Tài lãnh đạo tạo nên sự khác biệt

Sự khác biệt giữa hai đội tài năng như nhau là yếu tố người lãnh đạo. Nếu có được sự lãnh đạo tốt thì nhóm có thể đạt được tất cả để đi đến vị trí cao nhất.
Ảnh minh họa

Tìm kiếm thế mạnh
Lý do giúp nhóm đạt được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo tốt. Tập đoàn General Electric trở thành một tập đoàn toàn cầu, đó là nhờ vào sự lãnh đạo của Jack Welch. Đội bóng rổ Chicago Bulls sáu lần giành được chức vô địch NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ, đồng thời cũng là giải bóng rổ uy tín nhất thế giới) là nhờ sự lãnh đạo của Phil Jackson và Michael Jordan. Sự khác biệt giữa hai đội chơi tài giỏi như nhau nằm ở sự lãnh đạo. Đó là Nguyên tắc Thế mạnh.
Người lãnh đạo giống như những cần nâng. Họ thúc đẩy suy nghĩ của người cùng đội ra khỏi biên giới của sự sáng tạo cũ. Họ khuyến khích mọi người tham gia, thúc đẩy họ tiến bộ hơn. Họ cải thiện sự tự tin của bản thân và những người khác. Họ nâng cao sự kỳ vọng nơi mỗi người trong đội.
Người quản lý thường chỉ có thể duy trì đội của mình ở mức hiện tại, còn người lãnh đạo có thể nhấc bổng họ đến một bước tiến cao hơn. Chìa khóa thực hiện điều này là sự cộng tác và thúc đẩy tiềm lực tối ưu nơi họ.
Người lãnh đạo tạo ra môi trường mà mỗi thành viên của đội đều có trách nhiệm. Những người khác nhau đòi hỏi động cơ thúc đẩy khác nhau để phát huy hết khả năng của họ: có người cần sự khích lệ, có người cần phải được thúc đẩy, người khác lại tìm đến với thử thách lớn. Người lãnh đạo giỏi là người biết làm thế nào để đọc được những ý tưởng ấy và tìm ra đâu là chìa khóa để họ có trách nhiệm với vai trò của họ trong đội.
Người lãnh đạo là người hướng dẫn sự phát triển khả năng cá nhân. Đội chỉ có thể đạt được tiềm năng nếu mỗi cá nhân trong đội đều đạt được tiềm năng riêng của mình. Người lãnh đạo hiệu quả có thể giúp mỗi thành viên thực hiện điều đó.
Người lãnh đạo tiếp thu rất nhanh và khuyến khích người khác học hỏi. Người lãnh đạo thường nâng cao năng lực của mình trước khi tìm cách phát huy khả năng của nhóm. Người lãnh đạo là người làm mẫu tiên phong cho cả nhóm. Nếu mọi người tiến bộ, nhóm cũng sẽ tiến bộ.
Việc kinh doanh do một người lãnh đạo xuất sắc dẫn dắt thường tìm ra những thị trường thích hợp và vận hành tốt hơn. Những tổ chức do người lãnh đạo giỏi dẫn dắt tuyển dụng được nhiều nhân viên hơn, trang bị cho họ khả năng lãnh đạo và do đó phục vụ được nhiều người hơn. Trong bất cứ lĩnh vực nào, khả năng lãnh đạo cũng là vô giá để đảm bảo nhóm có thể thành công. Đó chính là Nguyên tắc Thế mạnh.
Nhà lãnh đạo của những nhà lãnh đạo
Nguyên tắc Thế mạnh đã được áp dụng tại một trong những kỳ công về xây dựng đặc biệt nổi bật trên thế giới là Cầu cổng vàng ở San Francisco, Mỹ, được hoàn thành vào năm 1937 và tại thời điểm đó, nó có nhịp cầu chính dài nhất so với bất cứ cây cầu treo nào trên thế giới.
Ý tưởng về nhịp cầu của Cầu Cổng vàng – mở đường tới vịnh San Francisco – đã được đưa ra vào đầu năm 1872 mặc dù không ai nghĩ nó có thể trở thành hiện thực. Ý tưởng này bị lãng quên cho tới năm 1916. Tuy nhiên, việc xây dựng cây cầu này cũng gặp không ít khó khăn về tài chính và quy mô.
Sau đó, Joseph B. Strauss xuất hiện. Ông không những có kinh nghiệm xây dựng lâu năm mà còn có tầm nhìn và khả năng lãnh đạo tài tình. Trong suốt 20 năm, ông phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và cả sự phản đối. Nhưng ông đã vượt qua tất cả và xây dựng thành công cây Cầu cổng vàng nổi tiếng.
Một trong những điểm mạnh của Strauss là khả năng thu hút những nhà lãnh đạo và các kỹ sư tài giỏi. Để dự án thành công, ông đã tập hợp những kiến trúc sư cầu đường giỏi nhất thế giới. Khi nhận ra mẫu thiết kế gốc của mình chưa thích hợp và có thể gây nguy hiểm cho dự án, ông đã hủy bỏ nó và yêu cầu các kỹ sư tạo ra một mẫu khác tốt hơn. “Strauss có một khả năng phi thường, có thể tìm kiếm và thu hút những người tài năng hơn mình, những người thừa nhận tài lãnh đạo của ông”.
Strauss là nhà lãnh đạo của những nhà lãnh đạo, bất chấp những khó khăn xảy đến, ông đều vượt qua. Ông là nhà lãnh đạo bẩm sinh, có khả năng nắm bắt tâm lý và thuyết phục mọi người, đồng thời ông cũng có thể chỉ ra người nào đóng vai trò quyết định trong những tình huống cụ thể.
Khi cây cầu hoàn thành, Strauss tiết lộ phải mất hai thập kỷ để thuyết phục mọi người rằng dự án này khả thi nhưng chỉ mất bốn năm để xây dựng nó. Và ông đã hoàn thành đúng thời hạn. Ông mất lúc 68 tuổi, khi cây cầu đã được xây xong.
Phía sau của những công trình vĩ đại, bạn luôn tìm thấy dáng dấp của một nhà lãnh đạo tài ba. Nếu Joseph không nhận trách nhiệm và cống hiến tâm sức cho việc xây Cầu cổng vàng thì ngày nay chúng ta đã không được chiêm ngưỡng một trong những cây cầu đẹp nhất thế giới. Đó là bản chất của Nguyên tắc Thế mạnh. Để nhận ra tiềm năng và đạt được mục đích cuối cùng, một nhóm cần có người lãnh đạo.

Theo “17 nguyên tắc vàng trong làm việc nhóm” – John C. Maxwell