Khởi nghiệp thất bại: Đừng mơ mộng nữa!

Tôi chia sẻ câu chuyện này bởi tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng thế giới startup không hề hào nhoáng như bạn nghĩ. Một câu chuyện về sự thất bại có lẽ sẽ hữu ích hơn so với những câu chuyện thành công đang nhan nhản trên báo chí…


Ảnh minh họa

Tác giả của bài viết này là Aditya Herlambang – một chàng trai trẻ tuổi người Indonesia theo học ngành công nghệ ở ĐH Arizona (Mỹ). Herlambang về Jakarta và lập nên website thương mại điện tử Shopious. Tuy nhiên Shopious đã thất bại và phải đóng cửa.

Tôi đã tự hỏi lòng mình nhiều lần rằng có nên viết ra câu chuyện này hay không. Đó không phải là thứ chắc chắn sẽ khiến người kể chuyện tự hào, nhưng tôi muốn những người khác cũng biết được sự thực rằng thế giới khởi nghiệp không đơn thuần là những câu chuyện nhuốm màu khích lệ như các vòng gọi vốn, những vụ IPO hoành tráng, những “chú kỳ lân” tăng trưởng như vũ bão hay đại loại như bỗng dưng bạn có được “một bữa ăn trưa miễn phí” mà chẳng cần cố gắng.

Bằng việc chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, tôi muốn đem đến một cái nhìn thực sự sát với thực tế, muốn mọi người hiểu rằng 90% các startup rơi vào cảnh thất bại.

Đây là câu chuyện của tôi…

Cách đây 2 năm 6 tháng, tôi và “người đồng sáng lập” của Shopious bắt đầu gây dựng cơ đồ. Tham vọng đặt ra là Shopious sẽ trở thành một chợ điện tử chuyên bán hàng thời trang. Tôi học về khoa học máy tính, thực sự là một kỹ sư phần mềm say mê những dòng code.

Bạn có thể thắc mắc tại sao tôi lại chọn thời trang và thương mại điện tử để bắt đầu? Lý do hết sức đơn giản: khi đó thương mại điện tử đang bùng nổ ở Indonesia, và những món đồ thời trang được săn lùng nhiều nhất. Hầu hết khách hàng mua đồ thời trang trực tuyến là phụ nữ.

Ban đầu, Shopious chỉ có các mặt hàng thời trang nữ. 1 năm sau, chúng tôi quyết định thay đổi cách thức hoạt động. Nguyên nhân là vì chúng tôi nhận thấy rằng mọi người sẽ không có thời gian để đăng từng bức ảnh một lên một hệ thống hoàn toàn mới vốn chưa được nhiều người biết đến, trừ khi họ được trao lợi ích nào đó.

Khi đó mô hình chợ điện tử là một thứ còn khá mới lạ đối với thị trường.

Chúng tôi đã nhận được rất nhiều thắc mắc về những sản phẩm được bán trên web, mà thực ra chúng tôi lại không biết câu trả lời. Chỉ những người mua mới biết vì họ đã mua và thực sự trải nghiệm để hiểu rõ về sản phẩm.

Khi chúng tôi trả lời những người có ý định mua rằng họ hãy liên lạc với người bán để biết thêm thông tin chi tiết, họ sẽ từ bỏ ý định và tìm đến những cách đơn giản thuận tiện và cũng nhanh chóng hơn.

Thời điểm đó mọi người thường bán đồ trên Instagram. Vì thế tôi nảy ra ý tưởng Shopious sẽ là nơi tổng hợp tất cả các shop trên Instagram và sau đó người mua sẽ liên hệ trực tiếp với người bán.

Vai trò của chúng tôi là so sánh giá cả và liệt kê chi tiết các thông tin về sản phẩm, mơ tưởng sẽ có thể thu phí từ các shop hàng tháng. Ngoài ra còn có hình ảnh dùng sản phẩm của những người đã mua. Rõ ràng cách này giải quyết được tất cả các vấn đề và thực sự là một kế hoạch hoàn hảo.

Tuy nhiên, chúng tôi đã thất bại. Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ nào?

Không lường trước được tốc độ tương tác

Tốc độ tương tác trên các website thương mại điện tử ở Indonesia thực sự rất chậm. Từ lúc người mua hàng click vào xem sản phẩm cho đến lúc họ thực sự mua là quãng thời gian siêu dài và rất khó dự đoán.

Sở dĩ khó dự đoán là vì mọi người sẽ phải liên hệ trực tiếp với người bán để có thể mua hàng. Nếu người bán không phản hồi ngay lập tức, người mua không còn hứng thú nữa và giao dịch sẽ không được thực hiện.

Thứ hai, vì chúng tôi thu phí ngay lập tức, các shop muốn tiếp tục sử dụng trang web này sẽ phải có được lợi nhuận lớn hơn số phí họ phải trả. Chúng tôi có hàng trăm shop muốn trả phí, và chúng tôi sử dụng tất cả số tiền thu được để mang traffic và người mua đến Shopious thông qua rất nhiều kênh như SEO, SEM, quảng cáo trên Facebook hay tin nhắn.

Tuy nhiên vấn đề ở chỗ chi phí cho những việc này ngày càng tăng lên. Các startup thương mại điện tử ngày càng dễ gọi vốn hơn và điều đó đồng nghĩa với tiền quảng cáo cứ thế tăng một cách điên cuồng và do đó rõ ràng là cách làm của chúng tôi đã không hiệu quả.

Các shop trên Instagram tràn ngập những người bán hàng thứ cấp

Có hàng tá các shop trên Instagram, nhưng phần lớn mua hàng và bán lại do đó giá cao hơn rất nhiều so với giá từ nhà cung cấp, đồng thời họ cũng không có nhiều hàng dự trữ. Thêm vào đó các shop thường bán những sản phẩm giống nhau, với những bức ảnh chụp giống hệt nhau. Điểm khác biệt duy nhất là giá.

Một thách thức khác là khi khách hàng hỏi về sản phẩm, người bán phải check lại với các nhà cung cấp, và do có quá nhiều công đoạn, thời gian phản hồi cũng rất lâu. Khi người bán phản hồi thì khách hàng đã mất hết hứng thú và đi ra chỗ khác để mua hàng.

Người mua hàng ở Indonesia hỏi rất nhiều, trong đó có cả những câu khá “ngớ ngẩn” mà người ta có thể tìm được câu trả lời ngay lập tức sau khi bỏ ra 30 giây để đọc mô tả sản phẩm trên web.

Nhiệm vụ của Shopius là cung cấp nơi để các shop bán hàng dễ dàng hơn, nhưng trong môi trường như đã nói ở trên, điều này thực sự rất khó. Chúng tôi đã nghĩ đến giải pháp chỉ phục vụ các đầu mối, nhưng làm như vậy sẽ khiến quy mô giảm đi khoảng già nửa.

Chúng tôi muốn có lợi nhuận

Kể từ khi Shopius ra đời, tôi đã có ý niệm rất rõ ràng rằng startup là một doanh nghiệp thực sự và do đó chúng tôi chỉ có thể tồn tại lâu dài nếu như tiền kiếm về ngày càng nhiều.

Đây là điều trái ngược với quan điểm phổ biến của hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm và những nhà sáng lập startup khác. Họ thường không quan tâm đến lợi nhuận. Thứ mà họ muốn duy trì là tiềm năng tăng trưởng để trình bày với các nhà đầu tư và thuyết phục họ rót tiền vào. Uber, Snapchat, Airbnb hay bất cứ startup nào khác đều đi theo hướng này.

Các quỹ đầu tư và nhà sáng lập sẽ kiểm được tiền khi startup được mua lại, khi cổ phiếu của công ty lên sàn.

Còn tôi thì có quan điểm trái ngược hoàn toàn. Bạn cung cấp sản phẩm và dịch vụ tốt, người ta sẽ mua nó. Xây dựng một công ty chỉ để sau này bán nó đi không phải là con đường mà tôi chọn.

Lời kết

Cuối cùng thì chúng tôi đã quyết định đóng cửa Shopious. Tất nhiên chúng tôi đã phạm nhiều sai lầm, từ khâu chọn mặt hàng cho đến quá trình vận hành và quản lý. Nhưng tôi biết chắc một điều rằng nếu tiếp tục với Shopious, chi phí sẽ còn tăng cao hơn nữa và sẽ phải đợi rất rất lâu để có được lợi nhuận.

Tôi đã quyết định trả lại tiền cho các nhà đầu tư vì chúng tôi không muốn lãng phí số tiền ấy.

Chúng tôi không gặp bất kỳ khó khăn nào trong việc bắt các shop phải trả tiền để xuất hiện, nhưng chúng tôi đã phải cạnh tranh với những công ty chẳng màng đến lợi nhuận. Các đối thủ đưa ra nhiều khuyến mãi, giao hàng miễn phí hay tặng cho khách hàng những chuyến du lịch đến Nhật Bản… Đó là một cuộc chiến kéo dài, và sẽ ngày càng khốc liệt hơn khi những tay chơi mới xuất hiện với cả núi tiền hậu thuẫn.

Tôi cũng không ngăn cản bạn thành lập startup của riêng mình. Đó là lựa chọn của bạn, và bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn thích. Tuy nhiên, bạn phải suy tính thật kỹ về dự định của mình.

Nếu mục tiêu của bạn là nâng cao giá trị của các starup và sau đó bán nó đi, hãy đi theo con đường đó. Rocket Internet đã rất thành công với cách này.

Còn nếu mục tiêu chính của bạn là xây dựng startup để giúp nhân loại có thể làm điều nọ điều kia và bạn cảm thấy hài lòng với việc gọi vốn, hãy mạnh dạn theo đuổi mơ ước của mình.

Tôi cũng không cảm thấy xấu hổ vì đã thất bại, trái lại tôi vui mừng với những trải nghiệm mà mình đã có được. Tôi chia sẻ câu chuyện này bởi tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng thế giới startup không hề hào nhoáng như bạn nghĩ. Một câu chuyện về sự thất bại có lẽ sẽ hữu ích hơn so với những câu chuyện thành công đang nhan nhản trên báo chí.