Tầm nhìn xa sẽ tạo nên thành tích vĩ đại

Tầm nhìn xa sẽ tạo nên những thành tích vĩ đại. Solomon – vị hoàng đế Do Thái nổi tiếng khôn ngoan, thông thái và được mệnh danh là “người giàu nhất thế gian” đã khẳng định: “Không có tầm nhìn rộng thì sẽ bị diệt vong”. Nhưng làm cách nào để đo lường được một tầm nhìn? Hãy kiểm tra sáu “chiếc la bàn” sau.
Ảnh minh họa
Field Marshal Bernard Mongtgomery, một nhà chiến lược quân sự đã từng nói: “Mỗi người lính trước khi bước vào cuộc chiến thì cần phải biết làm thế nào để cuộc chiến bé nhỏ của anh ta phù hợp với mục tiêu chiến đấu và làm thế nào để sự thành công của anh ta ảnh hưởng đến toàn cuộc chiến”.
Đối với mỗi nhóm, bắt buộc cần phải có một tầm nhìn để có thể đưa ra định hướng cho nhóm. Nhóm sẽ biết bắt đầu từ đâu và sẽ đi đến đâu. Mỗi người trong nhóm phải biết họ “chiến đấu” vì điều gì, nếu không cả nhóm sẽ gặp rắc rối.
Dù là nhà lãnh đạo hay không thì bạn đều phải có trách nhiệm xác định tầm nhìn cho nhóm. Vì nếu không biết được tầm nhìn của nhóm thì bạn không thể tự tin thực hiện công việc, bạn không thể chắc chắn rằng bạn và đồng đội có đi đúng hướng không. Đối với mỗi người trong nhóm, tầm nhìn phải thật sự hấp dẫn và thuyết phục.
Nhưng làm cách nào để đo lường được một tầm nhìn? Trước khi bắt tay vào cuộc hành trình, mỗi nhóm cần phải kiểm tra sáu “chiếc la bàn” sau.
1. Chiếc la bàn đạo lý (hãy nhìn lên trên)
Nhà triệu phú Andrew Carnegie nói: “Một doanh nghiệp lớn sẽ khó tiếp tục phát triển nếu thiếu những cố gắng vượt bậc và sự nhất quán”. Điều đó là sự thật đối với bất kỳ sự cố gắng nào. Chỉ có duy nhất một phương Bắc. Nếu chiếc la bàn của bạn đang chỉ ở bất cứ phương hướng nào khác thì đội của bạn đã đi sai đường.
Chiếc la bàn đạo đức sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn toàn vẹn. Nhờ đó, các thành viên của nhóm có thể kiểm tra được xem mình tiến bộ đến đâu và có làm việc vì mục đích đúng đắn hay không.
2. Chiếc la bàn trực giác (hãy nhìn vào bên trong)
Nếu sự chính trực cung cấp năng lượng cho mọi người hoạt động thì niềm đam mê như ngọn lửa để nhen nhóm nó lên. Ngọn lửa của niềm đam mê và lòng tin chỉ được thắp lên từ bên trong mỗi cá nhân.
Trong cuốn sách The leadership Challenge (Thách thức của người lãnh đạo), tác giả James Kouzes và Barry Posner có giải thích: “Tầm nhìn xuất phát từ trực giác. Chính nhu cầu của con người làm nảy sinh các phát minh, cũng như trực giác làm nảy sinh tầm nhìn. Kinh nghiệm sẽ nuôi dưỡng trực giác, đồng thời nâng cao nguồn nội lực”. Việc xác định tầm nhìn trước tiên thuộc về trách nhiệm của người lãnh đạo, sau đó là tới các thành viên trong nhóm, những người đòi hỏi phải lao động hăng say để đáp ứng các nguyện vọng. Đó chính là giá trị của niềm đam mê bên trong mỗi người. Nó còn là nguồn năng lượng khơi dậy sự tận tâm và xua đuổi sự hời hợt.
3. Chiếc la bàn lịch sử (hãy nhìn lại quá khứ)
Có một câu nói của người xưa ngụ ý rằng: “Khi gặp những vấn đề khó khăn, đừng vội bỏ cuộc mà phải tìm hiểu cặn kẽ bản chất của nó, biết đâu sẽ tìm được một giải pháp tốt”. Muốn hoạt động hiệu quả, cần phải xem xét, tìm hiểu lại quá khứ để học tập những kinh nghiệm của các nhóm khác.
Muốn xác định tầm nhìn, bạn phải tạo sự kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Muốn hướng tới tương lai, cần phải nhìn lại quá khứ để tôn vinh giá trị của các thành viên cũ. Ngược lại, tầm nhìn không chỉ được xác lập từ quá khứ mà còn hướng tới tương lai.
Cách tốt nhất để kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai là kể chuyện. Các câu chuyện thường được nhớ lâu hơn là các nguyên tắc, chuẩn mực. Chúng xây dựng mối liên kết cho các nguồn năng lực. Hãy kể những câu chuyện quá khứ vì nó có tác dụng gợi nhớ lịch sử. Đồng thời, hãy kể thêm những câu chuyện thú vị đang diễn ra giữa các thành viên trong nhóm và đưa ra viễn cảnh về đội trong tương lai, khi các thành viên hoàn thành mục tiêu. Những câu chuyện sẽ giữ tầm nhìn luôn ở phía trước mọi người.
4. Chiếc la bàn định hướng (hãy nhìn về phía trước)
Tầm nhìn đem lại hướng đi cho toàn đội. Một phần hướng đi đó được xác định nhờ có mục đích cụ thể, phần khác là nhờ có các mục tiêu nhỏ, tạo cái đích cho năng lực hoạt động hướng tới.
Mục tiêu là động lực thúc đẩy cho nhóm. Nó cũng giống với đường biên khung thành, 11 cầu thủ hướng tới đường biên đó để ghi bàn, trong khi 11 cầu thủ của đội còn lại thì ngăn chặn những pha tấn công ghi bàn của đội bạn. Thông qua mục tiêu, mỗi người đều xác định được một nhiệm vụ cụ thể.
5. Chiến la bàn chiến lược (hãy nhìn xung quanh)
Nếu chỉ có mục tiêu mà không có kế hoạch chi tiết, cụ thể thì nhóm không thể phát triển được. Tương tự như vậy, tầm nhìn mà thiếu chiến lược cũng sẽ không đem lại hiệu quả công việc. Có tầm nhìn thôi chưa đủ, nó cần kết hợp với sự mạo hiểm. Không chỉ nhìn vào những nấc thang mình đã bước qua mà phải bước tiếp.
Kế hoạch cho chúng ta biết tiến trình đạt tới mục tiêu như thế nào. Nó khai phá tiềm năng và tạo sự kết nối giữa các thành viên. Ngoài những thông tin và nguồn cảm hứng, mọi người còn cần sự hướng dẫn để tầm nhìn trở nên thực tế và cách để đạt được nó. Một chiến lược sẽ cung cấp những điều đó.
6. Chiếc la bàn nhìn xa trông rộng
Tầm nhìn của nhóm phải xa hơn hiện tại và rõ ràng để mọi thành viên thấy được thực lực của nhóm. Tầm nhìn xa cho thấy tương lai của nhóm nếu họ chịu khó làm việc theo những tiêu chuẩn cao nhất.
Nhà quản trị Charles Noble nhận xét: “Tầm nhìn xa sẽ giúp bạn tránh khỏi sự nản lòng vì thiếu khả năng nhận thức”. Thật vậy, tầm nhìn xa trông rộng là động lực thúc đẩy mọi người vươn lên. Điều này đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với những người tài giỏi, thỉnh thoảng họ phải đấu tranh với sự thiếu khao khát.
Chỉ những người nhận thức được những gì không thể thấy thì mới có khả năng làm những việc không thể. Điều đó thể hiện giá trị của tầm nhìn, đồng thời cũng chỉ ra rằng tầm nhìn có thể là một phẩm chất. Nếu nhóm của bạn đạt được cả sáu nguyên tắc tầm nhìn này thì sẽ có cơ hội đạt được thành công mà không mắc sai lầm nào.

Theo “17 nguyên tắc vàng trong làm việc nhóm” – John C. Maxwell