5 điều mà bạn nên tìm kiếm ở công việc đầu tiên

Nếu bạn vừa ra trường và chưa tìm được việc, mục tiêu duy nhất của bạn có lẽ làm có một công việc để làm. Tuy nhiên, với công việc đầu tiên trong đời, nếu bạn chỉ nghĩ tới việc kiếm tiền thì đó sẽ là một mục tiêu sai lầm. 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tìm được một công việc để có tiền trang trải cuộc sống là tốt. Tuy nhiên, khi quyết định nộp hồ sơ xin công việc đầu tiên ở đâu đó, bạn nên cân nhắc 5 yếu tố dưới đây:

1. Kinh nghiệm mà bạn sẽ có được

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, điều quan trọng nhất bạn có thể làm là thu thập nhiều kinh nghiệm nhất có thể. Cho dù bạn đã tìm được một công việc ở lĩnh vực mà bạn ưa thích, thì bạn cũng không làm mãi ở vị trí đó. Để phát triển và tiến lên những nấc thang nghề nghiệp cao hơn, bạn cần phải có nhiều kinh nghiệm.

Trước khi nhận một công việc, hãy đánh giá xem bạn sẽ thu thập được kinh nghiệm gì từ công việc đó. Nếu bạn sẽ làm trong ngành xuất bản, liệu bạn có làm việc bằng chương trình Adobe Creative Suite, bạn có được học những kỹ năng mới như thiết kế website? Cho dù sự nghiệp của bạn có đi theo hướng nào, thì có nhiều kỹ năng ở các lĩnh vực khác nhau luôn là một điều tích cực.

2. Tiềm năng phát triển
Hãy xem xét các cơ hội phát triển mà bạn có thể có được trong công ty: liệu bạn có khả năng thăng chức lên một vị trí cao hơn sau một vài năm cống hiến? Liệu có những vị trí khác hấp dẫn hơn mà bạn có thể ứng tuyển nội bộ. Chẳng hạn, nếu bạn làm việc ở vị trí nhân viên bán hàng, liệu bạn có thể được cất nhắc lên ghế trưởng nhóm?

Tìm cơ hội thăng tiến ngay trong công ty mà bạn đang làm việc sẽ dễ hơn tìm cơ hội thăng tiến ở một nơi khác. Các nhà tuyển dụng sẽ luôn ưu tiên các ứng viên nội bộ khi xét duyệt hồ sơ. Nếu công ty có chủ trương cất nhắc nhân viên thay vì thuê người ngoài về làm sếp, bạn sẽ có cơ hội trở thành một nhà quản lý ấn tượng và tiếp tục tiến lên những nấc thang sự nghiệp cao hơn.

3. Các chế độ

Nếu bạn chỉ nhìn vào lương mà không xem xét các chế độ của công ty, bạn rốt cục có thể nhận được mức thù lao thấp hơn nhiều so với những gì bạn xứng đáng được hưởng. Các chế độ chuẩn cho người lao động bao gồm bảo hiểm y tế, bảo hiểm lương hưu, thời gian nghỉ phép được trả lương, và nghỉ ốm, nghỉ thai sản đối với nữ.

Nhận một công việc lương cao nhưng không đảm bảo những chế độ này có thể khiến bạn phải chịu nhiều thiệt thòi. Nếu bạn phải tự bỏ tiền túi để mua bảo hiểm y tế hoặc đóng bảo hiểm để sau này được nhận lương hưu, số tiền bỏ ra hàng tháng sẽ không hề nhỏ.

Nếu không có chế độ nghỉ phép mà vẫn có lương, bạn sẽ khó có được kỳ nghỉ thoải mái hay đi thăm họ hàng trong những ngày nghỉ. Nếu công ty có chế độ nghỉ phép, bạn vẫn cần xem xét xem công ty có linh hoạt cho nhân viên nghỉ khi có việc cần thiết không. Một số công ty có thể không cho nhân viên nghỉ trong mùa kinh doanh cao điểm.

4. Lịch sử của công ty

Nhiều người có thể cho rằng, lịch sử của công ty chẳng liên quan gì đến mình. Tuy nhiên, điều này lại có ý nghĩa không nhỏ đối với bạn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những đợt cắt giảm nhân sự diễn ra phổ biến. Công ty của bạn có thể quyết định đóng cửa một chi nhánh nào đó hoặc tệ hơn là phá sản.

Hãy kiểm tra thông tin xem công ty đã làm gì trong một vài năm gần đây, từ đó xác định xem bạn có khả năng bị sa thải hay không nếu vào làm việc ở đó. Nếu mới đây, công ty này tuyển thêm người hoặc mở thêm chi nhánh, thì đó là một tín hiệu tốt. Một tín hiệu tích cực nữa là công ty nhận được những giải thưởng uy tín.

Nếu bạn làm việc cho một công ty mới thành lập, thì vừa có mặt lợi lại vừa có mặt hại. Tiềm năng thăng tiến ở những công ty như vậy có thể rất cao và bạn có thể phát triển sự nghiệp trong công ty. Nhưng nhiều doanh nghiệp mới không làm ăn tốt, bởi thế một công việc ở công ty lâu năm có thể ổn định hơn.

5. Môi trường làm việc

Bạn sẽ có mặt ở cơ quan 8 tiếng mỗi ngày, bởi thế sẽ là tốt nếu bạn cảm thấy thoải mái và yêu thích môi trường làm việc. Khi bạn tới công ty để phỏng vấn, hãy đánh giá xem mọi chuyện sẽ như thế nào nếu bạn được nhận vào làm. Mọi người có mỉm cười và nói câu “xin chào”, hay họ tỏ ra “khó đăm đăm”? Có sơ đồ các phòng ban của công ty ngay từ sảnh vào hay không? Mọi người chỉ im lặng làm việc tại bàn của mình hay ngồi làm việc cùng nhau?

Bên cạnh đó, hãy suy nghĩ thực tế về dạng công việc. Bạn không thể ra ngoài làm việc nếu bạn làm cho một công ty thiết kế web, vì phần lớn công việc gắn với chiếc máy tính. Hãy đánh giá kỹ mức độ thoải mái của bạn với môi trường làm việc của công ty.

Theo Mywork.vn