Xu thế dòng tiền: Như “bò tót vươn mình” sau Tết?

Các chuyên gia vẫn tin tưởng câu chuyện nới room và sự vận động mạnh mẽ của dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường sau Tết.

Mặc dù sẽ trải qua một kỳ nghỉ dài, nhưng các chuyên gia trong tọa đàm hàng tuần “Xu thế dòng tiền” của VnEconomy vẫn tin tưởng câu chuyện nới room và sự vận động mạnh mẽ của dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường sau Tết.
Tất cả ý kiến đều lựa chọn biểu tượng “bò tót” để thể hiện xu thế thị trường sau kỳ nghỉ Tết.

Niềm tin đang rất tốt

Nhà báo Nguyễn Hoàng (VNEconomy):
VN-Index tuần qua không có được sức bật mạnh như tuần trước và quả thực đã có sự thoái trào nhất định ở những cổ phiếu vốn hóa hàng đầu như GAS, VNM, VIC, MSN. Cũng đã có sự sụt giảm nhất định về sức mua của dòng tiền ngoại ở những mã nói trên, trừ VNM. Tuy nhiên nhịp điều chỉnh là hơi ngắn, tối đa không quá 3 phiên sau đó phục hồi lại vào cuối tuần và những cổ phiếu này vẫn giúp VN-Index có được một tuần tăng 3,1%. Theo anh chị, việc dòng vốn vẫn chảy đều vào các mã vốn hóa siêu lớn đó có phải là biểu hiện của dòng tiền vẫn chưa đạt sức căng tối đa, và triển vọng tăng vẫn còn ở các mã trụ này?

Ông Lê Đức Khánh (Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư tại Công ty Chứng khoán MSBS)
Tôi thấy niềm tin nhà đầu tư hiện nay phải nói là rất tốt. Điều này thể hiện qua thanh khoản trên toàn thị trường và sức cầu tốt ở nhiều cổ phiếu blue chips và cổ phiếu vốn hóa trung bình.
Xét qua mặt bằng chung của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thì các cổ phiếu này còn phải tăng tiếp từ 20 – 30% về điểm số tương ứng với việc chỉ số VN-Index sẽ cần phải chạm ngưỡng 600 hoặc thậm chí 620 điểm trong năm nay. Như vậy, khả năng lớn là các mã trụ này sẽ tiếp tục tăng điểm trong thời gian tới.

Ông Phạm Tiến Dũng (Trưởng bộ phân nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán BVSC)
Với diễn biến tuần qua, tôi nhận thấy dòng tiền chảy vào các mã vốn hóa lớn đang có dấu hiệu chậm lại, ở một số mã giá trị giao dịch đã giảm so với mức đỉnh của tuần trước.
Tôi cho rằng triển vọng tăng giá của nhóm các cổ phiếu này vẫn còn, tuy nhiên tốc độ tăng giá sẽ không nhanh, mạnh như hai tuần vừa qua.

Ông Nguyễn Hữu Việt (Giám đốc nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán IRS):
Tôi vẫn kỳ vọng rằng triển vọng tăng ở các mã trụ trên là vẫn còn, nhưng cũng cần chú ý những dấu hiệu suy yếu đã xuất hiện. Điều này được nhìn nhận thông qua diễn biến của các cổ phiếu như BVH, MSN – những cổ phiếu vốn hóa lớn , nhưng có tính biến động rất cao.
Cụ thể, ở mỗi sóng tăng trưởng ngắn hạn, BVH, MSN ít khi điều chỉnh nhiều hơn hai phiên giao dịch, mỗi trạng thái điều chỉnh kéo dài hơn thường sau đó sẽ là sự thoái trào, hoặc một sự tích lũy mới với thời gian tối thiểu khoảng 1-2 tuần giao dịch.
Hiện tại, MSN đã nhanh chóng tăng trở lại sau hai phiên điều chỉnh, nhưng vẫn chưa vượt đỉnh, BVH đang suy yếu phiên thứ hai liên tiếp, nếu như BVH, MSN không thể hiện được sức mạnh ở phiên đầu tuần tới, triển vọng tăng ở nhóm vốn hóa lớn sẽ giảm đi đáng kể trong 1-2 tuần sau Tết.

Bà Hồ Huyền (Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDS)
Như quan điểm tuần trước, tôi cho rằng dòng tiền vào nhóm bluechip cao trào, mang dáng dấp của dòng tiền từ các quỹ, tổ chức, chính vì vậy áp lực bán ra trong ngắn hạn không nhiều. Vì thế rủi ro giảm mạnh ở nhóm này không lớn, nhiều khả năng sẽ điều chỉnh theo hướng đi ngang. Triển vọng tăng sau đó vẫn còn, nhưng gia tốc sẽ giảm.

Ông Trần Hữu Phúc (phụ trách Phòng môi giới tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán VCBS):
Theo tôi dòng tiền mạnh hỗ trợ thị trường lúc này vẫn tập trung nhiều từ các quỹ nước ngoài với đích đến tập trung chủ yếu ở các bluechips. Việc huy động thêm được lượng tiền mặt từ các quỹ ETF sẽ là lực đỡ mạnh cho thị trường ở các phiên sắp tới và từ đó chỉ số chung cùng với các cổ phiếu trụ cột sẽ vẫn giữ được mặt bằng giá cao mặc dù đã có sự điều chỉnh khá mạnh ở một số cổ phiếu lớn như HPG, DPM.

Theo VnEconomy