Chỉ trong vòng 2 tuần, cả Microsoft và Facebook đều đã đưa ra câu trả lời dành cho Slack. Nếu bạn chưa biết về dịch vụ này, Slack là một trong những ứng dụng nhắn tin “hot” nhất thế giới trong vòng 1 năm trở lại đây. Điểm đặc biệt của Slack nằm ở trọng tâm nhắm vào nhóm người dùng doanh nghiệp – đây là một ứng dụng tối ưu cho công việc chứ không phải dành cho cuộc sống như Facebook Messenger hay Skype.
Chính nhờ trọng tâm khá độc đáo này, Slack liên tiếp nhận được sự tán thưởng từ các startup tại Thung lũng Silicon cũng như các coder, designer hàng đầu thế giới: ứng dụng này cung cấp khả năng đơn giản hóa quá trình giao tiếp bên trong các doanh nghiệp bên dưới lớp giao diện trực quan, thú vị hiếm thấy trên World Wide Web hiện tại. Chưa dừng lại tại đây, Slack còn cung cấp khả năng tích hợp nội dung với rất nhiều ứng dụng khác để tạo ra giải pháp tối ưu cho các tập đoàn.
Nhưng vấn đề lớn nhất của Slack cũng nằm ở chính thị trường màu mỡ mà startup này nhắm vào: ứng dụng nhắn tin trong doanh nghiệp. Nhắc đến doanh nghiệp là nhắc tới Microsoft, kẻ thống trị tuyệt đối với Windows và Office. Và cũng không phải cứ có thế mạnh truyền thống ở mảng doanh nghiệp thì mới có thể tham gia tranh giành với Slack: khi đã bắt đầu bão hòa ở đối tượng người tiêu dùng, Facebook sẽ theo chân các ông lớn khác tìm cách thôn tính dịch vụ liên lạc tại các công ty, tổ chức lớn trên toàn cầu.
Slack, công cụ liên lạc rất được ưa thích bởi giới startup tại Thung lũng Silicon.
Kết quả là vào đầu tháng 5, Microsoft vén màn kế hoạch ra mắt ứng dụng SharePoint trên smartphone. Điều đó cũng có nghĩa rằng SharePoint sẽ xóa bỏ thế mạnh di động vốn là của duy nhất Slack. Cùng lúc, Facebook gấp rút chuẩn bị ra mắt Facebook at Work cũng với mục đích cung cấp nền tảng giao tiếp dễ dàng, tiện lợi cho khối doanh nghiệp.
Khoan chưa bàn tới chất lượng của SharePoint và Facebook at Work, sự thật là chỉ trong vòng 2 tuần lễ khả năng sống sót của Slack đã giảm đi đáng kể.
Tại sao SharePoint mobile và Facebook at Work chưa ra mắt chính thức mà chúng tôi lại dám khẳng định như vậy? Hãy nhìn vào bài học của Evernote và DropBox. Khi ra mắt, cả 2 ứng dụng này đều mang đến những ý tưởng hết sức mới mẻ và hữu ích. Evernote cung cấp khả năng viết ghi chú lưu “trên mây”, đồng thời tích hợp tính năng sắp xếp công việc và cuộc sống vào trong những mẩu note đa năng. DropBox cũng mang kho nội dung cá nhân lên mây, cho phép người dùng truy cập file của họ ở bất cứ nơi đâu một cách dễ dàng. Evernote và DropBox trỗi dậy vào cùng thời điểm smartphone lên ngôi; kết quả là 2 công ty này trở thành những startup tỷ đô (unicorn – “kỳ lân”) đầu tiên của thập niên 2010.
Evernote không chỉ là một công cụ ghi chú mà còn là chìa khóa quản lý cuộc sống.
Chỉ chưa đầy 3 năm sau, những lời bàn tán xôn xao về tình hình khó khăn của Evernote bắt đầu lan tràn trên mạng. Chỉ trong vòng 9 tháng, dịch vụ ghi chú này sa thải gần 20% nhân viên. CEO Phil Libin cũng buộc phải từ nhiệm vào cuối 2015.
DropBox cũng chẳng khá khẩm hơn. Unicorn này chưa một lần dám công bố doanh thu hay lỗ/lãi mà chỉ đưa ra con số doanh thu dự phóng (đem doanh thu một khoảng thời gian nhân rộng ra cả năm) – một con số đặc biệt vô nghĩa với mảng làm ăn có doanh thu không ổn định như đám mây. Đáng lo ngại hơn, DropBox đang tham gia vào cuộc đua chạy về… thua lỗ, khi các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đồng loạt gia tăng mức giới hạn miễn phí và giảm giá các gói trả phí. Phố Wall gọi DropBox là “Cỗ máy phát triển 0 đô la”.
Bất cứ người dùng nào của Evernote và DropBox đều gần như chắc chắn sẽ khẳng định rằng các dịch vụ này có chất lượng tốt hơn hẳn OneNote hay OneDrive của Microsoft. Thế nhưng, sự thật trái khoáy lại là không phải cứ chất lượng tốt hơn thì sẽ tồn tại được. Cũng giống như phần đông (hoặc có lẽ là tất cả) 250 unicorn có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, Evernote và DropBox đều đang thất bại trong nỗ lực mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác. Như chúng tôi đã từng phân tích, tất cả các ứng dụng, dịch vụ mới từ DropBox và Evernote đều bị khai tử chỉ sau vài tháng phát hành .
Nhà sáng lập DropBox tin rằng “Bạn chỉ cần đúng một lần”, nhưng thị trường công nghệ thì không đơn giản như vậy.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Dịch vụ cốt lõi của các startup như DropBox, Evernote hay bất cứ unicorn nào khác cũng chắc chắn sẽ bị các ông lớn sao chép và rồi vượt mặt. Khi DropBox cung cấp vỏn vẹn 2GB và Microsoft rộng lượng cho bạn tới 5GB, Google cho bạn 15GB, có gì khó hiểu khi lượng người dùng DropBox ngừng tăng trưởng và rồi từ từ sụt giảm? Evernote vẫn tiếp tục tốt hơn OneNote, nhưng điều đó có ý nghĩa gì khi dịch vụ của Microsoft giờ đây đã được cài lên ít nhất là 300 triệu PC cài đặt Windows 10?
Không khó để nhận thấy Evernote và DropBox chỉ có 1 lối ra: bán mình khi giá trị vốn hóa lao dốc. Slack cũng vậy. Hãy nhìn mà xem, lâu lắm rồi không có một unicorn nào dám lên sàn, và dù trị giá của họ lớn đến đâu thì các khoản vốn thực sự cũng chỉ chiếm 1/10 hoặc nhỏ hơn trong số đó. Số vốn đó sẽ bị đốt vào cuộc đua cùng những đối thủ… bất tử. Ai cũng có thể thấy chừng nào còn tìm kiếm trực tuyến thì Google vẫn còn, chừng nào còn hệ điều hành PC thì Microsoft vẫn sống tốt, và chừng nào còn mạng xã hội thì Facebook cũng không thể chết.
Những gã khổng lồ ấy sẵn sàng học theo ý tưởng của các startup. Ai ngăn cản được Google ra mắt Drive để ăn theo DropBox, cùng lúc thu hút luôn vô số người dùng Gmail và YouTube đến với đám mây của Google? Ai ngăn Microsoft không được cung cấp các tính năng giống như Slack nhưng là cho SharePoint, một giải pháp doanh nghiệp đến nay đã thu hút được hơn 100 triệu người dùng trên toàn cầu?
Chưa kể, ở độ tuổi non trẻ, các unicorn cũng chẳng biết cách làm giàu từ dịch vụ (đã có lúc) đứng top của mình. Hãy nhớ rằng Evernote, DropBox chưa một lần công bố doanh thu hay lợi nhuận cụ thể. Tại sao lại phải che giấu các con số nếu chúng có thể làm yên lòng giới đầu tư?
Còn Slack. Startup này đang ở trên đỉnh cao. Slack công bố doanh thu vào khoảng 30 triệu USD cho năm 2015 – nghe có vẻ ấn tượng, nhưng cả Google lẫn Microsoft đều đã không ít lần đốt vài tỷ đô vào các ý tưởng mới. Giết chết Slack bằng tiền rõ ràng sẽ là một giải pháp rất dễ dàng cho các ông lớn, nhưng có lẽ họ thậm chí không cần phải làm như vậy. Mọi dấu hiệu đều cho thấy Slack đang đi vào con đường của DropBox và Evernote, rực rỡ ở giai đoạn ban đầu rồi khó khăn chồng chất khi ý tưởng gây “sốt” của họ trở nên phổ biến.
Chính đối tượng khách hàng cũng cho thấy Slack khó có thể lâu dài khi cạnh tranh với Microsoft. Slack thu lời rất nhiều từ cộng đồng các nhà phát triển trẻ tuổi thích tìm tòi sáng tạo. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các khách hàng lớn nhất của Slack toàn là các unicorn: Stripe, Rdio, Medium, Airbnb; Buzzfeed, Spotify, Foursquare, Box, Yelp v…v… Ngược lại, 80% các tập đoàn nằm trong Fortune 500 đang sử dụng SharePoint. Khách hàng nào bền vững hơn, bạn có thể tự đoán được.
Đây là một công ty hàng chục năm tuổi đời, làm chủ một thị trường trường tồn.
Khi nhìn vào khung cảnh công nghệ thế giới hiện tại, bạn sẽ thấy kịch bản dot-com của thế kỷ 20 đang lặp lại trong năm 2016. Các startup có thể đã không còn đốt tiền theo những cách vô lý như “ném” hàng triệu đô vào quảng cáo thể thao hay ra mắt các “siêu dịch vụ” ở mức giá miễn phí, nhưng đơn thương độc mã chạy đua với các gã khổng lồ sẵn sàng “sao chép” ý tưởng cũng là một hướng đi không kém phần bế tắc. Nhiều người đã cảnh báo 2016 sẽ là năm tắm máu kỳ lân , nhưng ít ai nhận ra rằng những gã đồ tể thường có rất nhiều tiền và cũng không ngại… học hỏi.
Theo Trí Thức Trẻ/GenK