Lượng khách đến khám phá Caffe Bene đã đạt 15.000 người, sau 2 tuần thương hiệu này xuất hiện.
ảnh minh họa
Trước đó, ngày 24/8, hơn 2.000 người, đa phần là giới trẻ đã đến tham dự buổi khai trương cửa hàng Caffe Bene đầu tiên tại Việt Nam nằm ở khu vực trung tâm TP.HCM (ngã tư Đồng Khởi – Mạc Thị Bưởi).
Sau khai trương đến nay, cửa hàng đã đón tiếp các khách hàng thuộc nhiều phân khúc như giới trẻ, dân văn phòng, gia đình…, với nhu cầu khám phá, thư giãn, thưởng thức các món ăn/thức uống, làm việc … Các sản phẩm như Bingsu và bánh Waffle luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Với số lượng khách đáng mong chờ như hiện tại, có thể nói Caffe Bene đang là một “hiện tượng” tại thị trường Việt Nam, trong bối cảnh hầu hết các thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới đã có mặt ở đây.
Tuy nhiên, để có một chỗ đứng bền vững bên cạnh các tên tuổi lớn trong cùng ngành, “tân binh” đến từ xứ sở Kim Chi còn nhiều việc phải làm, mà mục tiêu cuối cùng là làm hải lòng khách hàng.
Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường cà phê Việt Nam buộc các thương hiệu Trung Nguyên, Highlands Coffee, Gloria Jean’s Coffee, The Coffee Bean&Tea Leaf, Starbucks phải tự “làm mới” hoặc có những chiến lược thích nghi.
Từng định vị là cà phê phục vụ người có thu nhập cao, nhưng những năm gần đây, Highlands Coffee đã hướng đến phân khúc đại chúng với giá khá mềm, đồng thời liên tục tung ra nhiều thức uống mới phù hợp với nhu cầu người Việt Nam.
Gloria Jean’s Coffee cũng thay đổi theo mô hình mới, đó là bán thêm cà phê gói và máy pha cà phê tại quán. Thương hiệu này còn thử nghiệm mô hình bếp mở, làm đồ ăn tại chỗ.
Gần đây Trung Nguyên đã nâng cấp gần 60 cửa hàng ở các tỉnh – thành, nâng cao dịch vụ với tiêu chí để khách hàng không chỉ được thưởng thức hương vị cà phê tốt nhất trong không gian sáng tạo, thư giãn mà còn được trải nghiệm cách pha chế cà phê theo 5 nền văn hóa là Ethiopia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Nhật Bản và Việt Nam.
Trong tình hình đó, “tân binh” Caffe Bene sẽ có chiến lược gì để tồn tại và phát triển?
Ông Trương Tuấn Anh, Phó giám đốc Công ty Caffe Bene Vina, đơn vị ký hợp đồng nhượng quyền gốc để đưa thương hiệu này của Hàn Quốc vào Việt Nam, cho biết: “Đối với các thương hiệu đã có mặt trên thị trường, Caffe Bene Vietnam không xem họ là đối thủ, mà là những người hàng xóm cùng kinh doanh ở một lĩnh vực, chia sẻ các đối tượng khách hàng ở cùng phân khúc để mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam nhiều sự lựa chọn thú vị hơn”.
Chiến lược của Caffe Bene Vina là trong vòng 5 năm sẽ có 300 cửa hàng, với định vị trung – cao cấp, không phân biệt độ tuổi hay giới tính mà hướng đến mục tiêu làm cho khách hàng thoải mái với không gian và hài lòng với những sản phẩm/dịch vụ mà thương hiệu này cung cấp.
chủ yếu phục vụ theo thị hiếu của giới trẻ từ 18-30 tuổi và thay đổi theo mùa.
Tại buổi khai trương, Caffe Bene đã tạo hiệu ứng thương hiệu khá tốt khi mời diễn viên Hàn Quốc Lee Jong Suk đến Việt Nam. Nhờ đó đã thu hút hàng ngàn khách hàng trẻ đến tham dự.
Nắm bắt thị hiếu của giới trẻ Việt Nam là “cảm tình” với phong cách Hàn, Caffe Bene xác định được lợi thế cạnh tranh của mình. Họ đã đem đến đây những thức uống được ưa chuộng ở Hàn Quốc như Bingsu, Macchiatto, Green tea Frappeno, Waffle, Honey Bread, Monkey Bread…, chế biến một cách sáng tạo để hợp với “gu” của người Việt.
Phó giám đốc Trương Tuấn Anh khẳng định: “Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa thêm các món ăn và thức uống vào thực đơn theo khẩu vị người Việt, ngoài ba nhóm sản phẩm chính theo mô hình kết hợp cửa hàng bánh – cà phê – nước uống. Hiện, Caffe Bene có hơn 60 loại món ăn, thức uống khác nhau như Waffle (chỉ nướng khi có đơn hàng từ khách), Cheese cake và bingsu (loại đá bào trái cây, loại hạt tùy theo hương vị, nước đá xử lý bằng kỹ thuật đặc biệt) là nhóm thức uống đang được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng”.
Ông Hồ Minh Hoàng, Giám đốc Caffe Bene Việt Nam cho biết thêm: Người Việt Nam thích vào quán cà phê làm việc, thư giãn, gặp gỡ bạn bè, nên thiết kế cửa hàng của chúng tôi cũng kết hợp đa văn hóa một cách uyển chuyển, nhất là phong cách châu Âu, nhưng hướng đến sự trẻ trung và phục vụ nước uống cho giới trẻ theo mùa, cùng với đó là các tiện ích tạo sự thoải mái như chỗ ngồi, ánh sáng, wifi, không gian thoáng, có dãy bàn dài nhìn ra phố.
Một khác biệt nữa cũng được xem là lợi thế cạnh tranh của Caffe Bene, đó là công thức pha chế theo phương pháp “rang trước – trộn sau”. Caffe Bene được rang ở nhiệt độ vừa phải nên hạt cà phê giữ được độ tươi, giữ được mùi vị của từng loại cà phê, trong khi ở Việt Nam thông thường cà phê được rang kỹ, khiến hạt cà phê có màu đen tuyền, vị đắng.
Về nguồn nguyên liệu, Caffe Bene hiện nay đã đầu tư một trang trại trồng cà phê tại Brazil, nên mọi nguyên liệu sẽ được nhập khẩu từ Brazil. “Chúng tôi đang xem xét khả năng nhập nguyên liệu cà phê từ Việt Nam, nhưng cần thời gian”, ông Hoàng cho biết.
Vào Việt Nam hơi muộn, nhưng với kinh nghiệm phát triển thị trường ở 12 quốc gia khác, Caffe Bene hứa hẹn sẽ là đối thủ “nặng ký” của các tên tuổi lớn cùng ngành trên thị trường Việt Nam.
Theo DNSG