Cứ nhãn hiệu nào xuất hiện trong phim là doanh số tăng vọt.
Nội dung nổi bật:
“Cơn sốt Hàn Quốc” vẫn đang làm mưa làm gió trong giới trẻ Trung Quốc, làm thay đổi hành vi người tiêu dùng trên phạm vi rộng:
– Mỹ phẩm, thời trang các thương hiệu lớn: được sao Hàn dùng trong phim bán chạy như tôm tươi.
– Ẩm thực: cơn sốt bia và gà rán thịnh hành một cách đột biến.
– Giải trí: đạo diễn Trung Quốc phải đưa diễn viên xứ Hàn vào chương trình.
– Văn hóa: lãnh đạo quốc gia cũng “nể phục” sức mạnh của phim Hàn.
Trước muôn vàn khó khăn, nhiều thương hiệu xa xỉ vẫn phải trụ lại Hàn Quốc vì “đầu tư vào đây là có thể gây ảnh hưởng đến toàn châu Á”.
Muốn thành công trên thị trường Trung Quốc, các thương hiệu cao cấp ngày nay buộc phải “mượn sức” từ “xứ sở kimchi”. Phong cách Hàn – từ những video K-pop lộng lẫy cho tới món gà rán “sang chảnh” – đang tạo nên cơn cuồng phong tại đất nước tỉ dân. Các thương hiệu nổi tiếng đang đua nhau tận dụng thứ “vũ khí” độc nhất vô nhị này để tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc.
Cơn lốc làm thay đổi đất nước tỉ dân
Những tên tuổi như Chanel, Gucci và Louis Vuitton đã và đang dùng hình thức quảng cáo lồng ghép sản phẩm trong các thước phim dài tập trên truyền hình Hàn Quốc nhằm lan tỏa sức hấp dẫn đối với giới trẻ.
Sức thu hút của phim Hàn mạnh mẽ đến nỗi nhiều nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang cố gắng dàn dựng, sử dụng dàn diễn viên xứ Hàn và lồng ghép hàng loạt các thương hiệu Trung Quốc vào.
Sitcom (hài kịch tình huống) Hàn Quốc cũng đang gây nên cơn sốt trong giới tín đồ thời trang trẻ Trung Quốc. Từ khi bộ phim Hàn “My Love from the Star” (Chàng trai đến từ vì sao) “làm mưa làm gió” thị trường với 34 triệu người xem trong tháng giêng, nhờ nữ diễn viên Jun Ji-huyn trong phim diện quần áo Céline của Pháp và giày Jimmy Choo của Malaysia mà doanh số hai hãng này đã chạm ngưỡng kỷ lục. Các mặt hàng có mức giá vừa phải hơn như son môi, buộc tóc cũng bán đắt như tôm tươi. Bộ phim còn châm ngòi cho cơn sốt bia và gà chiên giòn ở Trung Quốc.
Tác động của phim Hàn khiến các nhà marketing không khỏi giật mình chú ý.
Leo Suh, chủ tịch của Samsonite tại châu Á, cựu giám đốc Samsonite tại Hàn Quốc, đã “chọn mặt gửi vàng”, chấm ngay nam diễn viên Kim Soo-huyn để “gửi gắm” dòng sản phẩm cặp da mới của mình.
Ngay sau khi chàng Kim đeo chiếc cặp da xuất hiện trong một tập phim, khách hàng Trung Quốc ùn ùn mang ảnh chàng lưu trong điện thoại kéo nhau tới các cửa hàng của hãng. Doanh số dòng sản phẩm mới cũng “vút cao” như diều gặp gió, gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Samsonite cũng dự tính doanh thu cả năm sẽ tăng gấp đôi, đạt mốc 60 triệu USD trong 2014. Quả thật, cú bắt tay với dàn sao trẻ Hàn Quốc đã khiến công ty già cỗi một trăm năm tuổi ấy bỗng trở nên hấp dẫn trong mắt giới trẻ hơn bao giờ hết.
Sự thịnh hành của văn hóa K-pop cũng chẳng còn là điều mới mẻ. Cụm từ “cơn sốt Hàn” cũng đã được báo chí Trung Quốc đặt ra từ những năm 1999 để miêu tả sự đón nhận nhiệt tình làn sóng văn hóa du nhập từ Hàn Quốc. Nhưng đúng là mãi đến gần đây, phim truyền hình Hàn Quốc mới thực sự bắt tay vào việc “thể hiện sức mạnh”.
Các giám đốc điều hành tại Coach Inc., một công ty hàng da thuộc Mỹ tỏ ra nuối tiếc khi đã quá chậm chân trong việc khám phá ra bộ phim ăn khách “My Love from The Star” để rồi vuột mất một cơ hội quảng cáo béo bở.
Lãnh đạo quốc gia cũng ‘tấm tắc nể’ phim Hàn
Phim Hàn đã lấp đầy những thiếu hụt chất lượng trong điện ảnh Trung Quốc. Mặc dù Bắc Kinh đã đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong kế hoạch năm năm, nhưng ngành giải trí tại nước này vẫn còn tương đối non trẻ. Các show truyền hình ăn khách nhất phần lớn vẫn chỉ là của nước ngoài.
Ngay cả một trong bảy lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng đã cân nhắc vấn đề này hồi đầu tháng. Vương Kỳ Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ Luật Trung Ương cũng phải công nhận rằng rằng phim Hàn Quốc đã làm tốt hơn nhiều so với “phim ta” trong việc quảng bá văn hóa. Có lẽ là do phim Hàn đã biết làm hấp dẫn những giá trị văn hóa gia đình bằng cách bao bọc chúng giữa lớp quần áo thời trang và những tiện ích sành điệu (?).
“Sao Hàn” trên thị trường
Các thương hiệu cao cấp cũng thích diễn viên Hàn vì họ “rẻ” hơn ngôi sao Hoa ngữ hay Hollywood. Tuy nhiên, những thương hiệu cỡ lớn như Louis Vuitton và Samsonite lại chẳng cần tốn lấy một đồng để gài sản phẩm vào “My Love from the Star” vì chính bản thân bộ phim cũng muốn làm vậy để thu hút khán giả trẻ sành điệu.
Sao Hàn cũng có sức hấp dẫn riêng trong từng thị trường. Khi Louis Vuitton thực hiện chiến dịch quảng bá tại Trung Quốc, đôi khi hãng phải chọn ba gương mặt khác nhau cho riêng ba khu vực đại lục, Hong Kong và Đài Loan. Nhưng ở các quốc gia như Singapore, Việt Nam, sao Hàn được biết đến rộng rãi và “đều” hơn.
Dù là “dao hai lưỡi” nhưng vẫn không thể buông
Tuy vậy, “cơn sốt Hàn” cũng là một con dao hai lưỡi đối với các thương hiệu lớn ở nước ngoài.
Cùng với văn hóa K-pop, mỹ phẩm và thời trang của xứ sở kim chi cũng ngày một nổi tiếng và tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt cho các thương hiệu quốc tế. Hãng mỹ phẩm Estée Lauder của Mỹ từng phải “ca cẩm” nguyên nhân gây sụt giảm doanh thu là sự cạnh tranh từ mỹ phẩm Hàn.
Về phần Trung Quốc, chính bản thân người tiêu dùng nước này cũng đang ồ ạt “đi tua” sang Hàn để mua sắm thời trang và làm phẫu thuật thẩm mỹ.
Dù vấp phải không ít thách thức nhưng các thương hiệu nước ngoài vẫn phải cố trụ lại đất Hàn vì quốc gia này có tầm ảnh hưởng quá đỗi to lớn trên thị trường châu Á.
Tháng 9 năm ngoái, hãng rượu Diageo đã cho mở cửa hàng “Johnnie Walker House” thuộc hạng siêu sang tại Seoul. Hàn Quốc đúng là thị trường rượu whiskey lớn, nhưng tòa cửa hàng sáu tầng lộng lẫy kia được xây nên đâu chỉ dành cho người tiêu dùng nội địa. James Lee, giám đốc Johnnie Walker House tại Seoul nói: “Hàn Quốc có ảnh hưởng rất lớn lên tiêu thụ các mặt hàng và phong cách sống xa xỉ. Đầu tư vào Hàn Quốc, chúng tôi sẽ có thể tác động tới người tiêu dùng trên toàn bộ châu Á Thái Bình Dương”.
Theo Trí Thức Trẻ/WSJ