Nếu muốn giàu, hãy quên đi 7 nhận thức sai lầm thường thấy này

Bạn có thể đã nghe rất nhiều những câu như kiểu “Tiền không tự mọc trên cây” hay “Muốn kiếm tiền phải có tiền”.


Ảnh minh họa

Những câu nói này vô tình khiến nhiều người tin rằng trở nên giàu có là một thứ xa xỉ chỉ dành cho những người có đặc quyền. Nhưng theo các chuyên gia tài chính và tỷ phú tự thân, thì nhiều câu “cửa miệng” nhìn chung đều là dối trá.

Hãy nhìn lại những nhận thức sai lầm phổ biến sau đây và tìm cách tránh đi nếu bạn muốn trở nên giàu có.

1. Cần phải có tiền mới làm ra tiền

Lý do người ta nghĩ như vậy là bởi họ chỉ nhìn vào kết quả cuối cùng của trạng thái giàu có, thay vì tự hỏi chính mình “Những người giàu có đã làm gì khi họ ở vào hoàn cảnh của tôi?”

Theo Scott Trench, phó giám đốc điều hành ở BiggerPockets, yếu tố then chốt để trở nên giàu có là tiêu xài ít hơn số tiền mình kiếm được và đem khoản tiền dôi ra đi đầu tư.

“Vấn đề là nhiều người nghĩ rằng đầu tư là một hoạt động thụ động và người giàu chỉ ném tiền vào một thứ gì đó mà thôi”, Trench cho biết. “Người giàu không làm thế. Họ tìm hiểu cặn kẽ và điều nghiên bất kỳ cơ hội đầu tư nào có được, sau đó giám sát và đo lường quá trình đầu tư của mình. Hầu hết những người giàu đều có nhiều khoản đầu tư và đều tham gia tích cực vào các lĩnh vực mà mình đầu tư”.

2. Tiền không tự mọc ra trên cây

Về cơ bản thì tiền không thể mọc ra trên cây. Nhưng theo nghĩa bóng, các chuyên gia tài chính cho rằng điều này hoàn toàn có thể.

Tỷ phú tự thân Steve Siebold, tác giả của cuốn sách “Người giàu suy nghĩ ra sao”, cho biết: “Niềm tin này khiến nhiều người nghĩ rằng tiền là thứ quý hiếm và khó kiếm, thay vì coi tiền là dư thừa và kiếm tiền cũng dễ như giải quyết một vấn đề nhờ cách tư duy bền bỉ và sáng tạo”.

“Tiền không tự nhiên mọc trên cây, nhưng có một số nguyên tắc để điều đó xảy ra. Bạn phải thử thách chính bản thân mình để biết những nguyên tắc đó là gì, và dù bạn là ai thì những gì bạn có cũng sẽ tăng lên từng ngày”.

3. Tiền là nguồn gốc của mọi tội ác

Câu nói này xuất phát từ kinh thánh. Tuy nhiên, phát ngôn này lại bị hiểu nhầm qua hàng thế kỷ. Thực ra câu đầy đủ là như sau: “Vì sự say mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi tội ác”.

Ed Brancheau, CEO của Goozleology, đã nghe câu này khi còn nhỏ từ người bà theo Đạo Thiên chúa của mình.

“Tất nhiên nếu bạn nghe câu này rất nhiều lần khi còn nhỏ, sẽ khá khó khăn khi muốn tiết kiệm tiền mà không cảm thấy tội lỗi”, ông nói. “Nhưng khi bạn nghe đầy đủ cả câu nguyên bản, thì bạn có thể có tiền mà không cảm thấy tội lỗi. Khi nhận ra điều này, tôi thấy nhẹ cả người”.

4. Tiết kiệm được một đồng là kiếm được một đồng

Câu này ý nói tiết kiệm tiền là một trong những yếu tố làm nên sự giàu có. Vấn đề là nó khuyến khích người ta tập trung quá đáng vào việc tiết kiệm đến mức chi li, sống đạm bạc mà quên đi mục tiêu lớn hơn.

“Người ta phải từ bỏ lối tư duy này và tập trung tâm trí vào nơi cần thiết: Những khoản tiền lớn”, Siebold cho biết.

Nếu bạn dồn sức lực và suy nghĩ vào việc tiết kiệm những khoản tiền nhỏ nhặt, bạn sẽ bỏ lỡ những cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn hoặc thu được lợi ích từ những khoản đầu tư và những ý tưởng độc đáo.

5. Thời gian là tiền bạc

Câu này ám chỉ giá trị quý báu của thời gian. Thật không may, theo các chuyên gia điều này không hoàn toàn đúng.

“Đa phần mọi người đổi thời gian lấy tiền bạc. Điều này tạo ra niềm tin cho rằng kiếm tiền là một quá trình liên quan trực tiếp đến thời gian”, Siebold giải thích.

Đôi khi, làm giàu không chỉ phụ thuộc vào số giờ làm việc nhiều, mà còn là việc khai thác kiến thức và kỹ năng để kiếm được nhiều tiền nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất.

6. Chiếc xe hơi, ngôi nhà hay tấm bằng đều là tài sản

Theo Trench, bạn không nên coi những thứ như nhà cửa, xe hơi và bằng cấp là những khoản đầu tư thông minh nếu muốn giàu có. Vì rốt cuộc sở hữu những thứ đó nhìn chung sẽ làm bạn tốn tiền hơn mỗi tháng. Chỉ vì chi phí cho những thứ này, bạn có thể phải lâm vào cảnh nợ nần trong những năm tới.

Trench khuyên rằng nếu muốn giàu có, bạn cần phải theo đuổi những tài sản có khá năng gia tăng giá trị và tạo ra dòng tiền ổn định. Theo hướng đó, ông gợi ý nên mua các loại tài sản như doanh nghiệp, chứng khoán, trái phiếu và bất động sản thay vì các loại hàng hóa “xa xỉ” như xe hơi, bằng đại học, v.v.

7. Người giàu đều ích kỷ

Đúng là để giàu thì người ta phải có thời gian và sự tập trung. Chẳng có gì là sai khi tập trung vào các mục tiêu tiền bạc nếu bạn bắt đầu khởi nghiệp.

Theo Siebold, “để kiếm được nhiều tiền, giai đoạn ban đầu sẽ có lúc bạn phải tập trung vào bản thân và công việc của mình để đưa chính mình vượt lên mức trung bình phổ biến. Một khi bạn đã có một chút thành tựu, bạn hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động tình nguyện hoặc đóng góp tiền cho các quỹ từ thiện”.

Theo Trí Thức Trẻ