Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc đấu thầu vàng đã cơ bản giải quyết được tình trạng đầu cơ, trong khi quan điểm từ các chuyên gia tài chính thì lại ngược lại.
Ngân hàng: hết tình trạng “vàng hóa”….
Ngày 04/10/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng lần thứ 63 với tổng khối lượng trúng thầu đạt 14.800 lượng trên tổng số 15.000 lượng chào thầu. Như vậy, từ ngày 28/3/2013 đến ngày 04/10/2013, NHNN đã tổ chức 63 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.625.900 lượng trên tổng số 1.732.000 lượng chào thầu, tương đương với lượng vàng bán ra khoảng 60 tấn.
Trong một báo cáo gần đây, Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) cho biết, trong tổng số khối lượng vàng miếng trúng thầu, có gần 30 tấn được các tổ chức tín dụng (TCTD) sử dụng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng, phần còn lại các TCTD, doanh nghiệp trúng thầu đã sử dụng để bán lại trên thị trường.
Vụ Quản lý Ngoại hối cho rằng, với việc áp dụng các giải pháp để can thiệp trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, nhu cầu về vàng miếng được đáp ứng, trong đó có nhu cầu mua vào trên 100 tấn vàng của các TCTD trong hơn một năm qua để có đủ lượng vàng trả lại cho người gửi vàng khi đến hạn; tình trạng đầu cơ vàng đã được ngăn chặn, cung – cầu vàng miếng trên thị trường đã thu hẹp.
Theo thống kê của NHNN, đến nay có 38 TCTD, doanh nghiệp được cấp phép và gần 2.500 địa điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. NHNN đã áp dụng các giải pháp hiệu quả nhằm đẩy nhanh quá trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng và yêu cầu các TCTD tất toán số dư huy động vốn bằng vàng, giảm dư nợ cho vay vàng.
Đến nay, tổng dư nợ bằng vàng của toàn hệ thống đã giảm gần 70% và chiếm tỷ lệ không đáng kể so với tổng dư nợ cho vay của hệ thống đối với nền kinh tế. Toàn bộ số dư giữ hộ vàng đã được hạch toán ngoại bảng, các TCTD không được sử dụng vàng giữ hộ dưới mọi hình thức. NHNN cho rằng đã loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng ra khỏi hoạt động của TCTD, chấm dứt tình trạng “vàng hóa” chính thức trong hệ thống TCTD, làm giảm tính hấp dẫn của vàng miếng, giảm thiểu hoạt động đầu cơ quá mức vào vàng.
Chuyên gia: chỉ có lợi cho vài người
Trong một bản kiến nghị nhằm tăng thu ngân sách nhà nước mới được đưa ra, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt nam (VAFI) cho rằng, phải đưa kinh doanh vàng miếng, vàng nhẫn vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, giống như các mặt hàng bia giải khát, ôtô, xe máy…, vì bản chất của vàng miếng, vàng nhẫn là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết.
VAFI cho rằng, để nguời dân yên tâm thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động mua vàng miếng, vàng nữ trang (với thuế suất 20%), còn với hoạt động bán vàng cho NHNN theo giá thế giới thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hiệp hội này khẳng định chỉ có duy nhất giải pháp này mới chấm dứt đuợc tình trạng “vàng hóa”, “đô la hóa”, bởi giải pháp đấu thầu vàng miếng không giải quyết được tình trạng “vàng hóa” đất nước và chỉ có lợi cho vài công ty kinh doanh vàng, còn đại bộ phận nguời mua vàng đều không được hưởng lợi và ngược lại là thua lỗ lớn. Thực tế vận động của giá vàng trong 2 năm qua đã chứng minh điều này.
Theo Pháp luật Việt Nam