Mọi năm, Walmart thường thống trị thị trường bán lẻ bằng chiến lược giá “Everyday Low Price” (một dạng bình ổn giá thấp mà chuỗi siêu thị này cung cấp cho khách hàng của họ). Tuy nhiên mới đây, một hãng bán lẻ của Đức – Lidl vừa bước chân vào thị trường Mỹ đã đánh bại danh hiệu “ông vua giá thấp” mà Walmart dày công xây dựng.
Một cuộc khảo sát giá cả đối với 20 loại sản phẩm được thực hiện bởi nhóm phân tích Jefferies cho thấy giá hàng hóa ở hãng bán lẻ Lidl rẻ hơn khoảng 9% so với Walmart.
Trong một động thái khiêu khích, Lidl tuyên bố sẽ bán hàng với giá thấp hơn đối thủ đến 50%.
Cho đến nay, Lidl đã mở 10 cửa hàng dọc vùng East Coast và dự kiến đến giữa năm sau sẽ có 80 cửa hàng.
Trước khi đến Mỹ, Lidl đã làm đảo lộn thị trường bán lẻ ở Anh, đẩy một số chuỗi siêu thị lớn nhất trong vùng vào cuộc chiến ép giá khốc liệt. Các nhà phân tích dự đoán một kịch bản tương tự sẽ xảy ra ở Mỹ.
Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tiết lộ với Business Insider 8 bí quyết giữ giá cạnh tranh của Lidl, giúp hãng trở thành tân binh “trẻ nhưng có võ” trong thị trường bán lẻ Mỹ. Tất cả nằm trong 2 chữ ai cũng biết mà chẳng mấy người làm được trọn vẹn: quản lý.
1. Hầu hết sản phẩm ở đây đều đến từ các nhãn hàng riêng của nhà bán lẻ
Khoảng 90% sản phẩm được bày bán trong chuỗi cửa hàng của Lidl là do phía này làm việc trực tiếp với nhà sản xuất để tạo ra những nhãn hiệu của riêng mình.
Lợi ích của việc bán hàng nhãn hiệu riêng được nhân đôi bởi khi đó Lidl có thể cắt giảm trung gian mà hầu hết là những chi phí cho nhà cung cấp. Bên cạnh đó, bởi trực tiếp làm việc với nhà sản xuất do đó Lidl có quyền kiểm soát cao hơn đối với chi phí sản xuất, do đó có thể tự thiết lập giá cho chính sản phẩm của mình.
2. Giới hạn chủng loại sản phẩm
Chuyên gia bán lẻ Scott Mushkin đến từ công ty nghiên cứu Wolfe Research cho biết chiến lược của Lidl là cung cấp ít chủng loại nhưng với số lượng lớn. Chẳng hạn như cửa hàng chỉ bán 2 loại mù tạt: một loại là thương hiệu riêng của Lidl và loại còn lại đến từ một thương hiệu phổ biến trong nước. Sự hạn chế chủng loại này cho phép Lidl có thêm sức mua từ nhà cung cấp khi mà nó chấp nhận bán một khối lượng lớn đối với một số ít sản phẩm.
Doug Knootz – người phụ trách mảng nội dung tại công ty nghiên cứu Planet Retail RNG cho biết Lidl có khoảng 2.000 mã sản phẩm trong cửa hàng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 20.000 mã hàng được bày bán ở một cửa hàng tạp hóa tương đương hoặc 60.000 mã tại một siêu thị.
4. Lựa chọn hàng bán nhanh làm trung tâm
Lidl ưu tiên những sản phẩm thuộc vào nhu cầu tiêu dùng thường xuyên của khách hàng. Mike Puglia – giám đốc công ty nghiên cứu bản lẻ cho biết: “Cách phân loại này làm tăng tổng lợi nhuận. Những hàng hóa có tốc độ bán được hàng cao hơn tức là tốn ít tiền hơn cho việc kho bãi”.
Trong một lần ghé thăm đến cửa hàng mới của Lidl, ông Puglia phát hiện ra rằng những sản phẩm được đặt vào vị trí trung tâm là những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như ngũ cốc, nước hoa quả và nông sản hơn là những sản phẩm đặc biệt, thuộc thị trường ngách.
5. Cửa hàng nhỏ
Các cửa hàng của Lidl ở Mỹ khá nhỏ, nhìn chung chỉ khoảng 20.000 foot vuông. Trong khi diện tích này còn lớn hơn các cửa hàng của hãng ở Anh, chúng chỉ bằng 1/4 diện tích của một siêu thị truyền thống ở Mỹ như Kroger.
5. Chi phí nhân công thấp
Các cửa hàng của Lidl có rất ít nhân viên. Điều đó giúp cho chi phí trả lương của Lidl thấp hơn đáng kể so với các đối thủ. Nhằm hạn chế lượng tương tác của con người, mỗi cửa hàng của Lidl đều có công nghệ hiện đại và tự động hóa ở phòng hậu cần. Tại cửa hàng, khách hàng được yêu cầu phải tự cân đồ nông sản và tự cho đồ vào trong túi.
Nhân viên cửa hàng cũng được đào tạo để có thể thay phiên làm việc tại tất cả các vị trí trong cửa hàng. “Kết quả là, nhân viên của Lidl làm việc linh hoạt và hiệu quả hơn nhiều”, Mike Puglia đến từ công ty nghiên cứu bán lẻ Kantar Retail nhận định.
6. Đơn giản hóa việc trưng bày hàng trên kệ
Hầu hết các sản phẩm được trưng bày trên kệ của Lidl đều được giữ nguyên hiện trạng khi chúng được vận chuyển từ nhà máy đến đây. Điều đó giúp Lidl bớt đi công việc cho nhân viên và đẩy nhanh tốc độ restock hàng lên kệ.
Lidl cũng không đầu tư nhiều vào việc bày bán trong cửa hàng, bởi hàng hóa trên mỗi kệ không có quá nhiều như các đối thủ truyền thống. Thay vì xếp những kim tự tháp hay dựng pano, hình người để quảng cáo, Lidl đi theo các cách đơn giản và dễ nhìn.
7. Cắt giảm chi phí dành cho những vật dụng trang trí không cần thiết trong cửa hàng
Đến với Lidl, khách hàng sẽ được bước vào một cửa hàng tạp hóa vô cùng đơn giản, ngăn nắp. Không có những tấm biển quảng cáo màu mè hay ánh đèn neon nhấp nháy. Tất cả những vật dụng dùng để quảng cáo không cần thiết đều được loại bỏ nhằm giảm thiểu chi phí.
Một phát ngôn viên của Lidl trả lời phỏng vấn tờ Washington Post cho biết: “Chúng tôi nhìn nhận rác thải theo cách khác. Đó không chỉ là những thứ bị vứt vào thùng rác vào cuối ngày, đó còn là những chi tiêu không hiệu quả mà đáng lẽ ra cần được dùng để giảm thiểu chi phí cho khách hàng”.
Theo Washington Post, cách làm này còn giúp cho các cửa hàng của Lidl sử dụng ánh sáng thiên nhiên tốt hơn, bất cứ khi nào có thể.
8. Không chi quá nhiều tiền vào quảng cáo
Lidl thường hợp tác với các công ty marketing nhỏ ở địa phương. Ông Koontz cho biết: “Họ rất tích cực quảng cáo trên đài phát thanh và phương tiện truyền thông xã hội tại địa phương”.
Theo trí thức trẻ