Vì sao Viettel lại “ghen tị” với Samsung?

Cho rằng mình đang chịu bất lợi trong cạnh tranh với công ty nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, Viettel vừa kiến nghị Thủ tướng miễn thuế nhập khẩu như công ty nước ngoài.

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) mới đây đã có công văn gửi Thủ tướng và Bộ Tài chính bày tỏ những khó khăn, bất lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện thoại di động, công văn do Tổng Giám đốc Viettel, Trung tướng Hoàng Anh Xuân ký.
Theo trình bày của Viettel tại công văn trên thì hiện nay các công ty sản xuất điện thoại trong nước đang gặp nhiều bất lợi so với các hãng nước ngoài sản xuất điện thoại di động tại Việt Nam.
Cụ thể là ở thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ thường từ 15% đến 25%. Vì thế, sản phẩm điện thoại di động do công ty trong nước sản xuất sẽ có giá cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại nhập nguyên chiếc.
Cũng theo Viettel, biểu thuế suất ban hành kèm theo Thông tư 193/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 15/12/2012 thì thuế nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc là 0%, trong khi đó thuế nhập khẩu linh kiện ngành sản xuất trong nước cao đến 25% thì Viettel cho dù nỗ lực nghiên cứu sản xuất cũng đang chịu bất lợi trong cạnh tranh.
Theo điều tra của Tập đoàn Qualcomm, năm 2012 Việt Nam đã nhập khẩu 17 triệu chiếc điện thoại các loại, chiếm hơn 70% nhu cầu của thị trường trong nước.
Đáng chú ý hơn là Viettel cho rằng họ đang chịu thiệt thòi về ưu đãi thuế so với hãng sản xuất điện thoại di động nổi tiếng đến từ Hàn Quốc là Samsung Electronics Việt Nam (SEV), doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Viettel cho rằng, Việt Nam không những thu hút các hãng điện thoại di động lớn xây nhà máy sản xuất bởi nguồn lao động dồi dào mà còn được ưu đãi của Chính phủ, điển hình như Sam Sung.
“SEV được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ phục vụ cho sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa sản xuất được những nguyên liệu, vật tư, linh kiện đó. Tháng 9/2012, SEV còn được hưởng mức ưu đãi cao nhất dành cho nhà đầu tư tại VN về thuế nhập khẩu.” Công văn nêu rõ.
“Như vậy, so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ, trong khi phải đối đầu với rất nhiều thách thức. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước như Viettel đang rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ban, ngành để phát triển lĩnh vực sản xuất điện thoại di động”, công văn của Viettel viết.
Viettel cho biết, để ngành sản xuất điện thoại di động phát triển, góp phần thực hiện thành công Đề án của Chính phủ sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông vào năm 2020.
Viettel đã kiến nghị Thủ tướng và Bộ Tài chính xem xét, đưa ra các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất di động trong nước, đặc biệt trong giai đoạn khởi đầu khó khăn như hiện nay.
Theo đó, Tập đoàn Viettel đã kiến nghị Thủ tướng:
-Miễn thuế nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp điện thoại di động, không phân biệt trong nước đã sản xuất được hay chưa cho công ty mẹ – Viettel và các công ty con do tập đoàn sở hữu 100% vốn điều lệ. Thời gian xin miễn thuế là 5 năm, kể từ năm 2013 đến hết năm 2017.
-Đồng thời, Viettel cũng xin áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi 10% cho thu nhập từ việc bán sản phẩm điện thoại di động do Viettel sản xuất, lắp ráp trong nước.
Công văn của Viettel được gửi đi vào ngày 31/7/2013, và hiện vẫn chưa rõ kiến nghị của tập đoàn này có được chấp thuận hay không.

Theo Trí Thức Trẻ