Chuyện Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Tuần Châu cùng vào cuộc đua giành quyền nâng cao chất lượng dịch vụ tại Hạ Long – Quảng Ninh đã làm nóng thương hiệu Hạ Long hơn bao giờ hết. Giới quan sát cũng đánh giá rằng đây là cuộc cạnh tranh ngoạn mục của hai đại gia trên sàn đấu… “hâm nóng” thương hiệu.
Ảnh minh họa
Cuộc chiến này trước hết vô cùng hy hữu khi hai kẻ so găng cùng là đại gia nằm trong top các đại gia tư nhân kinh doanh địa ốc chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay ở VN. Một số các đại gia thường được đưa ra để so sánh có thể là Vingroup, BIM Group, BRG Group… – mà điều rất đặc biệt là tất cả các tổ chức này đều có xuất phát điểm hoặc đang có dự án đầu tư vào Hạ Long – trừ BRG.
Người thách đấu
Tại dự án nâng cấp chất lượng dịch vụ du lịch Hạ Long, Bitexco là DN có đề án đầu tiên. Người đi đầu tiên phong tất nhiên là người giành lợi thế. Và Bitexco đã ghi được điểm.
Sự tiên phong này quan trọng hơn, cũng khẳng định tầm vóc lớn, suy nghĩ lớn, sự nhìn xa trông rộng, khởi lên một xu hướng đầu tư mới của Bitexco trong bối cảnh VN đang nỗ lực phát triển ngành công nghiệp không khói, nhưng phần lớn các DN hạ tầng – BĐS Du lịch lại đang bị trói tay bởi suy nghĩ cũ và cung cách đầu tư cũ. Điểm này không chỉ có ý nghĩa cụ thể phân định cuộc so găng mà còn có ý nghĩa lớn với DN, cho dù kết quả sau cùng ra sao, đặc biệt khi Tập đoàn này vẫn gặp một số thông tin bất lợi cho thương hiệu.
Tại chính tòa tháp Bitexco quận I TP HCM, một “đóa sen giữa lòng TP”, dù không ra mặt nhưng nhiều DN nội khá “phản ứng” vì khâu kinh doanh cho thuê mặt bằng luôn tìm cớ từ chối các thương hiệu nội. Chuỗi thương hiệu căn hộ chung cư cao cấp hạng sang The Manor ở hai đầu TP HCM và Hà Nội, cũng thỉnh thoảng gặp “rắc rối” với các thượng đế do khâu hậu mãi. Năm 2013, một thành viên của Bitexco với dự án tại xã Đông Hưng (Thanh Hóa) bị chính quyền địa phương đặt trong tầm ngắm thu hồi đất vì mãi không xong khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Gần đây nhất, Bitexco lại “gặp hạn” khi dự án The One ngã cẩu, đè sập tường rào Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM…
Vì lẽ đó, vượt trên mọi rắc rối, đề án tại Vịnh Hạ Long lần này đã giúp Bitexco làm “sáng” lại thương hiệu, khẳng định vị thế của Tập đoàn địa ốc tầm cỡ.
Kẻ đáp lời
Mặc dù chia sẻ là không muốn bị ví như đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua hợp tác tại Vịnh Hạ Long, về phía Tuần Châu Group, sự lên tiếng ngay sau đề án khởi xướng của Bitexco trong mắt giới quan sát chính là một cách “nhận lời thách đấu”.
Tuần Châu cũng không phải bị “nóng máu” hay “chọc giận” mới nhận lời thách đấu mà dường như đã có hẳn một chiến lược để tranh đua, cho dù ngoài dự án đảo Tuần Châu, đã lâu Chúa đảo Đào Hồng Tuyển chưa có thêm dự án nào quan trọng.
Cuộc chiến này vô cùng hy hữu khi hai kẻ so găng cùng là đại gia kinh doanh địa ốc chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay ở VN.
Nhưng chỉ với một đảo Tuần Châu, Tuần Châu Group cũng đã sẵn lợi thế hạ tầng và kinh nghiệm để tiếp nối, làm “giàu thêm” giá trị khai thác du lịch cho Hạ Long. Và có lẽ vì vậy mà ngay từ tháng ba, thông tin về đảo Tuần Châu đã được “hâm nóng” với sự tôn vinh là Cảng du thuyền nhân tạo lớn nhất VN của Tổ chức Kỷ lục VN. Đây ví như bước khởi động trước cuộc lên sàn so găng, được tái khẳng định liên tục trên truyền thông và bằng sự kiện lễ đón nhận kỷ lục vào đầu tháng 8 này, mở ra việc Tuần Châu sẽ tiếp tục đăng ký Cảng du thuyền nhân tạo Tuần Châu – Vịnh Hạ Long tham gia xác lập kỷ lục Châu Á và kỷ lục thế giới. Tuần Châu có vẻ như đang phô diễn sức mạnh và năng lực “làm” thương hiệu mà các đối thủ vốn tưởng đã chìm lắng từ bao năm.
Liên tiếp là một loạt các thông tin có lợi khác về Tuần Châu như tham gia dự án 7 tỷ USD cùng đối tác nước ngoài tại Đặc khu Kinh tế Vân Đồn, hay cùng đối tác Thái tham gia dự án Khu công nghiệp 2 tỷ USD tại Quảng Ninh. Đặc biệt, việc Tuần Châu kí hợp tác 10.000 tỷ đồng để phát triển dự án với LienVietPostBank, lại được ví như một nước cờ mới khẳng định thế mạnh của kẻ bạo, sẵn sàng vốn liếng… trong thời buổi bất kì quản lí Nhà nước nào cũng rất quan tâm tới năng lực vốn của DN khi thu hút đầu tư.
Lật lại một chút quá khứ, theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, cho dù Tuần Châu đã thành công, vẫn không khỏi có “vết” khi xét góc độ tác động môi trường của con đường độc đạo từ đất liền dẫn ra đảo Tuần Châu với với các ống cống đặc không tính toán dòng chảy biển đã từng bị chuyên gia ngoại phản ứng. Tuy thông tin này đã là chuyện của quá khứ nhưng rõ ràng Tuần Châu đang có nhu cầu “làm mới” thương hiệu với cả UNESCO, các nhà quản lí tỉnh, với truyền thông và người du lịch… Nay nếu tranh được quyền hợp tác phát triển Vịnh Hạ Long, cơ hội làm mới của Tuần Châu qua những dự tính đóng góp cải tổ, phát triển hạ tầng theo đó, đều được định hướng tích cực hơn…
Vĩ thanh
Một nguồn tin riêng của DĐDN cho biết mặc dù cuộc so găng này chưa hoàn toàn ngã ngũ, nhưng lợi thế đang nghiêng mạnh về phía Tuần Châu. Điều đó cũng không có nghĩa sẽ là bất lợi cho Bitexco khi cả 2 đại gia vốn đã gặt lợi trong câu chuyện thương hiệu. Bitexco, nếu không vào Hạ Long, có thể nhờ vị thế thách đấu của mình và tầm nhìn tiên phong của mình, vẫn rộng đường tiến công vào các đặc khu kinh tế/ du lịch khác còn rất rộng cửa như Vân Đồn, Phú Quốc (Kiên Giang)… Đó, phải chăng mới thực sự là đường rộng mà các đại gia mong muốn?
Theo dddn