Đến tháng 6/2016, khoảng 191300 lao động có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp

Trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật: 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên; 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.


Ảnh minh họa

Theo Bản tin thị trường lao động quý 2/2016 của Bộ LĐ-TB&XH, thông tin đáng buồn là dù đã qua “quý ăn chơi” nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng mạnh. Trong quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1/2016.

Trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, chiếm tới 40%. Trong đó 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên; 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên thành thị vẫn cao nhất, chiếm 11,3% trong tổng số người thất nghiệp, cao gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung.

Theo lý giải của Viện trưởng Viện KHLĐ, nguyên nhân vẫn do độ vênh giữa công tác đào tạo và nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động VN. Việc này dẫn đến thừa lao động ở nhóm có trình độ đại học – sau đại học đối với một số ngành như quản trị kinh doanh, kinh tế trong khi lại thiếu các kỹ sư công nghệ hay chuyên ngành kỹ thuật.

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương trong quý 2 đạt 4.850.000 đồng, giảm 228.000 đồng so với quý 1/2016.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ quý 2/2015, mức thu nhập này vẫn tăng thêm 393.000 đồng.

Lý giải về mức thu nhập giảm, ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện KHLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, quý 1 là thời điểm Tết âm lịch diễn ra, ngoài mức lương, người lao đông có thêm một phần tiền thưởng cuối năm do DN chi trả. Do đó, mức thu nhập trung bình quý 1 cao hơn quý 2/2016 là điều bình thường.

Cũng theo bản tin, nhóm có thu nhập bình quân tháng cao nhất là quản lý và chuyên môn kỹ thuật bậc cao, thuộc nhóm doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, mức tăng của nhóm “lao động giản đơn” nhanh hơn, làm giảm mức chênh lệch trong thu nhập.

Cụ thể, thu nhập ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có thu nhập cao nhất nhưng chỉ cao hơn 2,42 lần so với quý 1/2016 (2,46 lần) và giảm mạnh so với cùng kỳ 2015 là 2,56 lần.

Đặc biệt trong quý 2/2016, lao động thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất (dưới 2,93 triệu đồng/tháng) giảm 1,56% so với quý trước.

Theo Trí Thức Trẻ