Nghĩ khác đi, làm ngược lại
Coworking space là dịch vụ kinh doanh mới không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Theo số liệu Toong cung cấp, trong năm 2015 toàn thế giới mới có tổng số 7.800 coworking space được mở tại 406 thành phố thuộc 77 quốc gia. Tại Việt Nam, trước đây đã có một số doanh nghiệp bắt tay thử nghiệm song bị thất bại. Lý do lớn nhất có lẽ là nó quá mới để thu hút khách hàng, chủ yếu là những bạn trẻ mới khởi nghiệp, những công ty nhỏ thiên về sáng tạo cần tiết kiệm chi phí bằng cách chia sẻ nơi làm việc chung. Ngoài ra, chi phí thuê mặt bằng rất lớn tại những vị trí đẹp ở trung tâm TP.HCM và Hà Nội cũng khiến các doanh nghiệp theo đuổi mô hình này “méo mặt”, trong khi nguồn thu từ những khách hàng ban đầu thường khó trang trải được chi phí vận hành cao. Đối với Đỗ Sơn Dương, bên cạnh “thói quen” đi ngược lại với xung quanh, anh còn có nhu cầu nội tại muốn làm việc trong một không gian không nhàm chán như văn phòng truyền thống, nhưng lại phải yên tĩnh hơn quán cà phê và đủ tiện nghi để tạo cảm hứng cho anh sáng tạo.
Sau rất nhiều trăn trở và tìm tòi, khảo sát thị trường, Dương nhận thấy coworking space là ý tưởng kinh doanh hấp dẫn anh ở cả khía cạnh nghề nghiệp và cảm xúc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi anh và các đồng sáng lập viên bắt tay vào kinh doanh Toong là hiểu biết của thị trường về lợi ích của không gian làm việc chung gần như chưa có gì. Trong khi chi phí đầu tư ban đầu vào một địa điểm đủ tiêu chuẩn lại rất lớn. Việc truyền thông để nâng cao nhận thức của thị trường về lợi ích của coworking space là thử thách đầu tiên nhóm của anh gặp phải, nhưng cũng là điều họ sẵn sàng đón nhận từ trước khi thực hiện dự án.
Mới đây Toong đã tiếp nhận một cổ đông mới. Không tiết lộ tên, Dương chỉ cho biết, đó là một tập đoàn có vai trò hỗ trợ nhóm cổ đông sáng lập về mặt chiến lược phát triển kinh doanh dài hạn.
Để hội đủ các điều kiện tài chính khi đầu tư vào lĩnh vực nhiều mạo hiểm này, nhóm cổ đông sáng lập đã phải huy động khoảng 5 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu vào Toong, tại địa điểm đầu tiên (số 8 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Địa điểm thứ hai trên phố Tô Ngọc Vân, Tây Hồ thậm chí còn “ngốn” của họ khoảng 6 tỷ đồng đầu tư. Khi được hỏi liệu nhu cầu và khả năng chi trả của các nhóm khách hàng tiềm năng có khiến Toong phải điều chỉnh lại mục tiêu doanh thu và thu hồi vốn hay không? Dương cho biết, hiệu quả hoạt động của Toong đo được trên một số tiêu chí như: Toong đã trở thành điểm đến phổ biến nhất của giới doanh nhân trẻ tại Hà Nội trong thời gian qua với hàng trăm thành viên thuê không gian làm việc chính thức; hàng nghìn người đăng ký cập nhật hoạt động qua newsletter và hàng trăm người tham gia hội thảo, kết nối kinh doanh mỗi tuần. Đây cũng là địa điểm duy nhất từng đón tiếp Phó chủ tịch Mike Cassidy và CEO Sundar Pichai của Google đến giao lưu cùng cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam vừa qua.
Cần nhân rộng nhiều “Tổ ong”
Theo nhận xét của một số doanh nhân trẻ ở Hà Nội, bước đầu Toong đã mang đến một định nghĩa rõ hơn về dịch vụ không gian làm việc chung tại Việt Nam. Hiệu ứng từ sự ra đời của Toong – tên gọi được ghép lại từ hai chữ tiếng Việt “tổ ong”, hàm ý mối liên kết và chia sẻ nơi làm việc giống như cấu trúc tổ ong – cũng khích lệ nhiều doanh nghiệp khác tham gia vào lĩnh vực này, hứa hẹn cung cấp cho người dùng nhiều lựa chọn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, nói gì thì nói, doanh thu và lợi nhuận vẫn là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của mô hình này. Trên khía cạnh kinh doanh, theo các cổ đông sáng lập, Toong đã thu hút được một lượng khách hàng tương đối ổn định, các phòng làm việc nhỏ của họ tại địa điểm đầu tiên được đăng ký thuê khá nhanh chóng.
“Vừa rồi chúng tôi phải quyết định thay đổi bố trí không gian mặt bằng để có thêm phòng làm việc cho khách. Tại địa điểm thứ hai, dù chưa chính thức khai trương, hơn 50% số phòng làm việc đã được các công ty đặt thuê và đang chuyển vào”, Dương chia sẻ.
Theo khảo sát “Global Coworking Survey” mới nhất của tạp chí Deskmag – tạp chí điện tử đầu tiên chuyên về thị trường coworking space trên thế giới, năm 2015 thế giới có khoảng 7.800 địa điểm này và dự đoán con số này sẽ tăng lên hơn 10.000 trong năm 2016. WeWork tại Hoa Kỳ đang là chuỗi không gian làm việc chung tiêu biểu được thành lập năm 2010, hiện nay có hơn 50 địa điểm khác nhau tại Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan và đến đầu năm 2016 thương hiệu này được định giá 16 tỷ USD.
Tại thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ có ba không gian làm việc chung dạng lớn là Toong, Dreamplex và Up coworking. Trong đó, Toong là đơn vị duy nhất có hơn một địa điểm và cũng là đơn vị có tổng diện tích không gian làm việc lớn nhất (1.700m2), theo thông tin của Toong.
Ngoài ra, còn có một số không gian làm việc chung dạng nhỏ khác như Click Space tại Hà Nội, Work Saigon, Saigon Coworking tại TP.HCM.
CEO trẻ của Toong cho rằng, sự cạnh tranh diễn ra ở bất cứ phân khúc nào nếu đơn vị vận hành không xác định cho mình một điểm khác biệt.
2015 Theo Deskmag
* Có 36% các coworking space đã mở thêm chi nhánh mới trên thế giới
* Có 42% các coworking space được đặt tại các toà nhà cổ đã tồn tại lâu đời
2016 Theo Deskmag
* Dự kiến sẽ số lượng coworking space sẽ lên tới 10.000
* Có 61% trong số đó sẽ mở thêm chi nhánh mới
Theo thống kê
* Có 92% coworker hài lòng với không gian làm việc ở coworking space
* Có 50% nói rằng, họ đạt được thu nhập cao hơn sau khi làm việc tại môi trường này
* Có 90% nói rằng, họ cảm thấy tự tin hơn khi làm việc trong môi trường này
* Có 64% coworker dễ dàng hoàn thành công việc đúng thời hạn hơn, trong khi 68% nói, họ dễ dàng tập trung cao hơn khi làm việc tại đây và 91% coworker có sự tương tác với mọi người tốt hơn sau khi làm việc tại không gian này.
Theo doanhnhan