Nguyên nhân làm cho 90% Startup thất bại

Có đến 90% startup ở Thung lũng Silicon thất bại và mới đây, nghiên cứu khảo sát gần 200 bài viết về nguyên nhân khiến các công ty khởi nghiệp không thể đi tiếp đưa ra khá nhiều thông tin thú vị.


Ảnh minh họa

Kerry Jones, một nhân viên tại hãng dữ liệu marketing Fractl, người tham gia vào dự án trên cho hay: “Nghiên cứu điều này vô cùng xúc động. Tôi nghĩ rằng nó đem lại cái nhìn rõ ràng về việc đa phần mọi người đã dành bao nhiêu tâm huyết cuộc đời họ cho các công ty”.

Theo trang Quartz, tập dữ liệu về nguyên nhân các startup thất bại có nhiều hạn chế. Hạn chế lớn nhất là có ít hơn 200 bài viết, và tác giả của chúng đều là những nhà sáng lập sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của họ, hoặc một phần câu chuyện mà họ muốn tiết lộ. “Không có thực thể bên ngoài đánh giá các doanh nghiệp này và đây là điều quan trọng cần phải ghi nhớ”, Jones cho biết.

Song xét tổng thể, kết luận từ dự án nghiên cứu này là tương đối hấp dẫn. Các bài viết được thu thập từ những năm 2000 cho đến tận hôm nay. Với đa số startup thất bại có mặt trong dự án, yếu tố lớn nhất khiến công ty ngừng hoạt động không phải là vì cạn tiền mà là vì mô hình kinh doanh không khả thi.

Dưới đây là các yếu tố chủ chốt được chính nhà sáng lập startup cho là nguyên nhân khiến doanh nghiệp của họ thất bại, và số doanh nghiệp đồng tình với yếu tố đó:

1. Mô hình kinh doanh không thể sống được (51 startup)

2. Hết tiền (46 startup)

3. Không đủ lực phát triển (34 startup)

4. Thiếu tài trợ/nhà đầu tư (25 startup)

5. Vấn đề sản phẩm/kỹ thuật (24 startup)

6. Thị trường không có nhu cầu (23 startup)

7. Không có khả năng cạnh tranh (19 startup)

8. Vấn đề phát triển khách hàng (17 startup)

9. Mất tập trung (17 startup)

10. Bất đồng trong nội bộ hoặc với nhà đầu tư (14 startup)

11. Xuất hiện không đúng lúc (12 startup)

12. Vấn đề chi phí (12 startup)

13. Khoảng cách kinh nghiệm/kỹ năng (11 startup)

14. Thách thức pháp lý (11 startup)

15. Lỗi thuê nhân viên (9 startup)

Một số lý do khác khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại là: thiếu quan tâm đến khách hàng, tiếp thị kém, chọn sai vị trí và để trọng tâm đi sai hướng.

Với các startup đã nhận được tài trợ, nguyên nhân thất bại của họ vẫn có mặt trong danh sách trên nhưng với thứ tự hơi khác. “Qua các dữ liệu mà tôi thu thập được, tôi nhận thấy các startup được rót vốn là những doanh nghiệp cạn tiền”, Jones nói. 28% trong số 147 startup có tài trợ cho biết cạn tiền là yếu tố khiến họ thất bại và đây là nguyên nhân lớn nhất.

Ngoài ra, một điểm đáng ngạc nhiên nữa là có nhiều startup được rót kinh phí lớn không có khả năng cạnh tranh. Trong số 77 doanh nghiệp huy động được số vốn có ít nhất 8 chữ số, 19% cho biết họ không thể cạnh tranh dù có chiến lược khá lớn.

Ngược lại, top các lý do khiến startup huy động được ít hơn 1 triệu USD thất bại là: hết tiền, mô hình kinh doanh không khả thi, không đủ lực phát triển, mất khả năng cạnh tranh và vấn đề kỹ thuật/sản phẩm.

Theo Báo Thanh Niên