Có phải mì gói Miliket đã lỗi ‘mốt’?

Điểm yếu của Miliket nằm ở việc độ phủ kênh phân phối của Miliket thấp. Vấn đề về doanh thu của Miliket không cao là do nhiều người đã không thể mua được sản phẩm dù họ thực sự có nhu cầu.
Mì ăn liền Kinh Đô dự kiến ra mắt vào tháng 9


Nội dung nổi bật:

Vấn đề: Nhiều người cho rằng bao bì này đã lỗi thời và cần phải đổi mới. 

Điểm mạnh – yếu: Miliket có một định vị tốt trong tâm trí người tiêu dùng với hình ảnh hai con tôm trên bao giấy. Điểm yếu của Miliket nằm ở việc độ phủ kênh phân phối của Miliket thấp. 

Khắc phục: Công ty Colusa – Miliket cần tăng độ phủ rộng của kênh phân phối, chứ không phải là tăng kinh phí quảng cáo theo kiểu “dội bom” hay thay đổi bao bì! 
Hiện nay, nhiều ý kiến của các nhà phân tích cho rằng Công ty Colusa – Miliket với thương hiệu mì ăn liền Miliket đang ngày càng bị lép vế trên thị trường mì ăn liền cạnh tranh khốc liệt do mẫu mã sản phẩm bị lỗi mốt, ít dòng sản phẩm và không quảng cáo rầm rộ. Việc công ty gặp khó khăn là điều rõ ràng, tuy nhiên, việc nhận định rằng nguy cơ công ty có thể bị lâm vào khủng hoảng e là quá chủ quan.
Miliket có khả năng nhận diện thương hiệu rất tốt khi có nhiều người Việt Nam đã làm quen với nhãn hiệu từ thời bao cấp. Miliket thường là lựa chọn số 1 của nhiều người, đặc biệt khi ăn lẩu. Người ta thích ăn Miliket không chỉ vì hương vị ngon mà bởi vì nó gắn với những kỷ niệm về những năm tháng khó khăn thời bao cấp đã in sâu trong tâm trí người Việt Nam. Vì vậy, những người yêu thích sản phẩm mì này nhất thường là những người có độ tuổi trung niên hay cao tuổi.
Tôi thích ăn mì ăn liền và tôi là một khách hàng trung thành của Miliket, tuy nhiên lại ít khi có thể tìm mua được. Có lần khi chuẩn bị cho bữa lẩu với mấy người bạn thân, tôi đã đi khoảng 5 cây số, dạo qua 6 cửa hàng thực phẩm nhưng không có cửa hàng nào bán mì miliket. 
Một người bà con xa của tôi ở Thành phố Vinh, Nghệ An phàn nàn rằng, ở đó khó tìm mua được mì Miliket. Ông ra Hà Nội chơi, trong giỏ quà mang về quê của ông có mang theo những gói mì Miliket. Một lần khác đi siêu thị, khi thấy xe đẩy hàng của tôi có sản phẩm mì Miliket, một bác đã hỏi ngay tôi là mua mì ở đâu và sau khi được chỉ dẫn, đã khá vui vẻ khi mua được loại mì mà mình yêu thích.
Vì vậy theo tôi, điểm yếu của Miliket nằm ở việc số điểm bán lẻ tới tay người tiêu dùng của công ty quá ít so với các hãng hãng khác. Do vậy mà những người có nhu cầu mua nhiều khi không thể mua được do cửa hàng không bán.
Vì vậy, nếu cần phải cải thiện điều gì ngay lập tức đối với công ty thì đó chính là cần tăng độ phủ rộng của kênh phân phối chứ không phải là quảng cáo theo kiểu “dội bom” như nhiều công ty khác đang làm.
Sở dĩ những hãng mì ăn liền khác phải quảng cáo theo kiểu “dội bom” trên truyền hình là vì họ cần phải định vị sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiệu quả của những chiến dịch quảng cáo tốn kém này là một dấu hỏi. Đã có nhiều bài báo nghi ngờ về sự thành công của một vài sản phẩm mì ăn liền mặc dù được đầu tư kinh phí quảng cáo lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Khác với những sản phẩm khác, Miliket có một định vị tốt trong tâm trí người tiêu dùng và nhãn hiệu cũng dễ nhận biết với hình ảnh hai con tôm trên bao giấy. 
Nhiều người cho rằng bao bì này đã lỗi thời và cần phải đổi mới. Tuy nhiên, nếu Miliket thay đổi nhãn hiệu, họ đang yêu cầu người tiêu dùng phải tinh mắt hơn để “phát hiện” sản phẩm trên một kệ hàng có đến hàng chục loại mì khác nhau mà bao bì lại na ná giống nhau!
Vì vậy, nếu nói về điểm cần phải cải thiện ngay lập tức của Công ty Colusa – Miliket thì đó là cần tăng độ phủ rộng của kênh phân phối chứ không phải là tăng kinh phí quảng cáo theo kiểu “dội bom” hay thay đổi bao bì! Miliket cần sử dụng sự định vị là truyền thống để cạnh tranh với sự định vị hiện đại của nhiều thương hiệu mì ăn liền khác.

Theo CafeF/Trí Thức Trẻ