trên khắp thế giới. Trong khi đó, khoản đầu tư 10 tỷ USD của họ vào Mỹ còn nhiều hơn tổng khoản tiền chi tiêu vốn đầu tư của Foxconn trong 5 năm.

Foxconn tuyên bố có thể tạo ra 13.000 việc làm trong tương lai, con số quan trọng để Wisconsin biện minh cho khoản chi phí khổng lồ họ bỏ ra. Tuy nhiên, nếu thực sự ông Terry Gou muốn mang 10 tỷ USD đầu tư ở Mỹ, cách duy nhất để sinh lời là giảm chi phí nhân công và dựa vào tự động hóa để tăng năng suất. Nhà máy sản xuất màn hình này chỉ có thể lựa chọn dùng nhiều lao động hoặc đẩy mạnh tự động hóa mà thôi.

Cách thức Foxconn hoạt động ở Mỹ có thể tương đồng phần nào với nhà máy của Tesla ở Fremont, California. Đây là nhà máy tự động hóa cực cao mà Terry Gou đã vài lần ghé thăm. Ở đó, Elon Musk đã dùng 160 robot chuyên dụng để hỗ trợ các công nhân trong việc chế tạo xe hơi sử dụng năng lượng điện.

Về phần mình, Foxconn chắc chắn sẽ muốn tự động hóa nhiều nhất có thể bởi việc sản xuất màn hình tuân theo những tiêu chuẩn và dễ làm hơn nhiều so với việc chế tạo ô tô của Tesla. Đôi khi người ta cam kết trong thông cáo báo chí là một chuyện nhưng những gì xảy ra trong tương lai lại là chuyện khác.

Ba năm trước, Gou ký bản ghi nhớ với chính phủ Indonesia về việc đầu tư 1 tỷ USD và thuê nhân cộng địa phương làm đồ điện tử. Tuy nhiên, điều đó không bao giờ xảy ra. Nhà máy công nghệ cao 30 triệu USD ở Pennyslvania mà công ty này công bố năm ngoái cũng không bao giờ trở thành hiện thực.

Chỉ riêng trong năm ngoái, Foxconn đã cam kết đầu tư 5 tỷ USD vào Ấn Độ, 3,65 tỷ USD vào Côn Sơn, Tô Châu và 8,8 tỷ USD vào Hàng Châu, Trung Quốc. Vẫn còn quá sớm để nói những khoản đầu tư này có xảy ra hay không nhưng nếu tính cả Winconsin, Foxconn đã cam kết đầu tư 27,6 tỷ USD, nhiều hơn tất cả những gì công ty này đã làm trong 23 năm qua.

Ngoài ra, có một điều chắc chắn là Terry Gou không có được ngày hôm nay bằng cách ném tiền qua cửa sổ.

Theo trí thức trẻ