5 kỹ thuật hùng biện học được từ Thổng thống Obama

Để đánh giá chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama có lẽ còn tùy vào quan điểm chính trị mỗi người. Nhưng có một sự thật không phải bàn cãi: ông là một nhà hùng biện xuất chúng.


Ảnh minh họa

“Đừng ai nói với tôi rằng lời nói không có tác dụng gì” – Tổng thống Mỹ Barack Obama, bấy giờ là Thượng nghị sĩ, đã từng nói như vậy trong chiến dịch tranh cử tại bang Wisconsin năm 2008.

Với bất kì chính trị gia nào, hùng biện là một kĩ năng không thể thiếu. Đại đa số người làm chính trị đều sở hữu khả năng giữ bình tĩnh trước đám đông, nói năng trôi chảy, lưu loát, và có thể ứng biến trong các tình huống bất ngờ.

Tất nhiên, khi ai nói cũng hay, thì công chúng sẽ xét xem ai làm hay hơn. Nhưng trong trường hợp Tổng thống Obama, cái sự “nói hay” của ông có tầm ảnh hưởng lớn hơn bình thường, và sẽ không ngoa khi nói rằng, tài hùng biện xuất chúng là một trong những lý do chính đưa Obama đến được với chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng mà ông đã giữ vững trong suốt 8 năm qua.

Và ông làm được điều đó nhờ những “tuyệt kĩ” hùng biện dưới đây.

Kĩ thuật lên giọng

Ai cũng vậy, khi muốn nhấn mạnh quan điểm, hay để gây sự chú ý, chúng ta thường đẩy cao tông giọng của mình, và thậm chí hét lên nếu cần. Thông thường, người nghe sẽ chẳng mấy thích thú lắm với sự thay đổi này.

Nhưng trong hùng biện, nếu được sử dụng hợp lý, đây lại là một biện pháp vô cùng hữu hiệu để khiến khán giả “tỉnh ngủ” và tập trung vào một ý mà người nói muốn nhấn mạnh. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, người nói có thể tăng âm lượng hoặc nhịp độ, hay thậm chí cả hai.

Với Tổng thống Obama, đây có thể coi là một trong những “bài tủ” của ông.

Dưới đây là một ví dụ cụ thể về cái cách mà vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ sử dụng biện pháp lên giọng để nhấn mạnh một ý trong bài. Trích đoạn được lấy từ bài phát biểu nổi tiếng của ông Obama tại Đại hội đảng Dân chủ năm 2004, khi ông còn là Thượng nghị sĩ bang Chicago.

Việc lên giọng là một “con dao hai lưỡi” bởi khi thay đổi như vậy rất dễ dẫn tới nói vấp. Ngoài ra, nếu tông giọng không phù hợp mà lại đi lạm dụng biện pháp này, thì phản ứng của người nghe thay vì chú ý vào bài nói sẽ là lắc đầu ngán ngẩm, bịt tại, hay thậm chí bỏ về.

Nhưng với sự trôi chảy trong từng câu từ cùng những tràng pháo tay không ngớt dành cho Obama trong ví dụ trên, có thể thấy Tổng thống Mỹ đã lên giọng một cách chuẩn mực.

Rất nhiều nhà phân tích đã gọi đây là “bài phát biểu đưa Obama trở thành Tổng thống”, bởi bấy giờ, ông vẫn chưa thực sự nổi bật trên chính trường Mỹ. Nhưng sau bài phát biểu hùng hồn này, cái tên Obama đã nhanh chóng trở thành một thế lực tại Washington.

Kĩ thuật ngắt nghỉ

Như đã nói ở trên, khi cần, ông Obama luôn biết cách đẩy nhanh tiết tấu lời nói, thậm chí lên giọng, nhằm mục đích nhấn mạnh.

Nhưng mặt khác, ông vẫn có thể giảm nhịp, kiểm soát tốc độ hùng biện của mình bằng kĩ thuật ngắt nghỉ. Có thể nói, Tổng thống Obama gần như đã đạt đến đẳng cấp “thượng thừa” trong cách ông dừng giữa từng đoạn, từng ý, từng câu, hay thậm chí từng từ một, khi phát biểu.

Ông dừng lại để người nghe bắt kịp nhịp độ bài nói. Ông dừng lại để tăng điểm nhấn cho câu từ của mình. Ngoài ra, việc ngắt nghỉ đúng lúc, với quãng nghỉ vừa đủ, cũng tạo ấn tượng tốt, bởi khi đó người nghe sẽ thấy được sự bình tĩnh và sâu sắc của người hùng biện.

Có thể thấy rõ điều đó qua ví dụ dưới đây. Trích đoạn này thuộc bài phát biểu mừng thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008 của ông Obama.

Cách ngắt nghỉ của Obama

Trong ví dụ trên, có thể tách các câu nói của Obama ra thành nhiều phân đoạn nhỏ như sau:

Nếu vẫn có ai đó ngoài kia / không tin rằng nước Mỹ là nơi / mà tất cả mọi thứ đều có thể / hay vẫn tự hỏi rằng / liệu giấc mơ của những ông tổ lập quốc vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay / hay vẫn hoài nghi / về sức mạnh của nền dân chủ nước Mỹ / Thì đêm nay / các bạn đã có câu trả lời.

Kĩ thuật “lặp 3 lần”

Kĩ thuật điệp ngữ được các chuyên gia soạn phát biểu sử dụng rất nhiều, nhưng để người hùng biện sử dụng nó một cách thuần thục lại là một chuyện khác.

Khi lặp lại liên tiếp một từ, hay một cụm từ ở phần đầu các câu trong một bài phát biểu, người nói có thể nhấn mạnh vào ý xoay quanh từ/cụm từ đó, như thể “tạc” ý đó vào tâm trí người nghe, giúp họ nhớ lâu hơn.

Tổng thống Obama cũng thường xuyên sử dụng kĩ thuật này, nhưng ông luôn trung thành với quy tắc lặp 3 lần, nghĩa là chỉ nhắc lại một từ/cụm từ đúng 3 lần, không hơn, không kém.

Dưới đây là một ví dụ về cách ông Obama sử dụng điệp ngữ. Trích đoạn lầy từ bài phát biểu đầu tiên của ông sau khi chính thức nhậm chức ông chủ Nhà Trắng vào đầu năm 2009.

Obama luôn trung thành với “quy tắc nhóm 3”

Trong ví dụ trên, sau khi nhấn vào từ “together” (cùng với nhau) để thúc đẩy tinh thần đoàn kết nơi người dân, thuyết phục họ đồng lòng ủng hộ tân lãnh đạo của mình. Ông đã dùng lại từ này 3 lần sau đó để mở đầu câu.

Theo ông Obama, 3 là con số vừa đủ. Không quá ít để không để lại ấn tượng, và cũng không quá nhiều để khiến người nghe bỏ sót ý.

Nhấn mạnh yếu tố con người

Ở các phân tích và ví dụ trên, chúng ta nói nhiều đến các biện pháp hùng biện mà ông Obama thường sử dụng. Song, ngoài kĩ thuật “thượng thừa”, yếu tố nội dung cũng góp phần không nhỏ cho thành công của những bài phát biểu mang thương hiệu Obama.

Nếu chú ý theo dõi các bài diễn văn của ông, ta sẽ thấy Tổng thống Obama rất hay sử dụng những ví dụ đời thường về số phận, về cuộc sống của những người dân nước Mỹ.

Obama rất hiểu khoảng cách giữa giới cầm quyền và những người dân thường, nên mỗi khi có cơ hội, ông sẽ tìm cách lồng vào diễn văn của mình những câu chuyện, những trích đoạn liên quan đến người dân thường, để thể hiện ông là một lãnh đạo hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của họ.

Trong video dưới đây, được trích từ diễn văn mừng chiến thắng của Obama sau khi tái đắc cử Tổng thống vào năm 2012, ông đã thể hiện rất rõ yếu tố con người trong các phát biểu của mình.

Từ những cử tri xếp hàng nghe vận động tranh cử, những người làm việc khuya trong văn phòng bầu cử một quận nhỏ bé xa xôi, đến những bạn trẻ làm tình nguyện, rồi vợ có chồng đi lính, tất cả chắc hẳn đều sẽ nở một nụ cười khi nghe thấy Tổng thống nhắc đến mình trong bài phát biểu.

Và đó là cách để Obama gần gũi hơn với nhiều tầng lớp người dân, dù ông chưa từng gặp mặt họ.

Khi cần, nói điều người nghe muốn nghe

Không chỉ trong hùng biện, mà cả trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi muốn thuyết phục hay lôi kéo một ai về phía mình, chúng ta sẽ “lựa lời mà nói cho vừa lòng” người đó.

Trong bối cảnh đảng Dân chủ của ông yếu thế ở cả Thượng viện và Hạ viện, Obama hiểu rằng trong Thông điệp Liên bang của mình, ông cần thêm vào những chi tiết có thể nhận được sự ủng hộ từ cả hai đảng phái chính trị lớn nhất nước Mỹ.

Và đương nhiên, không một nghị sĩ nào, hay rộng hơn là bất kì người Mỹ nào, lại không muốn nghe câu: “Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới” từ chính Tổng thống của mình.

Obama nói điều người nghe muốn nghe

Nếu để ý kĩ, có thể thấy Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (người của đảng Cộng hòa) không vỗ tay trước phát biểu “Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới” của ông Obama.

Nhưng khi Tổng thống Mỹ tăng thêm một nấc và dành lời ngợi khen quân đội nước này, thì ông Ryan đã phải đứng dậy vỗ tay. Bởi một chính trị gia như Ryan, một người được đánh giá có triển vọng trở thành Tổng thống sau này, đương nhiên phải tự hào về quân đội nước nhà rồi.

Theo Trí Thức Trẻ/Soha