Từ năm 2005, TĐKT nhà nước đã ra đời bằng chủ trương thí điểm, với kỳ vọng trở thành “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, các tập đoàn kinh tế (TĐKT) của Nhà nước đều được hình thành từ quyết định hành chính trên cơ sở tổ chức lại tổng công ty (TCT) nhà nước, chưa có TĐKT nào được hình thành trên cơ sở các doanh nghiệp (DN) tự phát triển, tích tụ và tập trung vốn, đầu tư chi phối các DN khác bằng các biện pháp sáp nhập, mua cổ phần, góp vốn để hình thành các liên kết bền chặt và phát triển thành TĐKT.
Cũng chưa có TĐKT nào được thành lập do các DN độc lập tự nguyện liên kết với nhau để tạo thành TĐKT có tiềm lực kinh tế, tài chính đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; sau đó, tiếp tục sử dụng tiềm lực đó để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, lĩnh vực hoạt động và đầu tư thâm nhập, thôn tính các DN khác để phát triển tập đoàn.
Nhiều bộ, ngành không thể “đụng”
Từ năm 2005, TĐKT nhà nước đã ra đời bằng chủ trương thí điểm, với kỳ vọng trở thành “quả đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, nhiều “quả đấm thép” đã tan chảy, khiến kỳ vọng trở thành… thất vọng. Tại Hội nghị Chính phủ với các TĐKT, TCT nhà nước diễn ra ngày 16/1/2013, báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Trung ương cho thấy mức lỗ phát sinh của tất cả các tập đoàn, TCT năm 2012 là 2.253 tỷ đồng, trong đó có một số DN lỗ liên tiếp 2 năm gần đây. Đáng lưu ý là có 10 tập đoàn, TCT đã lỗ lũy kế 17.730 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, TCT nhà nước là 735.293 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2011.
Vẫn theo báo cáo trên, tổng tài sản của các TĐKT nhà nước và TCT năm 2012 là hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011. Tổng nợ phải trả của các DN này là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân 1,82.
Do địa vị pháp lý của TĐKT nhà nước được quy định trong Nghị định 101 quá cao, khiến nhiều bộ, ngành không thể “đụng” đến tập đoàn. Theo Nghị định 101, hội đồng quản trị (HĐQT) các tập đoàn có từ 5 – 9 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hoặc thay thế, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành. Chủ tịch HĐQT có quyền quyết định đầu tư thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty con là công ty TNHH MTV với mức vốn điều lệ của mỗi công ty đến 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty mẹ…
Với địa vị như vậy, quyền hạn của chủ tịch HĐQT thậm chí còn vượt cả… Quốc hội, bởi nếu tổng giá trị tài sản tập đoàn, TCT là 100.000 tỷ đồng, thì chủ tịch HĐQT được quyết đến 50%, tức 50.000 tỷ đồng, trong khi chỉ cần 35.000 tỷ đồng là thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Thực tế này khiến việc giám sát TĐKT trở nên khó khăn, với nhiều hàng rào vô hình của chính các cơ quan quản lý nhà nước.
Sự chồng chéo không rõ ràng trong quy định về đại diện chủ sở hữu cũng khiến việc giám sát quản lý TĐKT trở nên khó khăn. Bộ trưởng, Chủ tịch
UBND cấp tỉnh là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DN nhà nước (DNNN) do Bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập; còn Bộ Tài chính thực hiện một số quyền, nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu DNNN; HĐQT là đại diện chủ sở hữu trực tiếp vốn Nhà nước.
Các tập đoàn được quyền chủ động sử dụng vốn Nhà nước giao, các loại vốn khác, các quỹ do các tập đoàn quản lý vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; chịu trách nhiệm về bảo toàn, phát triển vốn, hiệu quả sử dụng vốn.
“Khoảng hở” gây khó cho quản lý
Trên thực tế, việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước đối với TĐKT còn những điểm chưa hợp lý, chưa rõ ràng, còn phân tán vai trò và trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản tại các DN này.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, từ thực tiễn quản lý, điều hành DNNN cho thấy kể từ sau thời điểm Luật DNNN hết hiệu lực đến nay, hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động của khối DNNN phần nhiều dựa vào hệ thống Nghị định, nên thiếu sức nặng so với các quy định ở cấp độ Luật, trong khi Luật DN không mấy phát huy hiệu quả trong điều chỉnh hoạt động của DNNN…
Ủy viên Hội đồng thành viên một DNNN lớn lý giải sở dĩ có tình trạng này là bởi xuất phát từ thực tế DNNN có đặc thù so với các DN cổ phần, cũng như các loại hình DN khác là Nhà nước là người chủ sở hữu DN. Đề cập ý này không phải là tìm cách bao biện cho những yếu kém của DNNN, mà dù muốn hay không, chính đặc thù này làm phát sinh các tình huống, các mối quan hệ trong hoạt động kinh doanh của khối DNNN, mà bản thân Luật DN không thể điều chỉnh trực diện và hiệu quả như đối với công ty cổ phần. Chính “khoảng hở” này đang vừa gây khó cho việc quản lý DNNN, vừa tăng rủi ro trong hoạt động của khối DN này.
Ông Lê Xuân Bá – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng loại bỏ hình thức ưu đãi và bao cấp còn tồn tại, minh bạch hoạt động của DNNN theo các tiêu chí của DN đăng ký trên thị trường chứng khoán; đổi mới cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với DNNN theo hướng cơ quan hoạch định chính sách không đồng thời thực hiện chức năng chủ sở hữu DN chính là đòi hỏi trong quá trình tái cơ cấu khối DN này, để tạo ra sức mạnh thực sự trong vai trò “anh cả” của nền kinh tế.
Theo Thời báo kinh doanh