“Ảnh hưởng” mang nhiều ý nghĩa đối với từng cá nhân. Với một số người, điều này mang ý nghĩa tiêu cực, nhưng đối với nhiều người, tạo ảnh hưởng là công việc cần thiết mà người lãnh đạo phải làm hằng ngày.
Ảnh minh họa
Về mặt lãnh đạo doanh nghiệp, khía cạnh “ảnh hưởng” là việc thuyết phục người khác suy nghĩ và hành động khác đi để có lợi cho chính họ, cho cấp trên, cho tổ chức và cuối cùng là cho khách hàng. Điều này hoàn toàn xuất phát từ một góc nhìn đạo đức.
Theo Tim Baker, nhà tư vấn người Úc, tác giả của năm quyển sách về tạo ảnh hưởng, có bốn cách tiếp cận cơ bản để người lãnh đạo có thể chọn trong việc tạo ảnh hưởng lên người khác theo nghĩa nêu trên.
Nghiên cứu
Như là một cách tiếp cận tạo ảnh hưởng, việc nghiên cứu cơ bản nghĩa là thu thập các sự việc và trình bày chúng một cách logic và thuyết phục. Việc trình bày với một lập luận chặt chẽ dựa vào kết quả nghiên cứu là một hình thức mạnh trong thuyết phục người khác về một tình huống đúng đắn.
Ngược lại, khi trình bày một vấn đề mà thiếu đi các sự kiện cần thiết, cách trình bày ý tưởng không rõ ràng, lủng củng, thì rõ ràng không thể tạo ảnh hưởng cho người khác. Vậy nên, các yếu tố như logic, chặt chẽ, vững chắc, dù chưa bảo đảm là sẽ đương nhiên thuyết phục được người khác, nhưng là điểm xuất phát tốt.
Người lãnh đạo sử dụng cách tiếp cận nghiên cứu này sẽ thích tìm các chứng cứ hỗ trợ và từ đó nêu ra ý tưởng hoặc giả thiết có lý luận rõ ràng. Al Gore, nguyên Phó Tổng thống Mỹ, thuộc kiểu người tạo ảnh hưởng thông qua nghiên cứu.
Tính toán
Tiếp cận dạng này tạo sự ảnh hưởng bằng cách nêu cho những người khác biết các trở ngại và giải pháp khắc phục các trở ngại này. Con người thường có xu hướng tránh các tình huống khó khăn, tìm kiếm sự thuận lợi, nên dễ bị thuyết phục bởi cách làm này. Nguyên Thủ tướng Anh là Margaret Thatcher là dạng người tạo ảnh hưởng bằng kiểu tính toán.
Tạo động lực
Đề cập đến việc tạo ảnh hưởng bằng cách liên kết ý tưởng, sự thay đổi hoặc một đề xuất với tầm nhìn dễ hiểu về tương lai. Hình ảnh ấy sẽ tạo động lực cho con người.
Một khi không có sự kết nối giữa những công việc mang tính vận hành với chiến lược của công ty, nhà lãnh đạo không thể giải thích hết được ý nghĩa các công việc mà nhân viên của mình đang làm, khiến họ đánh mất đi động lực làm việc.
Một khi nhân viên nắm được giá trị công việc của họ kết nối ra sao với chiến lược của công ty, họ sẽ có một động lực mạnh mẽ hơn khi làm việc. Nhà hoạt động Martin Luther-King là người tạo động lực thuộc kiểu này.
Hợp tác
Cách tiếp cận hợp tác cơ bản là tạo ảnh hưởng và cùng nhận trách nhiệm trong công việc cùng được cấp trên giao. Những người trong nhóm qua sự hợp tác sẽ thấy họ vừa thúc đẩy sự thay đổi vừa xứng đáng cùng nhận được sự khen thưởng khi thành công.
Sự hợp tác đích thực vừa mang lại lòng tin, vừa nâng cao mức ảnh hưởng lẫn nhau. Khi cùng nhau giải quyết vấn đề, họ lắng nghe nhau một cách tích cực và chia sẻ trách nhiệm để đạt được kết quả cuối cùng thành công. Mẹ Teresa thuộc dạng tạo ảnh hưởng theo kiểu này.
Câu hỏi kết lại của Tim Baker: “Đâu là cách mà bạn thấy là mình thích sử dụng?”, cho thấy đôi khi một vấn đề đã rất cổ điển nay có thể được xem xét theo một cách mới mẻ…
Theo TRƯƠNG CHÍ DŨNG – Giám đốc R&D, Công ty Le&Associates/DNSGCT