Các ngân hàng rục rịch báo lãi 9 tháng

Tiên liệu trước khó khăn, các nhà băng đặt chỉ tiêu lợi nhuận khiêm tốn và chuyển hướng sang mảng cho vay cá nhân nên hầu hết đều đạt kế hoạch đề ra.

Cuối tháng 10, mới một ngân hàng thuộc “top” dưới là Xăng dầu Petrolimex (PGBank) công bố kết quả kinh doanh quý III. Sau 9 tháng, nhà băng này lãi 60 tỷ đồng và hầu hết các mảng kinh doanh đều không lỗ. 
Chưa chính thức công bố báo cáo tài chính nhưng trao đổi với VnExpress.net, hầu hết nhà băng lớn cho biết đều có lãi, lợi nhuận ước đạt chỉ tiêu các cổ đông giao phó.
Ông Phan Đức Tú – Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết lợi nhuận sau 9 tháng khoảng 3.800 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch năm. Ngân hàng này cũng vừa nộp hồ sơ niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM sau lần đầu không thành công.
Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) chưa công bố lợi nhuận nhưng báo cáo của SSI Research và một số công ty chứng khoán cho hay, Vietcombank ước lợi nhuận trước dự phòng rủi ro là 6.700 tỷ đồng và lãi trước thuế sau 9 tháng khoảng 4.000 tỷ đồng, tương đương 69% kế hoạch cả năm.
Ông Phan Huy Khang – Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín dự kiến mức lãi khoảng 2.200 tỷ sau 9 tháng. Đến hết tháng 9, tín dụng tại Sacombank tăng trưởng khoảng 13% và cả năm có thể đạt mốc 18%. Nợ xấu ước khoảng 2,26% tổng dư nợ. “Sacombank cũng đang làm việc để bán khoảng 1.000 tỷ nợ xấu cho VAMC”, vị lãnh đạo này cho biết.
Là một trong số những đơn vị có thế mạnh cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) chưa đưa ra con số lãi cụ thể nhưng đơn vị này cho hay lợi nhuận không cao vì doanh nghiệp khó khăn, tín dụng khó đẩy mạnh. Một lãnh đạo cấp cao của Seabank cho biết, hết tháng 9, tín dụng tăng khoảng 7% nhưng nhìn chung vẫn khá ì ạch do khối SME vốn là chủ lực đang đi xuống. “Kết quả kinh doanh cuối cùng đang chờ được kiểm toán nhưng nhìn chung lợi nhuận cũng đạt được hai phần ba kế hoạch”, vị lãnh đạo này cho hay. 
Sức khỏe của doanh nghiệp suy kiệt, cầu tín dụng thấp và lãi suất cho vay giảm mạnh là những lý do chính khiến các nhà băng không còn lãi lớn trong các mùa báo cáo gần đây. Tuy nhiên, sau 9 tháng, hầu hết các đơn vị vẫn tự tin cho biết không phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh bởi nhìn chung đều đạt tiến độ. Một lãnh đạo của ngân hàng lớn lý giải: “Việc các đơn vị đạt kế hoạch kinh doanh phần lớn do từ đầu năm đã tiên liệu trước khó khăn, cổ đông cũng không dám giao chỉ tiêu trên trời nữa”.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có nợ xấu ngấp nghé trên 3% cho biết năm 2013, những ngân hàng giữ được lợi nhuận khá là những đơn vị đòi, thu hồi nợ tốt. “Tháng nào xử lý nợ tốt, thu hồi nợ xấu hiệu quả thì được hoàn nhập dự phòng, đưa kết quả thu nhập tăng lên đột biến. Nói một cách khác, xử lý được nợ xấu thì đầu óc cũng thoải mái mà yên tâm tạo nguồn thu”, ông cho biết.
Ngoài những lý do trên, không ít ngân hàng giữ được nguồn thu nhập nhờ phát triển mảng bán lẻ, cho vay cá nhân trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã kiệt quệ. Ông Phan Huy Khang, lãnh đạo Sacombank cho biết, tỷ trọng lợi nhuận năm nay có thay đổi đôi chút, nguồn thu từ khách hàng cá nhân tăng trưởng so với cùng kỳ và đóng góp khoảng 45% lợi nhuận chung. 
Một khảo sát gần đây của Ernst & Young (EY) với lãnh đạo của 50 định chế tài chính tại 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh, trong đó có Việt Nam cũng chỉ ra rằng, các ngân hàng đều dự đoán số khoản vay cá nhân sẽ tăng đáng kể trong tương lai. “Các ngân hàng Việt Nam tỏ ra kỳ vọng về sản phẩm thẻ tín dụng. Ngoại trừ cho vay căn cứ vào lương, các nhà băng kém tin tưởng về nhu cầu cho vay có tài sản đảm bảo. Khi nợ xấu cao kéo dài hiện nay, việc cho vay theo lương đang là một trong những sản phẩm hiệu quả trong quản lý rủi ro tín dụng”, báo cáo của EY cho biết.
Về việc tắc nghẽn tín dụng và áp lực tỷ lệ lãi cận biên đang suy giảm hiện nay, ông Ian Baggs, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng và thị trường Vốn toàn cầu của EY cũng khuyên các nhà băng nên đa dạng các sản phẩm cho vay. “Ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp rất phụ thuộc vào vay vốn ngân hàng, còn nhà băng phụ thuộc vào thu nhập từ lãi cho vay tín dụng. Ở các thị trường khác, đã có sự dịch chuyển vào những nguồn vay ở các kênh khác như như thị trường nợ, trái phiếu, cổ phiếu”, lãnh đạo EY gợi ý.

Theo Vnexpress