Truyền thông xã hội: công cụ Marketing mới

Social Media Marketing – Tiếp thị truyền thông xã hội được hiểu đơn giản là dùng các mạng truyền thông xã hội phổ biến hiện nay như Facebook, Youtube, Twitter… để truyền tải thông điệp của nhãn hiệu, tăng doanh thu và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Với sự bùng nổ của các mạng xã hội trong những năm gần đây, hiện nay có đến 58% các công ty tiếp thị quảng cáo trên thế giới chính thức đưa truyền thông xã hội vào các chiến dịch kinh doanh của mình. Việt Nam là một đất nước có tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội khá cao trong khu vực. 
Tuy nhiên, các nhãn hàng trong nước còn khá nghi ngại khi đưa mạng xã hội vào chiến dịch quảng cáo lâu dài. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Jason Lusk, Chủ nhiệm Bộ môn Social Media Marketing của Viện quảng cáo ARTI Việt Nam, Nguyên phó Chủ tịch Cramer-Krasselt, Cty quảng cáo độc lập lớn thứ hai của Mỹ – về vấn đề này.

Ông Jason Lusk
– Tiếp thị truyền thông xã hội thực ra đã rất phổ biến trên thế giới, nhưng có vẻ ở Việt Nam xu hướng này vẫn chưa “cập bến?”
Thực ra là có! Valentine năm ngoái Close Up đã tổ chức một chiến dịch trên các mạng xã hội rất thành công. Chiến dịch này có sức lan truyền rất rộng và đạt đến mốc 1 triệu view trên Youtube. Tôi cũng rất thích chiến dịch Học Viện Không Gian của hãng AXE. Cho dù chiến dịch đó mang tính toàn cầu chứ không dành cho riêng thị trường Việt Nam, nhưng cũng đã có đến 20,000 người đăng ký tham gia.
Tất nhiên đó đều là các nhãn hiệu nước ngoài. Theo như tôi thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự đầu tư vào tiếp thị truyền thông xã hội. Nhưng những chiến dịch của Close Up hay AXE chứng tỏ rằng người Việt Nam phản ứng rất tích cực với tiếp thị truyền thông xã hội.
– Các doanh nghiệp chưa đầu tư liệu có phải vì tiếp thị truyền thông xã hội chỉ là một xu hướng nhất thời, chạy theo mốt?
Chắc chắn là không rồi. Những nhà quảng cáo luôn phải lắng nghe xu hướng từ người tiêu dùng để xây dựng chiến dịch của mình. Khi radio và ti vi còn chiếm lĩnh truyền thông, thì quảng cáo truyền hình là lựa chọn số 1.
Và giờ thì người tiêu dùng của Việt Nam đều dùng mạng xã hội rồi. Theo số liệu thống kê của năm trước, trung bình một ngày 1 người Việt Nam xem ti vi 135 phút. Còn người sử dụng internet thì dành 128 phút để lên mạng mỗi ngày.
Họ làm gì khi lên mạng? Chat và tương tác trên các mạng xã hội. Riêng ở Việt Nam đã có 20 triệu người sử dụng Facebook. Không có lý do gì các nhà quảng cáo lại đi sau hoặc lờ đi xu hướng này của khách hàng cả.
– Nhưng độ phổ biến của các mạng xã hội như Facebook sẽ giảm dần, đến lúc đó thì xu hướng tiếp thị truyền thông liệu có yếu đi?
Tiếp thị truyền thông xã hội là một lĩnh vực rộng lớn hơn Facebook rất nhiều. Bạn có thể hiểu đây là một hình thức chia sẻ thông tin riêng. Hiện nay trên thế giới, các công ty xây dựng chiến dịch trên rất nhiều mạng xã hội cùng một lúc: Youtube, Vine, Instagram, LinkedIn. 
Ở Việt Nam, dù Facebook có mất đi sự phổ biến, sẽ có những mạng xã hội khác thay thế.Ví dụ như gần đây, nhờ trò chơi Flappy Bird mà rất nhiều người dùng ở Việt Nam đã bắt đầu làm quen với Twitter.
– Hiện nay thì tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) cũng rất được coi trọng, vậy giữa truyền thông xã hội và SEO, hình thức nào quan trọng hơn với doanh nghiệp?
Câu trả lời là cả hai. Cách đây một vài năm mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Các doanh nghiệp nhỏ với những sản phẩm và dịch vụ đơn giản hầu như chỉ quan tâm đến SEO mà không đầu tư vào truyền thông xã hội.
Khi Google và thế giới internet dần biến đồi, thì mọi thứ trở nên phức tạp hơn. Càng ngày càng có các doanh nghiệp nhỏ đưa mặt hàng của họ lên mạng, nên phải biết sáng tạo và suy nghĩ có chiến lược thì mới nổi bật giữa các kết quả khách hàng tìm được.
Có rất nhiều kỹ năng dùng để nâng cao hiệu suất tìm kếm của nhãn hàng, và trong số đó là kỹ năng dùng truyền thông xã hội.
– Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là một quốc gia đang phát triển. Không phải ai cũng có internet để sử dụng. Như vậy, truyền thông xã hội liệu có phù hợp với tất cả các nhãn hiệu trong nước, hay chỉ dành cho nhóm khách hàng có mức sống cao hơn ở các thành phố lớn?
Bạn phải hiểu rằng có một số nhãn hiệu bán sản phẩm cho khách hàng ở mọi tầng lớp thu nhập, nhưng doanh thu tập trung vào nhóm người tiêu dùng thu nhập cao hơn ở các thành phố lớn. Đó mới là lý do chúng ta cần truyền thông xã hội.
– Cuối cùng, ông có lời khuyên nào để thành công trong tiếp thị truyền thông xã hội không?
Bạn đừng nghĩ phát triển một chiến dịch truyền thông xã hội thành công nghĩa là lập được một trang Facebook cho công ty rồi để đấy.Bạn phải thực hành thì mới thành chuyên gia được. Phải biết được có những công cụ nào có thể sử dụng trong truyền thông xã hội. Phái nắm được những thay đổi không ngừng của các mạng xã hội.
Quan trọng nhất là, đừng nghĩ truyền thông xã hội là một “cây đũa thần” giải quyết mọi vấn đề. Truyền thông xã hội về cơ bản là một công cụ marketing. Nếu muốn thành công, bạn còn phải biết kết hợp truyền thông xã hội với những công cụ khác để đạt được mục tiêu cho nhãn hàng của mình.

– Xin cảm ơn ông.

Theo dddn