1. Họ trung thực
Những người lãnh đạo hiểu được rằng, khi họ chịu trách nhiệm cho một nhóm người, họ phải có lòng trung thực. Doanh nghiệp và nhân viên phản ánh chính người lãnh đạo. Do đó, khi họ có hành vi đạo đức tốt, các nhân viên cũng sẽ làm theo.
Tại CoFoundersLab, một trong những mạng lưới trực tuyến lớn nhất dành cho các doanh nhân, họ đưa ra một danh sách các giá trị và niềm tin cốt lõi mà một người lãnh đạo cùng với doanh nghiệp cần phải hướng tới. Những tiêu chuẩn này sẽ thúc đẩy và khuyến khích nhân viên có lối sống và cách làm việc văn minh, lành mạnh và có hiệu quả, đồng thời tạo ra một không gian làm việc tràn ngập nhiệt huyết.
2. Họ biết cách phân công nhiệm vụ
Để tạo ra một doanh nghiệp có tổ chức và hiệu quả, việc đẩy mạnh tầm nhìn thương hiệu là rất quan trọng, nhưng nếu bạn không học cách tin tưởng vào nhân viên của mình cùng với tầm nhìn đó, doanh nghiệp sẽ không thể phát triển được.
Những người lãnh đạo luôn tin tưởng đội ngũ của mình. Họ biết cách phân công nhiệm vụ phù hợp với kỹ năng và khả năng của từng phòng ban. Việc chia sẻ công việc không chỉ giúp cho tổ chức chuyên môn hóa hơn, mà còn cho thấy sự tôn trọng của sếp đối với nhân viên.
Một ông chủ thông minh sẽ biết được rằng, chìa khóa nằm ở việc xác định được thế mạnh của nhân viên. Một khi đã tìm hiểu được khả năng của mỗi nhóm và mỗi người, họ sẽ biết cách phân công nhiệm vụ sao cho phù hợp nhất.
Được làm nhiệm vụ mà mình yêu thích chắc chắn sẽ khiến nhân viên tích cực và nỗ lực hơn. Điều này không chỉ chứng minh sự tin tưởng của sếp vào nhân viên, mà còn giúp họ giải phóng thời gian và tập trung vào những nhiệm vụ lớn hơn. Sự cân bằng này sẽ có tác động rất lớn đến năng suất của doanh nghiệp.
3. Họ biết cách giao tiếp
Đào tạo ra những thành viên mới và tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả phụ thuộc vào khả năng giao tiếp. Hiểu được điều đó, những người làm lãnh đạo luôn chú trọng việc nâng cao kỹ năng giao tiếp.
Đối với nhân viên, họ biết cách mô tả ngắn gọn và rõ ràng những gì họ muốn thực hiện và phân công nhiệm vụ, giúp nhân viên hiểu được tầm nhìn và mục đích của mình. Đối với đối tác, họ biết cách trình bày và thảo luận, vừa thỏa hiệp vừa cương quyết.
Khi gặp bất cứ trở ngại nào, họ cũng không lo sợ. Tinh thần có liên quan mật thiết đến năng suất, công việc của người lãnh đạo là truyền đi năng lượng tích cực. Họ khuyến khích nhân viên lạc quan trước những sai lầm. Từ đó, môi trường làm việc sẽ trở nên vui vẻ và lành mạnh, nơi mà nhân viên mong đợi được làm việc, chứ không phải lo sợ về nó.
4. Họ tự tin
Sẽ có những ngày mọi việc không theo đúng kế hoạch và gặp nhiều trở ngại nhưng những người lãnh đạo thông minh sẽ không hoảng loạn. Lãnh đạo là người giữ lửa và duy trì tinh thần của cả tập thể. Họ luôn giữ sự tự tin và cho mọi người thấy rằng, thất bại là điều bình thường và chúng ta cần tập trung vào những mục tiêu lớn hơn.
Một người lãnh đạo tự tin sẽ giúp cho cả tập thể tự tin tiến về phía trước.
5. Họ có cam kết
Một người xứng đáng làm sếp là người tạo được động lực cho nhân viên. Để có được điều đó, họ phải có sự cam kết và chứng minh được cam kết của mình đối với doanh nghiệp và nhân viên. Bằng cách này, họ không chỉ có được sự tôn trọng của nhân viên, mà còn giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu.
Điều quan trọng là họ không chỉ cam kết với công việc hiện tại, mà còn là lời hứa trong tương lai. Khi nhân viên thấy được sự cam kết đó, năng suất và chất lượng công việc chắc chắn sẽ tăng lên.
6. Họ có thái độ tích cực
Những người làm sếp luôn giữ cho mình thái độ lạc quan và năng lượng tích cực. Đôi khi họ sẽ làm cho văn phòng trở nên vui tươi bằng việc mang đến một vài món đồ ăn nhẹ, cà phê hoặc thậm chí là trở thành người tư vấn cho các mối quan hệ của nhân viên.
Khi nhân viên cũng cảm thấy vui vẻ và lạc quan, họ có thể sẽ không bận tâm đến việc làm thêm giờ để hoàn thành báo cáo hoặc cố gắng nỗ lực hết mình vì doanh nghiệp.
7. Họ sáng tạo
Sự sáng tạo là yếu tố vô cùng quan trọng của một người lãnh đạo. Đôi khi chỉ cần một ý tưởng chợt lóe sáng thôi có thể đem lại bước tiến vượt bậc cho doanh nghiệp.
Biểu hiện của sự sáng tạo ở nhà lãnh đạo đó là biết xem xét ý tưởng một cách toàn diện nhất, đôi khi là đảo ngược lại vấn đề ở cả mặt tiêu cực. Họ không lựa chọn lập tức những khả năng đầu tiên và dễ dàng nhất. Đối với mọi vấn đề, họ luôn suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
8. Họ có trực giác nhạy bén
Khi phía trước không có bất cứ một lộ trình cụ thể nào, giữa những áp lực và nguy cơ cao, thì trực giác lại trở thành công cụ cần thiết. Một nhà lãnh đạo sẽ biết dựa vào trực giác của mình cùng những kinh nghiệm trong quá khứ và sự cố vấn để đưa ra quyết định. Dù việc đưa ra quyết định có khó khăn đến đâu, họ vẫn sẽ vô cùng cương quyết.
Bí mật của trực giác nhạy bén chính là tin tưởng vào bản thân và tin tưởng vào nhân viên của mình.
9. Họ truyền cảm hứng
Việc tạo cảm hứng cho nhân viên là điều quan trọng để đi đến thành công, nhất là trong gia đoạn khởi đầu của doanh nghiệp. Một nhà lãnh đạo giỏi là người biết cách truyền cảm hứng cho nhân viên, tạo ra sự nhiệt tình, đánh giá và khen thưởng xứng đáng cho những cống hiến và nỗ lực mà nhân viên đã bỏ ra.
10. Họ biết cách tiếp cận
Không phải tất cả mọi người đều giống nhau. Mỗi người đều có quan điểm khác nhau, nền giáo dục khác nhau, tính cách và giá trị cá nhân khác nhau. Một số người có thể chịu được áp lực, một số khác thì không. Một số người luôn sáng tạo, số khác lại không.
Với tư cách là một nhà lãnh đạo, họ biết cách tối ưu hóa hiệu quả công việc bằng khả năng tùy chỉnh cách tiếp cận đối với từng cá nhân. Khả năng này đóng vai trò rất lớn giúp cho đội ngũ nhân viên đạt được hiệu suất công việc tối đa.
Theo Trí Thức Trẻ