Vì sao chủ các dự án BĐS vẫn muốn đặt tên “Tây”?

Đặt tên cho dự án BĐS thường gắn với các yếu tố như vị trí, dòng sản phẩm, cảnh quan, phong cách thiết kế.

Sự xuất hiện các dự án BĐS gắn với việc sử dụng ngôn nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến. Cũng giống như việc đặt tên cho doanh nghiệp của mình, các ông chủ dự án BĐS rất chú trọng đến tên dự án mà công ty định hướng phát triển.
Những doanh nhiệp phát triển bất động sản chuyên nghiệp thường tìm đến tiếng nước ngoài, mà phổ biến là tiếng Anh thông dụng để đặt cho dự án của mình, mỗi tên dự án đều gắn với thông điệp mà chủ đầu tư muốn gửi đến khách hàng.
Theo nhiều chủ dự án, việc đặt tên cho dự án BĐS thường gắn với các yếu tố như vị trí, dòng sản phẩm, cảnh quan, phong cách thiết kế,…Vì thế nhiều cụm từ tiếng nước ngoài phổ biến như Golden (thể hiện vị trí vàng), Ocean View (cảnh ven biển), Reverside (bên sông), Garden (vườn, cây xanh), Residentials (khu nhà ở), Sky (thể hiện không gian),…hay mang dáng dấp về phong cách sang trọng, cổ kính như D’.Palais De Louis (thể hiện phong cách cổ kính của cung điện versailles –Pháp), The Manor (có ý nghĩa là một khu đất đẹp và thịnh vượng),…
Sau nhiều năm phát triển khu đô thị Dương Nội, Cổ Nhuế hàng loạt khu chung cư đã mọc lên với những cái tên đơn giản và quen thuộc như CT7A, CT8B, CT3A…Tập đoàn Nam Cường quyết định chuyển từ tên kỹ thuật sang tên thương mại đối với sản phẩm chung cư ý nghĩa hơn, thân thiện hơn. Dự án Lê Văn Lương Residential nay được đổi tên thành The Spark Lê Văn Lương, các cụm tòa nhà như CT8, CT7 không còn xuất hiện nữa mà thay vào đó là tên các tòa như Alpha (CT7A), Beta (CT7B), Cosine (CT7C), Delta (CT7D), Eta (CT7E), Sigma (CT7F), Gamma (CT7G).
Vì sao chủ dự án BĐS vẫn muốn đặt tên “Tây”? (1)
Tổ hợp CT8 Dương Nội được đổi tên thành THE OPERA SPARKS
Khu CT3 Cổ Nhuế cũng được đổi tên thành The Spark-Hoàng Quốc Việt. Tên các tòa Hera (CT1), Atlas (CT3A), Apollo (CT3B), Artemis (CT3C), Athena (CT3D), mang dấu ấn tên các vị thần.
Theo Nam Cường, đằng sau sự thay đổi tên gọi các dự án là mục tiêu chiến lược được Tập đoàn Nam Cường hướng đến. Bên cạnh các sản phẩm có chất lượng đã mang lại giá trị “ngầm” được cảm nhận từ không gian sống Nam Cường mang lại, nó còn thể hiện đến sự thân thiện và chất lượng cuộc sống.
Một số trường hợp khác cũng đang đem đến những chuỗi sản phẩm của mình có ý nghĩa hướng đến các mục tiêu trong chiến lược kinh doanh của công ty. Chẳng hạn như Nam Long lại dùng E-Home để thể hiện dòng sản phẩm “vừa túi tiền –affordable housing” tiêu chuẩn Singapore mà mình phát triển.
Theo vị chủ tịch của Nam Long, dòng sản phẩm này dành cho đối tượng có nhu cầu ở thật, tập trung vào người dân có mức thu nhập trung bình và đông nhất của xã hội, việc đặt tên sản phẩm theo tiếng nước ngoài để thu hút sự quan tâm đầu tư của các tổ chức quốc tế và hướng đến các chuẩn mực riêng cho sản phẩm.
Hay như nằm trong chiến lược của Đất Xanh Group nhằm mở rộng tìm kiếm và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược, thời gian gần đây Đất Xanh liên tục hợp tác mua lại các dự án tại Tp.HCM và đổi tên dự án thành chuỗi sản phẩm mang thương hiệu Sunview.
Việc đặt tên “Tây” cho dự án BĐS dường như đã trở nên phổ biến, và là một trong những khâu quan trọng nhất cho chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Thậm chí, đã có những trường hợp vì dự án mang tên tiếng Việt nên đơn vị bán hàng đã đổi tên dự án để phục vụ cho chiến lược quảng bá, tiếp thị và phân phối sản phẩm ra thị trường.
Hiện Bộ Xây dựng đang xin đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tại khoản 3 Điều 22 Luật này quy định: “Tên của dự án phát triển nhà ở, của khu nhà ở phải sử dụng bằng tiếng Việt Nam và không được viết tắt”
Theo quan điểm của nhiều doanh nghiệp, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp đặt tên dự án theo tiếng Việt, chứ không nên cấm đặt tên bằng tiếng nước ngoài. Bởi mỗi Doanh nghiệp với một chiến lược kinh doanh riêng cần sử dụng tên dự án vào mục đích đầu tư, truyền thông, làm thương hiệu của mình.
Một số ý kiến của những chuyên gia, chuyên môn cũng cho rằng, cấm đặt tên nước ngoài cho dự án BĐS là quy định cứng nhắc, không nên đưa vào luật. Theo G.S Đặng Hùng Võ, các dự án thì cũng có một cái tên nước ngoài, không ai cấm nhưng phải có một cái tên tiếng Việt.
“Tôi cho rằng quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) không phải quy định cứng như vậy, mà là quy định không được chỉ đặt tên nước ngoài, còn việc đặt thêm tên nước ngoài để quảng bá quốc tế, mà đặc biệt là Bộ Xây dựng lại đang xây dựng quy định mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, điều này không trở ngại gì cả.” G.S Võ nói
Còn chủ tịch Nam Long cho rằng, quy định này sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DN đang kêu gọi vốn hoặc hợp tác cùng các đối tác nước ngoài. Đồng tình với quan điểm này, đại diện của Phú Mỹ Hưng cho rằng, sẽ khó khăn trong việc diễn đạt đặc điểm, tính chất, vị trí địa lý của dự án.

Theo Trí Thức Trẻ