Doanh nghiệp Việt “chạy đua” chế biến cà phê

Phần lớn các mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam đều ở dạng thô, sơ chế nên giá cả trồi sụt thất thường, thị trường không ổn định. Riêng đối với cà phê, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung đầu tư chế biến nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu.


Ảnh minh họa

Đáng chú ý là Tập đoàn Thái Hòa, Công ty Trường Ngân đã không còn nằm trong Top những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam, ngược lại, Intimex và Tín Nghĩa vẫn giữ được vị thế. Bên cạnh việc nâng cao sản lượng cà phê nhân xuất khẩu, các đơn vị này còn xây dựng nhà máy chế biến cà phê bởi cho giá trị cao hơn nhiều so với xuất thô.

Theo Vietdata, mặc dù tính đến hết năm 2015, Việt Nam là nước đứng thứ hai trên thế giới (sau Brazil) về lượng cà phê xuất khẩu, nhưng giá trị chưa cao do chủ yếu xuất cà phê nhân (cà phê chưa qua chế biến).

Cụ thể, xét về cơ cấu các loại cà phê xuất khẩu, cà phê nhân chiếm hơn 95% trong năm niên vụ gần đây, còn lại là cà phê hòa tan và cà phê rang xay.

Chẳng hạn Công ty CP Tập đoàn Intimex (Intimex) dẫn đầu về thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê và là một trong những nhà xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất thế giới, năm 2016 xuất khẩu khoảng 55.000 tấn. Trong việc “chạy đua” về nguồn nguyên liệu, công ty này đã đầu tư mạnh vào Tây Nguyên, Đông Nam bộ để đảm bảo sản lượng cà phê xuất khẩu. Intimex cũng liên kết, hỗ trợ nông dân thông qua các chương trình phát triển cà phê bền vững theo chuẩn 4C, UTZ tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng.

Tính đến cuối năm 2015, đã có 15.000 nông hộ tham gia chương trình 4C do Intimex khởi xướng, với diện tích vùng trồng 27.000ha. Theo ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Intimex, hiện Công ty sở hữu 9 nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu chất lượng cao nhưng do vượt công suất nên phải đặt gia công thêm tại 3 nhà máy khác. Song song đó, Intimex xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất cà phê hòa tan tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Cùng với Intimex, nhà xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai tại Việt Nam là Tổng công ty CP Tín Nghĩa (Tín Nghĩa) 7 tháng cuối năm 2016 đạt kim ngạch xuất khẩu 120 triệu USD. Trong đó, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu cà phê vẫn là mảng “mũi nhọn” trong 4 lĩnh vực chủ lực của Công ty.

Trong kế hoạch sản xuất – kinh doanh giai đoạn 2017 – 2020, Tín Nghĩa đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu hằng năm đạt 250 triệu USD, tăng bình quân 5%/năm. Với lĩnh vực cà phê, Tín Nghĩa nhắm đến phát triển vùng cà phê Arabica đồng thời thành lập bộ phận thu mua xuất khẩu cà phê tại Lào.

Trong giai đoạn này, sản lượng cà phê xuất khẩu bình quân hằng năm đạt từ 125.000 tấn/năm trở lên (kể cả cà phê nhân và cà phê chế biến sâu). Từ năm 2017, cà phê chất lượng cao và cà phê có chứng nhận chất lượng chiếm ít nhất 50% sản lượng xuất khẩu.

Để ưu tiên chế biến cà phê với quy mô lớn và phát triển bền vững, Công ty CP S-Cà phê – một thành viên của Tín Nghĩa sẽ tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ lên 100 tỷ đồng (Tổng công ty nắm giữ 20%), cùng với đó là ưu tiên tìm kiếm nguồn tài chính để xây dựng nhà máy cà phê hòa tan có công suất 2.400 tấn/năm, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm Scafe trong và ngoài nước.

Theo DNSG