Thị trường smartphone hiện nay gần như bị độc chiếm bởi công nghệ vi xử lý của ARM, một công ty thiết kế chip của Anh vốn không có năng lực sản xuất và có doanh số chỉ bằng ngân sách quảng cáo của Intel vào thời điểm iPhone chưa ra đời.
Vậy thì điều gì đã xảy ra? Làm thế nào một công ty được sáng lập bởi Gordon Moore, cha đẻ của mạch tích hợp và tác giả của định luật Moore trứ danh, lại bỏ lỡ con thuyền smartphone? Chính thành công quá lớn có được nhờ sản xuất chip PC và việc đánh giá thấp tiềm năng của thị trường di động đã khiến Intel chậm chân so với các đối thủ. Nói cách khác, công thức thành công trong quá khứ đã trở thành rào cản tiến đến tương lai của công ty khởi xướng cuộc cách mạng vi xử lý này.
Tận dụng thế độc quyền
Kể từ thuở sơ khai của kỷ nguyên PC, Intel đã thu về lãi khủng nhờ có doanh số và biên lợi nhuận lớn. Công ty này đã bán được vô số vi xử lý và có thể tăng giá sản phẩm nhiều hơn bình thường. Có một lý do về kỹ thuật mà Intel có thể tăng giá chip của mình lên cao như vậy: sự độc quyền của kiến trúc tập lệnh x86.
Khi một nền tảng phần mềm phức tạp và phổ biến như Windows được xây dựng trên một kiến trúc tập lệnh (ISA) định sẵn, sẽ rất khó để một ISA khác có cơ hội chen chân vào, ví dụ như ARM. Tình trạng này vẫn còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay.
Từ trước đến nay, Windows luôn được xây dựng trên kiến trúc x86 của Intel. Điều này có nghĩa là những nhà sản xuất PC như Dell, dù chỉ muốn mua Windows cũng phải mua luôn chip của Intel. Nhờ thế độc quyền song hành này, Intel và Microsoft có thể tăng giá bán các công nghệ tương ứng của mình. Intel đã tận dụng lợi thế này để chèn ép và đánh bật các đối thủ khác.
“Mafia” Intel
Để đạt được vị thế độc tôn trên thị trường vi xử lý cho PC, Intel đã hành xử như một băng đảng “mafia”. Giả sử Intel muốn tăng biên lợi nhuận của mình, hãng này sẽ gõ cửa Dell và nói: “Chúng tôi sẽ tăng giá bán CPU cho các anh”. Do Dell không có lựa chọn nào khác ngoài sản phẩm của Intel, Dell buộc phải chấp nhận sự tăng giá này.
Sau khi Dell phải trả thêm tiền cho Intel với mỗi PC bán ra, hãng này giờ có ba lựa chọn. 1) Dell có thể tăng giá PC, và làm giảm khả năng cạnh tranh của hãng trên thị trường PC khốc liệt. 2) Dell có thể giữ nguyên giá và chấp nhận biên lợi nhuận của mình bị giảm (giá cổ phiếu của công ty sẽ bị ảnh hưởng). 3) Dell sẽ ép các nhà sản xuất linh kiện PC còn lại giảm giá bán và biên lợi nhuận của họ để bù lại số tiền phải trả cho Intel.
Không ngạc nhiên khi Dell và các nhà sản xuất PC khác chọn cách thứ 3. Vì có nhiều nhà cung cấp GPU (chip xử lý đồ họa) trên thị trường, Dell có thể để Nvidia và ATI cạnh tranh với nhau, nhờ đó buộc họ phải hạ giá thành để được tiếp tục bán sản phẩm cho Dell. Điều tương tự cũng được áp dụng với các nhà sản xuất linh kiện PC khác. Đây là chính là chiến thuật Intel dùng để “đánh cắp” biên lợi nhuận từ tất cả nhà sản xuất linh kiện PC khác, đặc biệt là các hãng chế tạo GPU như Nvidia và ATI.
Với AMD, chiến thuật để Intel đánh bật đối thủ sản xuất chip lớn nhất của mình là dán nhãn “Intel Inside” vào các sản phẩm sử dụng chip của Intel. Để đổi lấy việc dán nhãn này trên các PC, Intel sẽ trợ giá cho hoạt động marketing của các nhà sản xuất PC. Đây thực sự là một chiêu “thâm hiểm” của Intel.
Chiến thuật này hoạt động như sau: Intel tăng giá bán chip cho Dell, buộc Dell phải ép Nvidia và ATI giảm giá bán GPU. Để khuyến khích Dell làm việc này, Intel sẽ lại quả một phần tiền lấy được từ miếng bánh của Nvidia và ATI bằng cách trợ giá cho hoạt động marketing của Dell. Nhờ thế, Dell vẫn giữ nguyên được giá sản phẩm của mình và có thêm tiền cho marketing, Intel có thêm biên lợi nhuận và làm suy yếu các đối thủ. Sau tất cả, Intel chính là bên hưởng lợi lớn nhất và các hãng sản xuất linh kiện PC còn lại chỉ biết “khóc thầm” trước sự “ma mãnh” của Intel.
Từ bỏ ARM
Intel đã thành công to với chiến lược kinh doanh nói trên, và họ muốn bảo vệ nó này bằng mọi giá. Hãng chế tạo chip này cũng có bộ phận sản xuất vi xử lý ARM rất hiệu quả. Nhưng Intel đã quyết định bán đứt bộ phận này vì cho rằng mảng kinh doanh với số lượng lớn và biên lợi nhuận thấp này không quan trọng.
Vào thời điểm ARM nhận được nhiều sự quan tâm và Steve Jobs đang bí mật phát triển iPhones, Intel đã hoàn toàn mờ mắt bởi biên lợi nhuận lớn thu được nhờ bán chip PC. Do đó, không ngạc nhiên khi Steve Jobs đề nghị Intel sản xuất chip ARM cho iPhone, Intel đã từ chối lời đề nghị này. Intel nói rằng họ không muốn tốn công để sản xuất CPU cho điện thoại vì ngành này có biên lợi nhuận thấp. Intel cũng không ngờ rằng iPhone sẽ trở thành cuộc cách mạng công nghệ lớn nhất kể từ khi máy tính IBM ra đời. Vì thế, CEO của Intel khi đó là Paul Otellini đã “lịch sự” từ chối lời đề nghị “ngàn vàng” của Steve Jobs.
Cũng cần phải nói rằng các nhà sản xuất điện thoại khác không mặn mà gì với chip điện thoại của Intel. Các nhà sản xuất điện thoại đã nắm được mánh khóe của Intel và họ biết rằng chỉ cần họ dính vào chip của Intel, họ sẽ bị Intel dùng thế độc quyền để ép giá sản phẩm.
Họ sẽ không đời nào để cho Intel lộng hành như với các nhà xuất PC. Vì thế, các nhà sản xuất điện thoại và Intel tỏ ra không mấy hứng thú với nhau. Và rồi các nhà sản xuất điện thoại đã tìm đến sản phẩm giá rẻ của ARM.
Không giống như chip x86, nếu một nhà cung cấp ARM tìm cách ép giá sản phẩm, các nhà sản xuất điện thoại có thể bỏ họ và chuyển sang một nhà cung cấp khác. Chip ARM có thể không có hiệu suất hoặc kích thước transistor lớn bằng của Intel, nhưng chúng luôn rẻ và dễ sử dụng, và hoàn toàn không có nguy cơ bị ép giá.
Thất bại với Atom
Ở một chừng mực nào đó, Intel đã nhận ra rằng ARM là một mối đe dọa ở phân khúc chip tiêu thụ ít điện năng. Vì thế, công ty này đã ra mắt dòng vi xử lý tiêu thụ ít điện năng Atom x86 để ngăn đối thủ chiếm lĩnh thị phần. Nhưng Atom là một sản phẩm thất bại khi không đem lại hiệu suất như mong đợi.
Nếu Intel tung ra một dòng chip x86 tiêu thụ ít điện năng, hiệu suất cao và biên lợi nhuận thấp, các nhà sản xuất máy chủ sẽ là những người đầu tiên từ bỏ dòng chip Xeon đắt tiền (cũng của Intel) để chuyển sang sản phẩm này.
Về nguyên tắc, Intel không thể cho phép các sản phẩm x86 biên lợi nhuận thấp ăn vào thị phần của các sản phẩm x86 biên lợi nhuận cao. Vì thế, hãng này đã dùng đến một giải pháp nửa vời là Atom, nhằm mục đích ngăn ARM tiến vào laptop thay vì đưa x86 vào smartphone.
Kết luận
Lý do chính mà Intel đã bỏ lỡ thị trường CPU dành cho di động là vì đó là một thị trường đòi hỏi doanh số cao nhưng có biên lợi nhuận thấp. Trong khi đó, Intel là một công ty có doanh số cao, biên lợi nhuận cao. Họ không thể bán ra sản phẩm có biên lợi nhuận thấp (chip smartphone) mà không tự phá bỏ cỗ máy hái ra tiền hiện tại (chip PC) của mình.
Thứ hai là nếu hoạt động kinh doanh của một công ty được xây dựng bằng cách sử dụng vị thế độc quyền để chèn ép đối tác và đối thủ cạnh tranh, họ sẽ bị cho vào “sổ đen” của những ngành công nghệ mới. Những nhà sản xuất smartphone sẽ không đời nào rơi vào cái bẫy của Intel như làng PC đã từng.
Nói về hướng đi sắp tới, Intel sẽ phải lựa chọn giữa tình trạng trì trệ hiện nay hoặc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh biên lợi nhuận thấp. Intel sẽ không bao giờ có thể tham gia vào các lĩnh vực tăng trưởng nóng như ô tô hoặc Internet of things mà vẫn cứ giữ mô hình kinh doanh hiện tại. Nếu muốn tăng trưởng, Intel buộc phải từ bỏ biên lợi nhuận cao và chấp nhận chuyển sang bán sản phẩm có biên lợi nhuận thấp. Có lẽ những ngày tháng ngồi mát ăn bát vàng của Intel giờ chỉ còn trong dĩ vãng.
Theo Trí thức trẻ/GenK