Ảnh minh họa
Hãy đánh dấu vào từng tiêu chí dưới đây để xem bạn có nét gì tương đồng với những doanh nhân thành công hay không. Nếu bạn không sở hữu bất kỳ dấu hiệu nào như thế thì cũng đừng lo. Hầu hết những tiêu chí này đều không phải quá khó để đạt được. Chỉ cần bạn thường xuyên rèn luyện và nhất là đặt ra mục tiêu rồi phấn đấu vì mục tiêu đó, bạn nhất định sẽ có những bước tiến dài và vững chắc.
1. Làm những điều bạn hứng thú
Bạn dồn bao nhiêu tâm huyết và tình cảm cho công việc kinh doanh của bạn thì bạn sẽ gặt hái được bấy nhiêu niềm vui, lợi nhuận và thành quả. Ngược lại, nếu bạn không hứng thú với những gì bạn đang làm, điều đó chắc chắn sẽ được phản ánh qua mức độ thành công của doanh nghiệp – hay thất bại thì đúng hơn bởi nhiều khả năng bạn sẽ không thể thành công nếu không đam mê với những gì mình đang làm.
2. Nghiêm túc với việc mình làm
Bạn không thể kỳ vọng doanh nghiệp của mình sẽ hoạt động hiệu quả và thành công trừ khi bạn thực sự có lòng tin với sản phẩm và dịch vụ mà mình cung cấp. Đã có rất nhiều chủ doanh nghiệp đặt nhẹ việc kinh doanh của mình, làm theo kiểu được chăng hay chớ, dễ chán nản, sao nhãng. Họ dễ bị những kẻ thích “chọc gậy bánh xe”, những kẻ không hiểu gì về kinh doanh làm cho lung lay, mất tinh thần.
3. Luôn có kế hoạch trước
Lên kế hoạch cho mọi hoạt động không chỉ là điều bắt buộc với một doanh nghiệp mà còn là một thói quen rất tốt cần duy trì. Việc lập kế hoạch đòi hỏi bạn phải phân tích các tình huống có thể xảy ra, khảo sát và phân tích dữ liệu để rồi đưa ra những quyết định mang tính khoa học. Lập kế hoạch kinh doanh cũng là một cách để bạn đặt ra mục tiêu và hình dung cách thức để đạt được mục tiêu đó. Bạn có thể dùng bản kế hoạch làm kim chỉ nam cho hành động của mình cũng như làm thước đo sự thành công sau này.
4. Quản lý tiền nong một cách thông minh
Tiền là nguồn sống của bất kỳ doanh nghiệp nào. Bạn cần tiền để nhập hàng, trả các phí dịch vụ, quảng bá cho doanh nghiệp, sửa chữa, thay thế các công cụ và thiết bị, tái tạo sức lao động,… Để lúc nào cũng có đồng ra, đồng vào và trả hết được các hoá đơn, các chủ doanh nghiệp phải biết quản lý tiền bạc một cách khôn ngoan. Trong kinh doanh sẽ có 2 dòng tiền mà bạn phải quản lý, đó là:
1. Tiền bạn thu được từ việc bán hàng hoá và dịch vụ (thu nhập).
2. Tiền bạn chi để nhập hàng, mua vật tư, trả lương và các hạng mục cần thiết khác để doanh nghiệp vận hành (chi phí).
5. Khéo chào hàng
Là một doanh nhân, bạn phải luôn nhớ rằng dù có quảng cáo, tiếp thị bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng vô tác dụng nếu bạn không làm một việc đơn giản là mời khách mua hàng. Nói thế không có nghĩa là những chiến lược PR, tiếp thị, quảng cáo thông minh không đáng giá. Tuy nhiên, tất cả sẽ là công cốc nếu bạn không chủ động và khéo léo làm khách đồng ý rút ví ra thanh toán.
6. Luôn coi khách hàng là thượng đế
Trong kinh doanh, yếu tố quan trọng nhất không phải là sản phẩm/dịch vụ bạn bán, hay đối thủ bạn phải vượt qua mà là khách hàng. Nói gì đi nữa thì họ mới chính là người quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Vì thế, mọi thứ bạn làm đều phải hướng đến khách hàng, từ chính sách bán hàng, chế độ bảo hành, phương thức thanh toán cho đến giờ mở cửa, nội dung thuyết trình, quảng cáo, website. Ngoài ra, bạn cũng phải hiểu khách hàng của bạn từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong.
7. Tự PR, quảng cáo (nhưng không lộ liễu đến mức khó chịu)
Điều tuyệt vời nhất đối với một doanh nghiệp là sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó được mọi người biết đến và truyền tai nhau. Nhưng làm sao điều này có thể trở thành hiện thực khi chưa ai biết bạn là ai, bạn đang bán gì và tại sao họ nên mua? Muốn thế, bạn phải tự quảng bá cho mình trước. Đây là một trong những công cụ tiếp thị hiệu quả nhất mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có sẵn trong tay nhưng ít khi được sử dụng nhất.
8. Tạo dựng một hình ảnh tích cực
Bạn thường chỉ có một khoảnh khắc ngắn ngủi để gây ấn tượng tích cực và khó quên đối với khách hàng, đối tác. Vì thế, bạn phải không ngừng nỗ lực để tạo dựng một hình ảnh chuyên nghiệp nhất có thể. Nếu không có được lợi thế về mặt bằng đẹp, bạn sẽ phải vận dung trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và sự tinh ý của mình để làm được việc này.
.
9. Hiểu rõ về khách hàng
Một trong những lợi thế nổi trội nhất của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp tại nhà, là có thể trực tiếp quan tâm, chăm sóc khách hàng. Mặt trái của công nghệ khiến nhiều khách hàng cảm thấy phát chán là nhiều khi họ phải nhấn hàng chục số điện thoại để gặp được đúng bộ phận có trách nhiệm hay phải chờ kiểm tra thông tin rất lâu mà không nhận được phản hồi. Điều này khiến họ quay sang những doanh nghiệp truyền thống, nơi mà họ có thể nói chuyện trực tiếp với người chủ doanh nghiệp và được hỏi han, chăm sóc tận tình, chu đáo. Thực tế nghiên cứu cho thấy hầu hết các đơn đặt hàng (80%) đều xuất phát từ nhưng khách hàng quen thuộc chứ không phải là người mới. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực thu hút khách hàng mới, bạn càng giữ được nhiều khách hàng cũ bao nhiêu thì công ty bạn sẽ phát triển lâu bền bấy nhiêu.
10. Lấy công nghệ làm lợi thế
Lệ thuộc quá nhiều vào thế giới công nghệ cao không phải là điều tốt. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết cách làm thế nào khai thác, sử dụng nó. Một trong những khía cạnh thú vị nhất của Internet là ngay cả doanh nghiệp nhỏ với 1-2 thành viên cũng có thể có trang web nổi bật hơn cả một công ty 50 triệu USD mà không ai nhận ra sự khác biệt. Vì thế, hãy chắc chắn rằng bạn luôn bắt kịp với thế giới công nghệ và tận dụng nó để thoả mãn nhu cầu của mình. Tuy nhiên, nên nhớ rằng công nghệ tốt nhất là công nghệ giúp ích được cho bạn chứ không phải là thứ để bạn chơi trội hay “loè” hàng xóm của mình.
11. Xây dựng một tập thể xuất sắc
Không ai có thể xây dựng một doanh nghiệp thành công chỉ bằng nỗ lực cá nhân. Đó phải là kết quả của cả một tập thể có chung chí hướng và bầu nhiệt huyết. Bạn có thể tạo nên một tập thể từ những thành viên trong gia đình, bạn bè, nhà cung cấp, đối tác kinh doanh, nhân viên, nhà thầu phụ, các hiệp hội ngành nghề, chính quyền địa phương và cộng đồng. Tất nhiên, thành viên quan trọng nhất trong đội ngũ của bạn chính là các khách hàng. Họ cũng như tất cả những thành viên khác đều có thể có tiếng nói trong cách bạn vận hành doanh nghiệp và có phần đóng góp vào thành công trong tương lai của bạn.
12. Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình
Khi gặp rắc rối, bạn tìm lời khuyên của bất cứ ai hay chỉ của chuyên gia trong lĩnh vực đó để nhờ giải quyết vấn đề của bạn? Rõ ràng, nếu muốn có thông tin chính xác nhất và sự hỗ trợ tốt nhất, lẽ dĩ nhiên là bạn sẽ tìm kiếm một chuyên gia để giúp mình. Bạn gọi một thợ sửa ống nước khi rò rỉ bồn chứa nước nóng, một đại lý bất động sản khi cần bán nhà hoặc đến nha sĩ khi bạn bị đau răng. Đặt ngược lại vấn đề, nếu bạn càng được biết đến nhiều trong lĩnh vực của mình thì sẽ càng có nhiều người tìm đến bạn và bạn càng bán được nhiều hàng hơn. Vì thế, trở thành một chuyên gia nổi tiếng cũng là cách để bạn tạo mối làm ăn. Bình thường, bạn sẽ phải tìm kiếm khách hàng mới, tiềm năng để chào hàng nhưng trong trường hợp này, khách hàng sẽ phải tự tìm đến bạn.
13. Tạo cho mình một lợi thế cạnh tranh
Đã là một doanh nghiệp, bạn phải có một bản thuyết trình bán hàng rõ ràng và “không đụng hàng”. Tất cả nội dung của bản thuyết trình này nhằm tập trung trà lời cho câu hỏi “Tại sao mọi người chọn mua sản phẩm hoặcdịch vụ của bạn chứ không phải của đối thủ cạnh tranh với bạn?”. Nói cách khác, (những) phương diện nào của bạn vượt trội hơn hẳn các đối thủ khác? Có phải là dịch vụ tốt hơn, bảo hành dài hơn, dòng sản phẩm chất lượng hơn, giờ mở cửa dài hơn, phương thức thanh toán linh hoạt hơn, giá thấp hơn, dễ đổi trả hàng không?
14. Đầu tư cho chính mình
Các doanh nhân hàng đầu thường mua và đọc các loại sách, báo, tạp chí, báo cáo, nhật trình, bản tin, website và ấn phẩm trong ngành bởi chúng là nguồn tài nguyên vô giá giúp họ nâng cao hiểu biết về kinh doanh và kỹ năng marketing. Thêm vào đó, họ cũng tham gia các hiệp hội và câu lạc bộ ngành nghề để được giao thiệp với những doanh nhân thành đạt khác, học hỏi kinh nghiệm, từ đó xác định mục tiêu và định hướng riêng của mình. Họ cũng tham dự các hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo về kinh doanh và marketing ngay cả khi họ đã rất giỏi về các lĩnh vực đó. Họ làm thế là vì biết rằng học tập, trau dồi kiến thức là một quá trình thường xuyên và liên tục. Luôn có những cách để thực hiện một công việc tốt hơn, trong thời gian ngắn hơn và mất ít công sức hơn mà họ cần khám phá. Tóm lại, muốn trở thành doanh nhân hàng đầu, bạn sẽ phải không ngừng đầu tư vào công cụ tiếp thị và kinh doanh sẵn có và mang lại hiệu quả tốt nhất, đó là chính bản thân mình.
15. Sẵn sàng đáp ứng
Chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi người đều muốn đặt bữa thức ăn nhanh trong vòng vài phút, quần áo giặt khô là hơi trong ngày, tiền luôn có sẵn trong máy rút tiền và pizza được giao trong vòng 30 phút, không hơn. “Doanh nghiệp phải làm thế nào để thuận tiện nhất cho khách hàng” đang dần trở thành một xu hướng, một khuôn mẫu thịnh hành và ngày càng phát triển.
Bạn phải hiểu rằng chẳng ai tự dưng đem những đồng tiền họ vất vả kiếm được cho vào túi bạn mà không được nhận được bất kỳ đặc quyền, đặc lợi nào. Vì thế, hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng và làm mọi cách để họ dễ làm ăn với bạn nhất, cụ thể là cho họ biết rõ thông tin về sản phẩm, dịch vụ của bạn và bất cứ khi nào họ có nhu cầu là đáp ứng được ngay.
16. Tạo dựng uy tín
Uy tín là một trong những tài sản vô hình quý giá nhất của doanh nghiệp. Uy tín tốt là thứ không thể mua được bằng tiền. Bạn chỉ có được nó bằng cách giữ trọn lời hứa và cam kết của mình. Nếu bạn hứa sẽ giao hàng vào thứ tư thì sẽ không có gì có thể bào chữa nếu bạn trễ hẹn. Nếu bạn hứa sửa gì cho khách, bạn nhất định phải sửa được và sửa thật tốt. Nhất quán, ổn định về chất lượng dịch vụ cũng là yếu tố then chốt. Nếu bạn không thể duy trì chất lương dịch vụ, khách hàng không có lý do để tin tưởng bạn và không có sự tin tưởng, bạn sẽ không thể gây dựng được uy tín tốt.
17. Bán lợi ích
Sai lầm của các doanh nghiệp mới là chỉ tập trung giới thiệu đặc điểm của sản phẩm hoặc dịch vụ chứ không đề cập đến những lợi ích của việc sở hữu, sử dụng sản phẩm, dịch vụ đó. Như thế sẽ không tạo ra hứng thú cho người mua và khiến họ muốn mua nhiều hơn. Những lợi ích đó bạn phải tận dụng mọi thời cơ và bằng mọi cách truyền bá tới khách hàng. Hãy nhớ đưa chúng vào các các nội quảng cáo, tờ rơi, các buổi thuyết trình, bản tin, bao bì sản phẩm, áp phích, website, hội chợ,…
18. Tham gia các hoạt động xã hội
Hãy luôn cố gắng tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng. Bạn có thể làm điều này bằng nhiều cách, chẳng hạn như tham gia vào công tác từ thiện, quyên góp cho các quỹ cứu trợ, tổ chức các sự kiện tập thể hoặc sinh hoạt chính trị tại địa phương. Bạn cũng có thể tham gia các hiệp hội, các câu lạc bộ vì cộng đồng. Thường thì mọi người sẽ thích làm ăn với những người mà họ hiểu, thích và tôn trọng, những người giúp đỡ họ với tư cách là những thành viên trong cùng cộng đồng.
19. Gây chú ý
Là chủ doanh nghiệp nhỏ, bạn không thể liên tục tổ chức những hoạt động quảng bá rầm rộ theo kiểu phô trương thanh thế vì như thế sẽ rất lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức. Nếu làm thế, rất có thể bạn sẽ nhẵn túi trước khi đạt được mục tiêu. Vì thế, bạn phải tính toán thật cẩn thận để mỗi chiến dịch quảng cáo đều đem lại kết quả và bạn có thêm lợi nhuận để tiếp tục thu hút sự chú ý của khách hàng và phát triển công việc kinh doanh.
20. Trở thành bậc thầy về đàm phán
Đàm phán là một kỹ năng thiết yếu mà tất cả doanh nhân phải có. Tầm quan trọng của nó có lẽ chỉ xếp sau kỹ năng chào hàng. Bạn phải dùng đến kỹ năng đàm phán ngay khi làm kinh doanh. Một nguyên tắc bạn phải luôn nhớ khi đàm phán là “có đi, có lại”, tức là tất cả các bên tham gia đều cảm thấy mình là người được lợi. Như thế, mối quan hệ của bạn mới đơm hoa kết trái và bền vững.
21. Thiết kế không gian làm việc hợp lý
Hãy thiết kế không gian làm việc thật hợp lý để đảm bảo tinh thần và hiệu suất làm việc tối đa, đồng thời để khách hàng thấy được sự chuyên nghiệp của mình. Nếu là doanh nghiệp tại gia, tốt nhất là bạn không nên cố gắng biến một góc của phòng khách hoặc phòng ngủ của mình thành văn phòng. Thay vào đó, hãy tìm một phòng riêng biệt và có thể chốt cửa để tránh bị người thân làm phiền, đặc biệt là vào những lúc bận rộn, đông khách. Nếu không thể làm thế, bạn sẽ phải thêm vách ngăn cho không gian làm việc của mình hoặc đơn giản hơn là làm việc khi mọi người vắng nhà.
22. Gọn gàng và ngăn nắp
Gọn gàng và ngăn nắp ở đây không chỉ đơn thuần là có hồ sơ riêng để lưu giữ những giấy tờ bạn đang có hay xếp tài liệu thành từng chồng vuông vắn trên bàn làm việc mà quan trọng hơn là quản lý công việc thế nào để mọi thứ đều thành hệ thống, khi cần là có ngay. Muốn thế, bạn phải có thời khóa biểu để làm được nhiều việc nhất trong thời gian ngắn nhất. Những việc nhỏ như lên danh sách những việc cần giải quyết vào ngày hôm sau hay tuần sau sẽ giúp bạn nhớ và dành ưu tiên cho những việc quan trọng. Bạn nên có một cuốn lịch chung và duy nhất cho tất cả các công việc, các cuộc hẹn, kể cả các công việc gia đình, hoạt động cá nhân. Như thế, bạn sẽ dễ dàng lên kế hoạch cho mình, không bị trễ hẹn cũng như hoàn thành công việc đúng tiến độ.
23. Cân bằng giữa cuộc sống và công việc
Một khi đã bị cuốn vào guồng công việc, bạn sẽ rất khó dứt ra. Chính vì thế, nhiều doanh nhân làm ngày, làm đêm vì không có sếp nào bên cạnh để nhắc nhở họ là đã hết giờ làm, họ phải về để cơ quan còn đóng cửa. Dù công việc bận rộn đến đâu, bạn cũng phải có một khoảng thời gian cố định để thư giãn, nghỉ ngơi, đi du lịch. Hãy bố trí lịch làm việc hợp lý ngay từ khi mới bắt tay vào kinh doanh. Tất nhiên, lịch làm việc của bạn cũng nên có sự linh hoạt, không nhất thiết là giờ nào cũng phải kín việc. Bạn nên cho mình từ một đến hai giờ dự phòng để phòng khi có việc đột xuất. Nói chung, điều quan trọng là làm việc phải xen kẽ với nghỉ ngơi, nếu không bạn sẽ kiệt sức nhanh chóng và khách hàng chắc chắn sẽ không muốn tiếp xúc với những người luôn cau có, cáu kỉnh.
24. Không ôm đồm
Nhiều doanh nhân cảm thấy không yên tâm khi giao việc cho người khác làm. Do đó, họ luôn cố tự giải quyết càng nhiều việc càng tốt. Nhìn chung, “đa năng” là đặc trưng của những doanh nhân thành công. Thế nhưng, thỉnh thoảng bạn cũng phải dừng lại và nghĩ xem như thế nào là tốt nhất cho mình và doanh nghiệp về lâu dài. Nếu bạn hỏi những doanh nhân thành công, sẽ có rất nhiều người nói với bạn rằng ngay từ đầu, họ chỉ tập trung phát huy sở trường của mình, những việc còn lại, họ không ngần ngại giao phó cho người khác.
25. Giữ liên lạc thường xuyên với khách hàng
Thường xuyên hỏi han, quan tâm, chăm sóc khách hàng cũng như đối tác kinh doanh là bí quyết thành công của mọi doanh nghiệp. Nó giúp bạn biến người lạ thành khách hàng và khách hàng mới thành khách hàng thân quen, đồng thời củng cố mối quan hệ với những nhà cung ứng và đội ngũ kinh doanh của mình. Giữ liên lạc với khách hàng là điều vô cùng quan trọng và là một công việc đúng nghĩa. Nói chung, bán được một sản phẩm/dịch vụ đã khó nhưng giữ chân khách hàng và khiến họ quay lại lần sau còn khó hơn nhiều.
Theo Entrepreneur/hoclamgiau