Cẩm nang dành cho ứng viên sắp đi phỏng vấn

Đôi khi người phỏng vấn sẽ có những câu hỏi lạ, vượt khỏi những gì bạn đã chuẩn bị. Mục đích của họ là để xem phản ứng của bạn. Có thể câu hỏi đó chẳng có ý nghĩa gì nhưng thực tế, họ đang đo tính sáng tạo, kiên nhẫn và khả năng giữ bình tĩnh của bạn.

Dù rất nhiều người đã chia sẻ kinh nghiệm khi đi phỏng vấn nhưng nhiều ứng viên vẫn cảm thấy lo ngay ngáy vì chẳng biết mình còn quên gì nữa hay không. Nhiều khi, những việc tưởng như nhỏ nhặt, đơn giản nhưng nếu không chú ý, ứng viên sẽ tự đánh mất cơ hội, tự loại mình khỏi cuộc chơi.
Vì vậy, hãy chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thật chu đáo và chắc chắn rằng, mình đã sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu:

– Đọc lại CV: Điều quan trọng không kém trước khi đi phỏng vấn là bạn nên đọc lại CV của mình. Nếu nhà tuyển dụng có hỏi về thành tích, kinh nghiệm đã có, hãy chắc chắn là bạn không trả lời “lệch” với những điều đã nói trong hồ sơ. Vì thế, bạn nên đọc lại CV của mình một chút và suy nghĩ về câu hỏi nhà tuyển dụng có thể đưa ra từ CV đó để chuẩn bị sẵn nội dung câu trả lời.

– Nghiên cứu về công ty: Người phỏng vấn thường hỏi bạn biết gì về công ty để xem bạn có thực sự hứng thú với lĩnh vực hoạt động của họ hay không. Những hiểu biết của bạn về công ty sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn hiểu về họ và những gì bạn có thể làm được khi về đầu quân cho công ty.

– Chuẩn bị tinh thần: Đôi khi người phỏng vấn sẽ có những câu hỏi lạ, vượt khỏi những gì bạn đã chuẩn bị. Mục đích của họ là để xem phản ứng của bạn. Có thể bạn nghĩ rằng câu hỏi đó thật ngu ngốc và chẳng có ý nghĩa gì nhưng thực tế, đó là câu hỏi để thử nghiệm tính sáng tạo, kiên nhẫn và khả năng giữ bình tĩnh của bạn.

Ví dụ, trong một buổi phỏng vấn tuyển dụng của Yahoo, nhà tuyển dụng đã hỏi rằng: “Có bao nhiêu quả bóng tennis trong phòng này”. Mục đích của họ là để kiểm tra sự tập trung của ứng viên mà thôi bởi ứng viên dễ bị nhầm lẫn với câu hỏi “phòng này có bao nhiêu quả bóng tennis thì vừa”.

– Đến đúng giờ: Đừng bao giờ để nhà tuyển dụng phải đợi bạn bởi nếu họ thấy bạn không đến đúng giờ trong buổi phỏng vấn, rất có thể họ sẽ cho rằng bạn làm việc thiếu nghiêm túc và không hoàn thành tốt công việc được giao.

– Chuẩn bị trước ngay cả khi bạn cảm thấy không còn gì phải chuẩn bị: Cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, có thể chỉ dăm ba phút nhưng bạn phải mất cả quá trình để chuẩn bị kỹ lưỡng. Đừng bao giờ chủ quan bởi sự chuẩn bị không bao giờ là thừa cả.

– Tránh chơi bời quá sức trước ngày phỏng vấn: Những khoảnh khắc thư giãn thú vị là cần thiết trong cuộc sống, giúp bạn khỏe mạnh và thoải mái hơn. Nhưng thực tế, nó có thể khiến bạn đâm ra ì trong mấy ngày tiếp theo vì mải nghĩ đến sự thú vị đó. Vì vậy, trước khi đi phỏng vấn, hãy giành thời gian để nghĩ ngơi, xem lại một số vấn đề cần thiết để đảm bảo đầu óc minh mẫn, tinh thần sảng khoái khi đối diện với nhà tuyển dụng.

– Chọn trang phục sẵn sàng: Bạn không muốn lãng phí thời gian khi sớm mai thức dậy phải vật lộn với tủ quần áo để chọn ra bộ đồ phù hợp. Vì thế, chịu khó dành thời gian từ buổi tối hôm trước để chuẩn bị sẵn quần áo cho buổi phỏng vấn hôm sau. Lưu ý đừng chọn những bộ đồ quá đơn giản nhưng cũng đừng ăn mặc lòe loẹt, dễ gây phản cảm.

– Xem qua một số câu hỏi phổ biến: Dành thời gian tìm hiểu một số câu nhà tuyển dụng thường hỏi và đưa ra nội dung trả lời phù hợp. Sắp xếp câu trả lời một cách khoa học để khi vào phỏng vấn, bạn không còn phải lúng túng khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi.

– Phỏng vấn thử: Để buổi phỏng vấn diễn ra tốt đẹp, bạn nên nhờ một người thân hay bạn bè tập dượt nhất là khi bạn lần đầu tiên tham gia buổi phỏng vấn xin việc. Đừng chọn những người thích bông đùa, bởi họ có thể gây rắc rối cho bạn vì nói gì cũng đùa được.

– Chú ý chế độ ăn uống: Trước ngày phỏng vấn, bạn nên ăn những món dễ tiêu hóa mà không gây buồn ngủ. Thức ăn ảnh hưởng tới quá trình tư duy cũng như phong thái của bạn khi đối diện với nhà tuyển dụng.

– Tắt di động trước khi vào phỏng vấn: Nhạc chuông điện thoại có thể khiến bạn phân tâm và không có nhà tuyển dụng nào hài lòng với ứng viên vừa ngồi xuống đã réo rắt với chuông điện thoại. Điều đó cũng cho thấy bạn không chuyên tâm và thiếu nghiêm túc với cuộc phỏng vấn này.

– Ngôn ngữ cơ thể phù hợp: Những hành động như cắn móng tay, đưa tay che miệng khi nói chuyện, gõ gõ tay vào bàn hay đan tay vào nhau… cũng dễ khiến bạn mất điểm với nhà tuyển dụng. Bởi bạn đang tạo cho họ cảm giác bạn lo lắng và thiếu tự tin. Vì vậy, khi vào buổi phỏng vấn, tốt nhất là nên giữ tư thế ngồi thật thoải mái và nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng.

Theo Ezinearticles