Việc phải chấm dứt đấu thầu vàng miếng có thể khẳng định. Bởi lẽ, kinh doanh vàng không phải là chức năng của NHNN.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 53 phiên đấu thầu và bán ra gần 55 tấn vàng. Đây là chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép với mục tiêu chống “vàng hóa”, tách vàng khỏi hệ thống tiền tệ…
Câu hỏi được đặt ra: Khi nào thì NHNN sẽ chấm dứt việc đấu thầu vàng miếng? Chắc chắn, ngoài NHNN, không cơ quan nào có thể trả lời được câu hỏi trên. Song, việc phải chấm dứt đấu thầu vàng miếng có thể khẳng định. Bởi lẽ, kinh doanh vàng không phải là chức năng của NHNN. Hơn nữa, ngay ở những nước phát triển cũng không có ngân hàng trung ương nào sử dụng dự trữ ngoại hối của quốc gia để nhập khẩu và kinh doanh vàng như ở nước ta. Hơn nữa, quy định thời điểm các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tất toán trạng thái vàng đã qua, cơ bản đã hoàn thành. Vì vậy, việc chấm dứt đấu thầu vàng miếng chỉ là vấn đề thời điểm mà thôi.
Thị trường vàng ở nước ta sẽ như thế nào khi NHNN chấm dứt đấu thầu vàng miếng? Đây là vấn đề rất quan trọng cần được nghiên cứu, dự đoán và có biện pháp ứng xử phù hợp.
Trước hết, khi NHNN chấm dứt việc đấu thầu vàng, thị trường vàng nước ta sẽ rơi vào tình trạng cung nhỏ hơn cầu. Bởi, hiện nay, NHNN độc quyền nhập khẩu vàng. Khi chấm dứt đấu thầu vàng, tức là cũng ngừng nhập khẩu vàng, để cung ứng ra thị trường, khi đó, nhu cầu vàng để dự trữ của người dân, nhu cầu vàng để chế tác… có xu hướng tăng lên. Và, theo quy luật, khi cung nhỏ hơn cầu, giá vàng trong nước sẽ tăng lên, chênh lệch giũa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới càng cao hơn.
Ai sẽ được lợi khi NHNN chấm dứt đấu thầu vàng? Để trả lời câu hỏi này cần trả lời câu hỏi: Số vàng NHNN đã cung ứng ra thị trường qua 52 phiên đấu thầu đang ở đâu? Đó là do các NHTM mua vào để tất toán trạng thái vàng. Điều đó là đúng nhưng không phải là tất cả. Bởi, ngay cả khi trạng thái vàng của các NHTM đã tất toán, các phiên đấu thầu vàng của NHNN vẫn bán hết. Không loại trừ có một lực lượng với tiềm lực kinh tế mạnh đã đầu cơ vàng, chờ đến khi NHNN chấm dứt đấu thầu vàng để tung ra bán và hưởng lợi. Lực lượng đó là ai, đến nay chưa thể biết.
Nếu sự việc sẽ xảy ra như “kịch bản” trên thì mục tiêu chống vàng hóa của NHNN đã không thực hiện được và giới đầu cơ đã thắng. Vậy, NHNN nên ứng xử như thế nào?
Cách tốt nhất là đồng thời với việc chấm dứt đấu thầu vàng nên xóa bỏ độc quyền nhập khẩu vàng, đồng thời đánh thuế nhập khẩu đối với vàng để tăng thu cho ngân sách. Khi đó, các cơ sở kinh doanh vàng sẽ mua vàng của giới đầu cơ hoặc nhập khẩu vàng tùy theo giá thị trường. Như vậy, giới đầu cơ không thể thao túng thị trường vàng, quyền lợi của người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vàng được bảo đảm.
Theo Báo công thương