“Còn TPP thì tôi cho là có câu chuyện kinh tế nhưng về chiều hướng chiến lược của nó thì tôi không hiểu lắm”.
Ông Pierre Defraigne – giám đốc điều hành một viện chính sách mang tên Quỹ Madariaga, Đại học châu Âu – vừa đến thăm Việt Nam để nói chuyện về cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Từng giữ những chức vụ quan trọng trong EU như giám đốc quan hệ Bắc – Nam, phó tổng vụ trưởng Tổng vụ Thương mại, ông Defraigne đã đưa ra một góc nhìn khác về FTA Việt Nam- EU khi hai bên chuẩn bị bước vào giai đoạn đàm phán thứ năm vào cuối năm nay.
* Khi một nước nhỏ như Việt Nam đàm phán FTA với một khối lớn như EU thì điều Việt Nam cần quan tâm là gì?
– Đó là phải chuẩn bị sao cho khi bước vào phòng đàm phán, các bạn cảm thấy sẵn sàng và thoải mái. Với bất cứ bên nào FTA cũng vừa là cơ hội vừa là thách thức. Với Việt Nam, cơ hội có thể là được tiếp cận thị trường mới, và thách thức là cạnh tranh với các doanh nghiệp của cả EU lẫn các nước ASEAN khác vì khi xuất khẩu sang EU, Việt Nam cũng phải đối đầu với người Thái, người Malaysia…
Hơn nữa, EU là một thị trường đòi hỏi cao nên các nhà xuất khẩu của Việt Nam cũng phải cải thiện sản phẩm, dịch vụ của mình. Đó là một số điểm then chốt để có thể xử lý đàm phán theo đúng tinh thần nhằm phát triển tính cạnh tranh của đất nước trên thị trường quốc tế, thông qua đổi mới công nghệ và sáng tạo bên cạnh các yếu tố sẵn có như chi phí lao động.
Một điều kiện khác để có FTA thành công là phải chia sẻ cơ hội. Các chính sách phải phù hợp với bối cảnh của Việt Nam để sao cho lợi ích được chia đồng đều giữa các nhóm khác nhau: người vận hành thị trường, các doanh nhân, công nhân… Các bạn cần có cơ chế đoàn kết khi mở cửa đón nhận cạnh tranh.
* Không mấy khi thấy chuyên gia nước ngoài nhắc đến sự đoàn kết trong FTA. Ông có thể nói rõ hơn ý nghĩa của điều này?
– Tôi tin rằng tự do hóa thương mại luôn tạo ra người thắng, kẻ thua. Nếu anh không có cách thức để chuyển lợi ích cho các bên liên quan thì sẽ tạo ra căng thẳng, bất ổn xã hội trong nước mình. Ở đây chúng ta có một lựa chọn mang tính chính trị: hoặc là đoàn kết đểchia sẻ lợi ích, hoặc là lờ chuyện ấy đi và chấp nhận những chi phí chính trị kèm theo nó.
* FTA giữa Việt Nam và EU là kiểu hiệp định thế hệ mới, không chỉ xử lý các vấn đề liên quan trực tiếp đến thương mại, đầu tư mà còn thương lượng cả các vấn đề về người lao động, môi trường, chống tham nhũng… Việt Nam đã gia nhập WTO và đã tiếp nhận cả quả ngọt lẫn trái đắng khi mới chỉ mở cửa về thương mại và đầu tư. Theo ông, Việt Nam có thể giải quyết cùng lúc các vấn đề khác nhau như vậy trong khuôn khổ FTA với EU?
– Đơn giản mà nói người ta thường coi FTA là phần nối dài cho những việc đã, đang làm. Nhưng trên thực tế, nó mới chỉ là đỉnh của một tảng băng khổng lồ chìm ở dưới.
FTA với EU sẽ thúc đẩy việc cải cách một số lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam vì đúng là FTA thế hệ mới, hay FTA toàn diện, không chỉ nhắc đến xóa bỏ hàng rào thuế quan, đồng bộ tiêu chuẩn… mà còn đưa ra các yêu cầu liên quan đến chính sách cạnh tranh đối với các tập đoàn độc quyền, minh bạch trong mua sắm công, đối xử bình đẳng với các nhà đầu tư trong và ngoài nước… Các chính sách này tạo nên một FTA sâu sắc và toàn diện.
Đúng là có những nỗi lo “phụ” về môi trường, lao động, quản trị tốt. Đây là những mục tiêu mang tính chính trị nhiều hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nhưng chúng không có cùng sức mạnh ràng buộc (như các điều kiện về thuế… ), bởi vậy chúng ta phải phân biệt rõ ràng giữa hai nhóm này.
Tôi tin rằng chúng ta cần quan tâm chủ yếu tới nhóm vấn đề thứ nhất là thuế và coi nhóm thứ hai về môi trường, lao động, quản trị là thể hiện việc các đối tác đàm phán cùng chia sẻ các quan tâm về mặt chính trị.
* Cùng lúc, Việt Nam đang tham gia đàm phán một số FTA khác mà nổi nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), liệu ông có so sánh nào giữa hai FTA này?
– Việt Nam đang là thành viên đàm phán FTA với EU và TPP, trong tương lai không xa là khu vực thương mại tự do ASEAN. Với tôi, sự khác biệt chủ yếu có lẽ là EU chỉ theo đuổi các mục tiêu kinh tế: cải thiện quan hệ thương mại với Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ EU sang Việt Nam và ngược lại… Đó là tầm nhìn của EU.
Còn TPP thì tôi cho là có câu chuyện kinh tế nhưng về chiều hướng chiến lược của nó thì tôi không hiểu lắm.
* Vậy ông có nghi ngờ đối với TPP?
– Chắc chắn tôi sẽ không dùng FTA vào mục đích chiến lược. Tôi nghĩ như vậy nó sẽ phản ánh thành kiến chính trị và đi ngược lại logic về thị trường toàn cầu và tự do thương mại. Tôi tin rằng chúng ta không thể dùng một FTA quy mô cỡ như TPP cho các mục đích chiến lược. Tôi tin rằng đây có thể là điều gì đó đi ngược lại lợi ích của chính các bên tham gia. Quan điểm của tôi vẫn là FTA chỉ nên tập trung vào đầu tư và thương mại. Chấm hết.
Riêng EU có một chương trình nghị sự đơn giản: đầu tư và thương mại. Mối quan tâm thứ hai là hiệp định giữa hai khu vực EU và ASEAN. Chúng tôi không đi xa hơn nữa, không có những cân nhắc địa chính trị ngoài những ưu tiên kinh tế rõ ràng.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Tuổi trẻ