Sóng ngầm mua bán dự án bất động sản

Nhu cầu M&A các dự án bất động sản (BĐS) hiện đang rất nóng và sẽ ngày càng tăng nhiệt trong thời gian tới. Sở dĩ các chủ đầu tư phải chào bán tài sản là bởi thời gian trước họ đã vung tay vay tiền đầu tư quá tràn lan, trong khi chi phí vốn cao dẫn đến chi phí bào mòn lợi nhuận. Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, tới nay họ có thể có nhiều tài sản, nhiều dự án, nhiều danh mục đầu tư nhưng không còn tiền mặt, buộc phải bỏ tài sản ra bán.

Nhiều tài sản, nhiều dự án, hiều danh mục đầu tư nhưng không còn tiền mặt, buộc phải bỏ tài sản ra bán. Nguồn: internet

Từ nhiều năm nay, dù đã chính thức tuyên bố khởi động, dự án xây dựng khách sạn 4 sao ở vị trí đắc địa trên đường Cát Linh (Hà Nội) không có vẻ gì là được đầu tư đúng với mục đích ban đầu. Quy mô diện tích hơn 1.500 m2, toàn bộ khu vực của dự án mới được quây rào. 
Hoạt động duy nhất là dịch vụ trông giữ xe, kiêm rửa ô tô, một hình thức “chống cháy” thường thấy trong bối cảnh chủ đầu tư không còn tiền để tiếp tục xây dựng. Nhưng mới đây, dự án đã được sang tay chủ mới một cách… nhẹ nhàng.
Theo thông tin được biết, đơn vị tư vấn của dự án cho biết, chủ sở hữu trước đây có trong tay khoảng 14 dự án BĐS thuộc đủ danh mục từ khách sạn, khu nghỉ dưỡng, đô thị, văn phòng cho thuê… Song cũng bởi đã dốc cạn nguồn lực vào những dự án này nên chủ đầu tư đã rơi vào tình trạng mất cân đối dòng tiền, không thể tiếp tục xây dựng 2 dự án còn dang dở, cũng như vận hành bộ máy khoảng 600 – 700 người. 
Đó là lý do họ phải “cắn răng” bán đi dự án tiềm năng nằm ở vị trí vàng giữa thủ đô với giá khá nhẹ nhàng, khoảng hơn 200 tỷ đồng theo thông tin được cho biết. Người mua là một nhà đầu tư chưa nổi danh lắm, từ địa phương khác nhảy vào.
Đây không phải là phi vụ đơn lẻ của thị trường mua bán, chuyển nhượng (M&A) dự án BĐS hiện nay. Dù không quá rầm rộ, song một số dự án đang được giao dịch khá thuận lợi cho thấy, làn sóng M&A vẫn đang diễn ra âm thầm và ngày càng sôi động. Điều đặc biệt là khá nhiều dự án trong số đó được thâu tóm bởi các nhà đầu tư trong nước, trái ngược với nhận định lâu nay là nguồn nội lực này đã cạn.
“Tôi vừa tư vấn chuyển nhượng thành công 2 dự án BĐS trị giá gần 400 tỷ đồng, một dự án là đất để xây khách sạn 4 sao, một dự án là đất để xây một tổ hợp gồm trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ. Cả 2 dự án đều do nhà đầu tư ở tỉnh về mua”, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tư vấn BĐS Soho Việt Nam cho biết.
Từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng trong mảng tư vấn, thu xếp chuyển nhượng các dự án BĐS, giá trị các hợp đồng mà doanh nghiệp này thực hiện thành công đã lên tới hơn 400 tỷ đồng. Chưa kể, còn rất nhiều dự án đang trong quá trình triển khai hoặc đàm phán, dự tính cũng có giá trị tương đương mà phần lớn người mua đều đến từ các nhà đầu tư trong nước.
Ông Cần đánh giá, nhu cầu M&A các dự án BĐS hiện đang rất nóng và sẽ ngày càng tăng nhiệt trong thời gian tới. Sở dĩ các chủ đầu tư phải chào bán tài sản là bởi thời gian trước họ đã vung tay vay tiền đầu tư quá tràn lan, trong khi chi phí vốn cao dẫn đến chi phí bào mòn lợi nhuận. Cùng với khó khăn chung của nền kinh tế, tới nay họ có thể có nhiều tài sản, nhiều dự án, nhiều danh mục đầu tư nhưng không còn tiền mặt, buộc phải bỏ tài sản ra bán.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm người mua rất kén chọn, chỉ những món tài sản thực sự đáng giá thì họ mới để mắt tới. Cụ thể, các dự án BĐS ở vị trí đắc địa, hồ sơ pháp lý đầy đủ vẫn được nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra, những dự án đang tạo dòng tiền, có chất lượng xây dựng tốt cũng hút người mua, đặc biệt là các công trình như căn hộ cho thuê, căn hộ để bán, văn phòng, khách sạn…
Như vậy, đây cũng là thời điểm những nhà đầu tư có tiềm lực thực sự bắt đầu lộ diện. “Đúng là người mua giờ rất hiếm vì nhiều nguồn lực đang bị đọng dưới dạng tài sản, không còn tiền mặt. Tuy nhiên, thuận lợi là người mua có thể trả giá dễ dàng, người bán thì giá nào cũng bán, thậm chí bán bằng được”, ông Cần nói.

Theo TCTC