VCBF: “Quỹ cân bằng” liệu có thực sự cân bằng?

Việc cho ra đời các quỹ mở thời điểm này được đánh giá là thuận lợi khi thị trường đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, thậm chí khủng hoảng và giới đầu tư đã có kinh nghiệm hơn.

Xu hướng bùng nổ hình thức quỹ mở vẫn chưa thực sự diễn ra như chờ đợi, một phần vì diễn biến trên thị trường chứng khoán chưa thuận lợi. Nhưng mặt khác, việc thành lập các quỹ mở vẫn đang trong giai đoạn thăm dò “khẩu vị” của giới đầu tư.

Phân bổ tài sản: Không chỉ là 50/50
Từ đầu năm 2013 đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận khá nhiều quỹ mở, nhưng tựu trung lại, chỉ có một số hình thức chính: Các quỹ đóng cũ thực hiện chuyển đổi thành quỹ mở; Các quỹ mở đầu tư chuyên biệt, chẳng hạn vào trái phiếu; và ít hơn là vài quỹ mở thành lập mới với quy mô nhỏ (thường chỉ đặt mục tiêu ban đầu là 50 tỷ đồng) đầu tư vào một cơ cấu tài sản đa dạng, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu hay các công cụ thị trường tiền tệ.
Cuối tuần trước, quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF được giới thiệu như một trường hợp điển hình của dạng quỹ mở cân bằng nhưng chiến lược phân bổ tài sản lại có thể thay đổi. Chiến lược này có vẻ hấp dẫn hơn và gần với “văn hóa” đầu tư của đa số nhà đầu tư cá nhân, vốn quen với khả năng linh hoạt trong việc ra quyết định.
Các quỹ đóng đang hoạt động trên thị trường lâu nay đã tạo một ấn tượng không mấy tích cực đối với nhà đầu tư vì sự cứng nhắc trong chiến lược đầu tư, tỉ lệ chiết khấu quá cao so với giá trị tài sản ròng, cũng như mức độ tăng trưởng lợi nhuận chưa thuyết phục. 
Quỹ mở dĩ nhiên giải quyết được khá nhiều hạn chế nói trên, nổi bật là khả năng thoái vốn, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa giá chứng chỉ quỹ và giá trị tài sản ròng. Tuy nhiên hiệu quả thực sự trong chiến lược đầu tư của bất kỳ hình thức quỹ nào cũng phải kiểm nghiệm qua thời gian.
VCBF có chiến lược phân bổ tài sản linh hoạt. Về mặt lý thuyết, một chiến lược cân bằng giữa bảo toàn vốn và tăng trưởng hoàn toàn là cơ cấu phân bổ tài sản cân bằng giữ các tài sản có thu nhập cố định và các tài sản rủi ro như cổ phiếu, công cụ phái sinh. Quỹ VCBF cũng đưa ra một tỉ trọng cân bằng: 50% tài sản vào cổ phiếu và 50% vào trái phiếu/các công cụ tiền tệ.
Tuy nhiên điểm riêng của VCBF là có sự linh hoạt trong phân bổ tài sản theo chiến lược đầu tư phòng thủ hoặc tăng trưởng tùy thuộc vào cơ hội đầu tư sẵn có tài các thời điểm khác nhau. Chẳng hạn từ mức phân bổ tài sản 50/50 nói trên, quỹ có thể thay đổi +/-25%, nghiêng về các loại tài sản, tùy thuộc vào cơ hội được đánh giá.
Đặc biệt, quỹ này còn có chiến lược đầu tư tạm thời, có thể đem lại tính thuyết phục cao đối với nhà đầu tư. Khi thị trường không thuận lợi, VCBF có thể đầu tư 100% tài sản một cách thận trọng, bằng việc chuyển sang nắm giữ toàn bộ hoặc phần lớn tài sản bằng tiền mặt, các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư ngắn hạn, các tài sản có thu nhập cố định ít rủi ro.

Danh mục cổ phiếu: Sẽ ưu tiên HSX?
Trong trường hợp thị trường thuận lợi, với chiến lược đầu tư linh hoạt nói trên, khả năng nghiêng mạnh về tài sản cổ phiếu sẽ được ưu tiên. Cụ thể, với hạn mức cho phép, Quỹ có thể đổ tới 75% vốn vào các loại cổ phiếu phù hợp. Điều này hẳn sẽ khiến nhà đầu tư ưa thích hơn vì tỉ suất lợi nhuận của cổ phiếu thường cao hơn các loại tài sản an toàn.
Theo tiêu chí được công bố, danh mục cổ phiếu của Quỹ sẽ là các cổ phiếu niêm yết có giá trị vốn hóa lớn và có thanh khoản tốt trên hai sàn. Với những thông tin được công bố thì vẫn chưa rõ mức độ ưu tiên giữa tiêu chí vốn hóa và thanh khoản như thế nào, cũng như tiêu chí cụ thể về thanh khoản. Căn cứ xác định mức độ vốn hóa được tính trên cơ sở vốn hóa thị trường của một cổ phiếu lớn hơn vốn hóa thị trường của cổ phiếu xếp thứ 100 trên HSX.
Nếu tính theo giá giao dịch cuối tuần trước thì quy mô vốn hóa cổ phiếu nằm trong danh sách lựa chọn của VCBF vào khoảng 550 tỷ đồng. Tuy nhiên mức vốn hóa trong nhiều trường hợp lại mâu thuẫn với thanh khoản. Đặc biệt yếu tố thanh khoản có thể loại bỏ phần lớn cổ phiếu trên HNX.
Mặt khác, Quỹ cũng ưu tiên đánh giá cơ hội trong dài hạn và ưu tiên các công ty đầu ngành và các công ty có triển vọng trở thành công ty đầu ngành. Trong việc đánh giá giá trị công ty, Quỹ cũng xem xét yếu tố giá đã phản ánh đầy đủ hay chưa. Nhìn chung cách thức xác định danh mục này cũng tương tự như những chiến lược đầu tư dài hạn khác.
Yếu tố nhóm ngành của các cổ phiếu niêm yết chưa thực sự đa dạng và phản ánh đầy đủ lĩnh vực kinh doanh, chưa kể những cổ phiếu đó cũng đã trong tầm ngắm của các nhà đầu tư khác.

Thêm lựa chọn mới cho dòng tiền?
Việc cho ra đời các quỹ mở thời điểm này được đánh giá là thuận lợi khi thị trường đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, thậm chí khủng hoảng và giới đầu tư đã có kinh nghiệm hơn. Trong giai đoạn tăng trưởng nóng ban đầu, xu hướng tự đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân dễ dàng lấn át vì cơ hội lợi nhuận là lớn hơn so với rủi ro.
Nhà đầu tư cá nhân tự quản lý danh mục, tự ra quyết định và đa phần có thể chiến thắng thị trường. Trong giai đoạn thị trường suy thoái, vai trò của việc quản lý rủi ro một cách chuyên nghiệp mới được đề cao và thế mạnh của các nhà quản lý quỹ mới tăng lên.
Tuy nhiên bảng thành tích của các quỹ đầu tư suốt những năm qua có thuyết phục hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Ngay cả đối với các quỹ đầu tư năng động, việc tuân thủ các quy định chặn chẽ về chiến lược đầu tư cũng khiến sự linh hoạt không thể so sánh với các loại hình đầu tư khác đang khá phổ biến, như các quỹ thành viên của các nhân, các nhóm đầu tư liên kết. Thực tế ở Việt Nam đã chứng minh kể cả những quỹ sử dụng công nghệ cao, thuật toán phức tạp cũng chưa chắc đã chiến thắng được thị trường, mà nếu chiến thắng được cũng chưa chắc đạt lợi nhuận bằng các nhà đầu tư khác.
Khi gửi tiền cho một tổ chức đầu tư để hướng đến mức sinh lời cao hơn, yếu tố con người luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế những cá nhân điều hành, những người ra quyết định đầu tư ở bất kỳ quỹ nào cũng có một bảng thành tích rất “long lanh”, mà thiếu nó nhà đầu tư cảm thấy không mấy tin cậy vào quỹ. Mặc dù vậy, không bảng thành tích cá nhân nào thuyết phục bằng thành tích lợi nhuận. Đáng tiếc là các quỹ mở hiện vẫn chưa có đủ thời gian để chứng minh.
Có lẽ đây cũng là lý do khiến quy mô ban đầu của các quỹ mở thường rất nhỏ. Tối thiểu 50 tỷ đồng không phải là một khoản đầu tư lớn, nhưng lại dễ dàng đạt được trong giai đoạn thăm dò “khẩu vị” của nhà đầu tư. Mặt khác, hạn mức đầu tư tối thiểu ban đầu cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng và các khoản tiếp theo tối thiểu 1 triệu đồng. Hạn mức này khá “bình dân”, phù hợp với nhiều đối tượng có nhu cầu. Còn gì bẽ bàng hơn việc một quỹ mở không huy động nổi món tiền tối thiểu theo quy định? Quy mô của quỹ không giới hạn mức tối đa, nhưng chắc chắn cần phải có thời gian để tăng dần.
Trong thời điểm hiện tại, quỹ mở chỉ là một lựa chọn mới cho dòng tiền, còn thứ bậc của lựa chọn đó trong cấp độ ưu tiên và tín nhiệm của nhà đầu tư vẫn cần thêm thời gian để kiểm nghiệm.

Theo VnEconomy