Theo các chuyên gia M&A, các NĐT nước ngoài mua cổ phần DN đầu ngành sản xuất Việt Nam không chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính, mà có thể có toan tính dài hơi hơn.
Thời gian qua, nhà đầu tư (NĐT) không khỏi ngỡ ngàng khi một số doanh nghiệp nước ngoài bất ngờ tăng thu gom cổ phiếu, theo cả dạng công khai và “đi đêm”. Hàng triệu cổ phiếu của tập đoàn, doanh nghiệp đầu ngành đã được sang tay nhanh chóng. Đây đơn thuần là hoạt động đầu tư tài chính hay ẩn chứa đằng sau đó một toan tính khác?
Thương vụ chuyển nhượng cổ phần đáng chú ý nhất tuần qua chính là việc cổ đông lớn nhất – Orchid Fund (quỹ đầu tư từ Singapore) đã bán toàn bộ 29,16 triệu cổ phần, chiếm 10,66% vốn của Tập đoàn FPT. Sau gần 2 năm đầu tư và nỗ lực tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu FPT, đến giờ, Orchid Fund bất ngờ rút đi với lý do chung rằng muốn “cơ cấu danh mục đầu tư”.
Khối ngoại tăng mua FPT
Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM, việc chuyển nhượng hơn 29 triệu cổ phiếu FPT đã diễn ra trong 3 phiên giao dịch liên tiếp đầu tháng 9 vừa qua. Lô hàng này nhanh chóng được khớp lệnh, giảm dần tỷ lệ sở hữu của Orchid Fund tại FPT xuống còn 4,08%, 3,61% và đến giờ là 0%. Theo mức giá giao dịch thỏa thuận thời điểm đó là
45.000 đồng/cổ phiếu, ước tính, Orchid Fund đã thu về hơn 1.300 tỷ đồng (khoảng 60 triệu USD).
Trong động thái mua vào, theo công bố của Tập đoàn FPT ngày 10/9, nhóm 6 cổ đông nước ngoài đã tăng tỷ lệ nắm giữ thêm 3,54 triệu cổ phiếu, chiếm 6,3% vốn của FPT. Trong đó, có 5 cổ đông đã tăng mua vào cổ phiếu FPT, bao gồm công ty Amersham Industries Limited (hiện nắm 1,74%), Balestrand Limited (nắm 0,17%), Grinling International Limited (nắm 0,14%), Vietnam Enterprise Investment Limited (nắm 1,72%), ngân hàng Norges (nắm 1,03%)…
Như vậy, còn hơn 25,62 triệu cổ phiếu FPT mà Orchid Fund bán ra hiện chưa rõ người mua là ai. Nhưng theo các nhà đầu tư đồn đoán, có thể một quỹ đầu tư lớn hay công ty nước ngoài đã gom hết số cổ phiếu này. Người mua phải có tiềm lực tài chính mạnh mới dám chi tới hơn 1.150 tỷ đồng.
Việc đầu tư nắm giữ cổ phần lớn của FPT sẽ đem lại lợi ích lớn trên nhiều phương diện. Vì FPT là DN lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông với lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Dù kinh tế khó khăn, kết quả kinh doanh của FPT vẫn khá ấn tượng. Doanh thu toàn tập đoàn trong 7 tháng năm 2013 đạt 14.712 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ 2012. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.180 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 2 mảng đóng góp nhiều nhất vào lợi nhuận của tập đoàn là công nghệ và viễn thông (chiếm 76% tổng lợi nhuận) với mức tăng trưởng trên 20%.
Có “gây bão”?
Thời gian qua, động thái tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các NĐT nước ngoài đang có xu hướng gia tăng tại một số doanh nghiệp (DN) sản xuất lớn của Việt Nam.
Trong năm 2012, The Nawaplastic Industries (Saraburi), công ty chuyên sản xuất ống nhựa PVC của Thái Lan, đã “gây bão” trên TTCK khi mua gom lượng lớn cổ phiếu của 2 DN nhựa hàng đầu Việt Nam là Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (mã NTP) và Công ty CP nhựa Bình Minh (mã BMP). Cụ thể, Saraburi mua gần 9,8 triệu cổ phiếu NTP và gần 6 triệu cổ phiếu BMP, nâng tỷ lệ sở hữu lần lượt lên mức 22,67% vốn và 16,72% vốn, trở thành cổ đông lớn của 2 công ty này.
Sau thương vụ đình đám này, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Nhựa Tiền Phong, tỏ ra không lo ngại về nguy cơ bị DN nhựa Thái Lan thâu tóm, thao túng thị trường nội địa.
Theo ông Phúc, SCIC, cổ đông Nhà nước, nắm giữ 37,1% vốn cùng với số cổ phần của các cổ đông khác vẫn lớn hơn tỷ lệ chi phối (trên 51%). Đây sẽ là đối trọng với cổ đông ngoại này, ngăn cản sự thâu tóm công ty.
Thực tế, từ khi nhảy vào NTP cho đến trước Đại hội cổ đông năm 2013, Saraburi không có động thái đưa người đại diện vào ban điều hành, tham gia quản trị của NTP và BMP.
Tuy nhiên, cuối tháng 3/2013, Saraburi tiếp tục mua gom cổ phiếu, nâng tỷ lệ nắm giữ tại NTP và BMP lần lượt lên
20,4% và 23,84%. Tiếp đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2013, người đại diện của Saraburi đã chính thức tham gia vào HĐQT và Ban kiểm soát của 2 công ty, bắt đầu lộ rõ ý định nắm quyền điều hành DN.
Thậm chí, đại diện Saraburi cũng bỏ ngỏ khả năng tăng sở hữu tại NTP và BMP lên tối đa là 49% vốn. Khi ấy, dù không nắm quyền chi phối (trên 51% vốn) nhưng vị thế và tiếng nói của Saraburi trong DN nhựa rõ ràng sẽ có “trọng lượng” hơn.
Ngoài ra, cũng trong năm 2012, một số NĐT ngoại đã tăng tỷ lệ sở hữu tại các DN lớn, đứng đầu nhiều ngành hàng quan trọng như điện tử, dược phẩm… Đơn cử, Công ty Platinum Victory PTE Ltd đã trở thành cổ đông lớn nhất khi tăng sở hữu cổ phần tại Công ty CP Cơ điện lạnh (mã REE) lên 10,24% thông qua mua gom cổ phiếu qua sàn. Hiện, Platinum Victory PTE nắm giữ hơn 25 triệu cổ phiếu REE.
Được biết, chủ sở hữu của Platinum Victory PTE là một công ty lớn của Singapore, chuyên phân phối ôtô tại khu vực Đông Nam Á cũng chiếm cổ phần lớn tại Công ty ôtô Trường Hải. Giữa năm 2012, công ty dược phẩm lớn nhất Chi Lê là CFR International Spa đã mua lại gần 46% cổ phần của Công ty CP xuất nhập khẩu y tế Domesco…
Theo các chuyên gia M&A, các NĐT nước ngoài mua cổ phần DN đầu ngành sản xuất Việt Nam không chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính, mà có thể có toan tính dài hơi hơn. Có thể là một cuộc thâu tóm hoặc là trở thành đối tác chiến lược lâu dài cùng khai thác thị trường? Vì các DN lớn của Việt Nam có mạng lưới phân phối rộng khắp, chiếm thị phần lớn, uy tín và các mối quan hệ kinh tế… có thể hỗ trợ đắc lực cho DN nước ngoài đưa sản phẩm vào thị trường nội địa.
Về mức trần sở hữu tối đa là 49%, NĐT nước ngoài vẫn có thể tăng tầm ảnh hưởng của mình thông qua các pháp nhân khác có sở hữu cổ phần tại DN. Do thế, cuộc “xâm lấn” của DN nước ngoài vào những ngành sản xuất có mức tăng trưởng tốt, thị trường tiềm năng và triển vọng phát triển lâu dài tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu.
Theo Thời báo kinh doanh