Năm 2008, Quỹ CyberAgent Ventures (CAV) có mặt tại Việt Nam và dần trở thành cái tên quen thuộc với cộng đồng startup Việt. Gần 9 năm, đầu tư vào hơn 30 công ty, có thể nói, CyberAgent là đơn vị hạn chế được thiệt hại nhiều nhất bởi số dự án đầu tư thất bại của quỹ chỉ khoảng 10%.
3L + 2T = Startup thành công
Đó là là: 3L + 2T. Bao gồm: 1. Liều lĩnh (passionate và willing to take risk); 2. Luôn hành động (action); 3. Lắng nghe (listen); 4. Tốc độ (speed); 5. Tập trung (focus). Đây là những yếu tố buộc phải có của những người đứng đầu một startup.
Trong 5 yếu tố trên, không có yếu tố cần nhất mà phải là sự tổng hòa. Nếu thiếu một trong 5 yếu tố trên, cũng trở thành lực cản cho các startup. Kinh nghiệm từ quyết định đầu tư của tôi cho thấy, có những dự án rất tốt, người làm chủ có thực lực, có tập trung… nhưng lại không biết lắng nghe đóng góp. Thế là thất bại.
Một dự án khác, người đứng đầu có ý tưởng hay, biết lắng nghe, rút kinh nghiệm, có nhiệt huyết, thị trường đang cần nhưng lại triển khai quá chậm. Thế là, cơ hội rơi vào tay những người đến sau. Nói như vậy để thấy rằng, thành công của một dự án khởi nghiệp, phụ thuộc rất nhiều vào người sáng lập. Hiện nay, 50% tỷ trọng cho quyết định đầu tư hoặc tham gia, cố vấn vào dự án khởi nghiệp của CyberAgent nằm ở founders. Phần còn lại, là nhu cầu thị trường, lợi thế cạnh tranh của dự án và tất nhiên là khả năng thu hồi vốn…
Không khó kiếm startup cần đầu tư ở Việt Nam. Cái khó hiện nay của cộng đồng khởi nghiệp là không có nhiều quỹ đầu tư để lựa chọn. Nếu so với thời gian trước, Việt Nam có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm hơn nhưng số lượng cũng chỉ mới đếm trên đầu ngón tay.
So với các quốc gia trong khu vực, sự hiện diện của quỹ vẫn còn khá ít. Bên cạnh đó, những khoản đầu tư dành cho startup Việt cũng chưa lớn, chỉ từ 20.000 đến 200.000 USD/ dự án. Xác suất thành công cũng chưa cao, ước chừng 50-60% là thất bại nên sự e dè dành cho startup Việt là không nhỏ.
Startup cần gì để lớn?
Vậy, nếu đã quyết định bước theo con đường startup, người khởi nghiệp không nên trông đợi từ việc gọi vốn đầu tư ngay từ ban đầu. Thực tế, gọi vốn từ các quỹ hay nhà đầu tư thiên thần vừa dễ lại vừa khó. Mỗi quỹ có một tiêu chí riêng, chỉ cần thích ứng với tiêu chí của quỹ thì những người sáng lập có tố chất sẽ dễ dàng chinh phục họ.
Đừng nhìn quá xa. Hãy tạo nên thành công nhỏ rồi bước tiếp vẫn hơn là chạy theo khát vọng mang tên “big bang”.
Tuy nhiên, có một tiêu chí chung mà tất cả các quỹ đều áp dụng là tiềm năng thị trường. Chỉ cần người sáng lập có đam mê, xác định và quyết tâm đi theo con đường của mình, sau đó dồn sức và bước những bước đầu tiên bằng thực lực của mình, chứng minh được nhu cầu thị trường đã có thì nhà đầu tư chắc chắn sẽ nhìn thấy được tiềm năng, nếu có, nơi startup đó và thuận tình đầu tư.
Ví dụ, nếu muốn có đầu tư vào một ứng dụng nào đó, cách tốt nhất là hãy chạy dự án, thu hút được thành viên, người dùng… sau đó mới nghĩ đến chuyện gọi vốn. Nói một cách dễ hiểu thì cách gây vốn tốt nhất là tạo nên sự tăng trưởng và chứng minh được nhu cầu thị trường.
Đã có không ít startup Việt nhận vốn, khuếch trương rầm rộ rồi thất bại. Điều này phần nào ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các quỹ nói chung dành cho startup Việt. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là đến chính bản thân người sáng lập đó. Các startup cần nhớ, chỉ cần một dự án thất bại, cơ hội cho lần gọi vốn sau là rất nhỏ và những sát hạch sẽ khó hơn rất nhiều.
Đồng hành cùng hơn 30 dự án, lời khuyên của tôi dành cho các bạn khi đã nhận đầu tư là phải cố gắng và cẩn trọng trong sử dụng vốn. Người trẻ luôn kỳ vọng bản thân mình sẽ tạo nên được đột phá nhưng rất ít những startup làm được điều này. Đừng nhìn quá xa. Hãy tạo nên thành công nhỏ rồi bước tiếp vẫn hơn là chạy theo khát vọng mang tên “big bang”.
Theo DNSG