Việc bán 100% vốn cho ngân hàng ngoại không đáng ngại, vì họ sẽ đem những công nghệ quản trị tiên tiến vào cải thiện, tái cấu trúc cho ngân hàng Việt.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chúng ta nên mạnh dạn bán cả một ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại. Như vậy, sẽ có nguồn vốn thực từ nước ngoài đổ vào để tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam.
Kinh nghiệm các nước
Ngân hàng là một lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng đến tình hình tài chính quốc gia, nên thông thường nước nào cũng có những quy định pháp lý rất chặt chẽ đối với ngành này. Kinh nghiệm khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, mỗi quốc gia có những quy định hạn chế ở những mức độ khác nhau.
Ví dụ như Trung Quốc, Luật Ngân hàng cho phép một nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu nhiều nhất là 20% tổng số cổ phần trong một NHTM. Bất kỳ việc góp vốn mua cổ phần nào của nhà đầu tư nước ngoài phải được ngân hàng Trung ương Trung Quốc phê chuẩn.
Tuy vậy, theo các cam kết của Trung Quốc khi gia nhập WTO, quốc gia này sẽ phải loại bỏ các giới hạn về đầu tư trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng của mình từ năm 2006. Khi đó, các ngân hàng nước ngoài sẽ không phải chịu bất kỳ giới hạn nào khi mua cổ phiếu của các NHTM.
Trên thực tế, các NHTM Trung Quốc có quy mô rất lớn so với NHTM của Việt Nam hay các nước châu Á khác. Năm 2004, HSBC mua 19,9% cổ phần của ngân hàng Trung Quốc có tên là The Bank of Communication Limited với giá 1,74 tỷ USD. Con số này cho thấy tổng số vốn cổ phần của ngân hàng này có thể lên tới 8,74 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với các NHTM Việt Nam.
Trong khi đó, các NHTM Ấn Độ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu đến 74% tổng số cổ phần, tuy việc góp vốn mua cổ phần vẫn phải được Ngân hàng Trung ương Ấn Độ thông qua. Đa số các nước trong khu vực không hạn chế và thường cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được mua đến 100% vốn cổ phần của các NHTM trong nước như: Inđônêxia, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines.
Thực tế ngân hàng Việt
Lộ trình dòng vốn ngoại tham dự vào thị trường tài chính-ngân hàng của chúng ta được thực hiện theo các cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO.
Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/1/2011 các ngân hàng ngoại 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam được đối xử quốc gia đầy đủ, nghĩa là Việt Nam phải dành cho hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp nước ngoài sự đối xử bình đẳng như hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp trong nước.
Hiện đã có 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam là: ANZ, HSBC Việt Nam, Standard Chartered Bank, Shinhan, HongLeong Bank.
Như vậy, việc UOB (United Oversea Bank – Singapore) đánh tiếng mua đứt GPBank cũng nằm trong tiến trình thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập các tổ chức quốc tế, cụ thể ở đây là WTO.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, về mặt pháp lý việc bán 100% vốn cổ phần của ngân hàng trong nước cho một nhà đầu tư nước ngoài cũng không khác gì việc nhà đầu tư nước ngoài đó thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại tại Việt Nam.
Nhìn sự việc thì nhiều người có thể hiểu đây là việc “đi tắt đón đầu” của nhà đầu tư ngoại so với việc xin giấy phép để thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại. Nhưng trong vấn đề này điều cuối cùng là vốn hoạt động sẽ là 100% vốn ngoại. Chúng ta nên mạnh dạn bán cả một ngân hàng cho nhà đầu tư ngoại. Như vậy, sẽ có nguồn vốn thực từ nước ngoài đổ vào để tái cơ cấu các ngân hàng Việt Nam.
Ông Đặng Quốc Tiến, Phó tổng giám đốc MB cho rằng, chúng ta cũng nên mạnh dạn để các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào lĩnh vực ngân hàng nhiều hơn nữa.
“Việc bán 100% vốn cho ngân hàng ngoại không đáng ngại, vì họ sẽ đem những công nghệ quản trị tiên tiến vào cải thiện, tái cấu trúc cho ngân hàng Việt. Và điều này cũng tốt vì đây là vốn thực để giúp cho việc tái cấu trúc ngân hàng hiệu quả và nhanh chóng hơn”.
Điều cốt lõi ở đây là giá cả sẽ như thế nào để hai bên gặp nhau. Vì hơn một năm trước đây, Ban Quản trị và Ban điều hành của một NHTMCP đã sang tận Singapore tìm vốn ngoại để thực hiện tái cơ cấu, nhưng do không thỏa thuận được giá cả cũng như điều kiện đưa ra nên giờ đây ngân hàng này đã được tái cơ cấu dưới một cái tên mới toanh, với sự góp vốn của “sức mạnh Việt”.
Trong báo cáo thường niên năm 2010, GPBank đang có vốn điều lệ khoảng 3.000 tỷ đồng. Năm 2006 GPBank công bố đối tác chiến lược là PetroVietnam, cổ đông nắm giữ cổ phần trên 5% là CTCP Quản lý quỹ FPT 5,84%. Vậy nếu được phép bán thì với giá bao nhiêu?
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức giá mà GPBank đưa ra có thể cao hơn giá trị sổ sách từ 2-3 lần thì nhà đầu tư ngoại vẫn chấp nhận được nếu họ kỳ vọng vào tiềm năng.
Còn theo một chuyên gia kinh tế, dù giá là bao nhiêu thì UOB vẫn muốn mua vì sau vụ mua bán này UOB được lợi quá nhiều thứ về mạng lưới, nhân lực, tư cách pháp nhân ngân hàng… dựa trên những nền tảng sẵn có và phát triển nó thành một ngân hàng nội với sức mạnh ngoại.
Tuy nhiên, hiện tại, các văn bản pháp quy liên quan đến khả năng sở hữu một ngân hàng Việt Nam thông qua hành vi mua – bán chưa thể thực hiện được nếu giới hạn tỷ lệ nắm giữ cổ phần của khối ngoại, được quy định tại Nghị định 69, chưa được chỉnh sửa hoặc thay thế.
Theo Thời báo Ngân hàng