Do vấn đề bảo hộ thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế chưa chặt chẽ, nên thương hiệu Việt rất dễ bị đánh cắp hoặc làm nhái ở nước ngoài.
TS. Vũ Trí Dũng, giảng viên marketing ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, đã có rất nhiều các thương hiệu Việt bị làm nhái, đánh cắp tại nhiều quốc gia như Kẹo dừa Bến Tre năm 1998; Vinataba, Trung Nguyên, Vifon.. và gần đây nhất là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Thương hiệu cafe Trung Nguyên từng bị làm nhái
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các doanh nghiệp Việt còn coi nhẹ việc đăng ký bảo hộ và đầu tư cho hoạt động thương hiệu chưa được thỏa đáng. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần ký kết và thực hiện các thỏa thuận, nghị định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, thương hiệu và có vai trò trong giải quyết tranh chấp trên thị trường quốc tế.
Tại buổi tọa đàm, ông Phan Văn Minh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Kinh đô Miền Bắc cũng cho biết, thương hiệu Việt xâm nhập vào thị trường nước khác rất khó khăn, nhưng khi tìm được chỗ đứng thì lại rất dễ bị đánh cắp. Điển hình như tại thị trường Trung Quốc, một nhãn hiệu muốn có chỗ đứng trên thị trường rất gian nan vì người Trung Quốc không tin vào quảng cáo, chỉ tin vào một sản phẩm nếu nó trở nên phổ biến.
Kinh Đô đã phải tự mình thiết lập thị trường mậu biên ở vùng ven biên giới Trung Quốc, đầu tư thiết lập hệ thống phân phối, tài trợ, huấn luyện công nhân rất bài bản. Và để tránh bị đánh cắp thương hiệu, Kinh Đô đã lựa chọn cách thiết kế các nhãn hiệu riêng đối với từng đối tác phía Trung Quốc, nhãn hiệu này được các đối tác của Kinh Đô đứng ta bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc. Với mỗi đối tác, Kinh Đô lại tạo ra các nhãn hiệu sản phẩm khác nhau, ông Minh chia sẻ.
Theo GTVT