Cung vượt quá cầu – Ngành mía đường đối diện nhiều thách thức

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản khó “đầu ra”, nếu nông dân tiếp tục tăng diện tích trồng mía, áp lực tiêu thụ mía sẽ rơi vào cảnh giống như lúa hàng hóa ùn ứ hiện nay.

Trong bối cảnh đó, tình trạng buôn lậu đường, gian lận thương mại đang làm cho nhiều nhà máy đường rơi vào cảnh thua lỗ…

Đem củi về rừng!
Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, niên vụ sản xuất mía đường 2012 – 2013, sản lượng mía đạt trên 19 triệu tấn và đã sản xuất được 1,53 triệu tấn đường.
Theo đó, diện tích mía cả nước là 298.200ha, tăng hơn vụ trước 15.000 ha, năng suất mía bình quân đạt 63,9 tấn/ha (tăng so với vụ trước 2,2 tấn/ha). Đến tháng 7-2013, lượng đường tồn kho tại các nhà máy còn 426.000 tấn, cao hơn cùng kỳ vụ trước 187.000 tấn. Trong 3 tháng 8, 9, 10-2012, tổng lượng đường mà các nhà máy bán ra là 190.000 tấn, lượng đường nhập khẩu là 40.000 tấn, tổng lượng đường tiêu thụ là 230.000 tấn.
Như vậy, nếu mức tiêu thụ vẫn giữ như năm trước, lượng đường hiện có đang dư so với nhu cầu tiêu dùng khoảng 200.000 tấn (chưa kể lượng đường tối thiểu sẽ phải nhập khẩu theo cam kết WTO). Nếu giữ lượng đường tồn kho luân chuyển khoảng 100.000 tấn, lượng đường dư thừa khoảng 100.000 tấn. “Đây sẽ là áp lực rất lớn của các nhà máy đường trước khi vào vụ mới”, ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối tính toán.
Sản lượng đường thế giới và trong nước niên vụ 2012 – 2013 đều đạt kỷ lục. Theo báo cáo của Tổ chức Đường thế giới, sản lượng đường thế giới tháng 5-2013 trên 187 triệu tấn, vượt 7,5 triệu tấn so với vụ trước và thừa cung 10 triệu tấn. Tình trạng thừa cung dẫn đến giá đường thế giới và trong nước đều giảm. Dự báo, sản lượng đường trong niên vụ 2013 – 2014 sẽ trên 1,5 triệu tấn.
Với lượng tồn kho lớn như hiện nay, nguồn cung sẽ lớn hơn cùng kỳ, cộng với đường nhập lậu, gian lận thương mại chưa được ngăn chặn hiệu quả, áp lực đầu ra sẽ càng lớn. Cùng với việc các nhà máy đường miền Nam đầu tư tại Lào, Campuchia có thể tham gia vào nguồn cung trong nước, tình trạng này sẽ giống như “đem củi về rừng”!

Kiểm soát đường lậu, xuất khẩu linh động
Hiện nay, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại với mặt hàng đường đang gia tăng mạnh. Nhiều cơ sở ở ĐBSCL trước đây chỉ dám “mang hàng” về buổi tối, nay diễn ra công khai giữa ban ngày nhưng cơ quan chức năng khó kiểm soát được.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, mặt hàng đường là thực phẩm sử dụng trực tiếp nhưng việc kiểm soát lưu thông còn nhiều lỏng lẻo. Tình trạng pha trộn phẩm màu, đóng gói bao bì không được quy định và kiểm soát thiếu chặt chẽ; việc cấp phép cho các cơ sở được sản xuất kinh doanh đường của các địa phương đã góp phần công khai, hợp thức hóa đường nhập lậu. Các cơ quan chức năng biết chắc chắn là đường nhập lậu nhưng không đủ cơ sở pháp lý để tịch thu.
Theo một lãnh đạo ngành mía đường, “Quy định của nhà nước hiện nay không theo kịp chiêu trò lách kẽ hở luật pháp của gian thương, khiến các quy định pháp lý trở nên lạc hậu và bất lực”!
So với một số mặt hàng nông sản khác, ngành sản xuất mía đường có độ ổn định nhiều hơn trong 3 năm qua. Trong đó, nổi lên hơn 93% diện tích vùng sản xuất mía nguyên liệu cả nước được các nhà máy đường ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Các nhà máy đường đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm. Đặc biệt, một số đơn vị đã có chính sách hỗ trợ để phát triển vùng nguyên liệu.
Điển hình, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ đã đỡ đầu, khuyến khích xây dựng CLB sản xuất mía giỏi, đạt năng suất 200 tấn/ha (cao gấp 3 lần năng suất bình quân cả nước) với 100 thành viên tham gia. Tuy nhiên, những điển hình này vẫn còn “bé hạt tiêu” so với tổng diện tích trồng mía khoảng 300.000ha hiện nay.
Trong vụ mía vừa qua, giá đường giảm mạnh nhưng các nhà máy đường không thể giảm giá mua mía nguyên liệu để đảm bảo thu nhập của nông dân. Tình trạng này kéo dài, làm các nhà máy đường gặp khó khăn về tài chính, có nhiều nhà máy đường thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa tạm thời. Chưa kể, tình trạng đối phó với lũ lụt bằng giải pháp thu hoạch mía sớm gây tổn thất lớn cho nông dân Hậu Giang. Vấn đề cơ giới hóa thu hoạch mía chậm được nghiên cứu áp dụng, nhất là ở ĐBSCL sẽ tiếp tục là những khó khăn đè nặng lên vai người trồng mía. 
Trước những thách thức trên, ngành mía đường Việt Nam đang trông chờ vào những giải pháp cụ thể để mặt hàng đường trong nước đủ sức “phòng vệ” trước sự thẩm thấu của đường lậu, gian lận thương mại. Nhiều nhà máy đường hiện nay vẫn “than phiền” về sự “trở bộ” quá chậm của Bộ Công thương khi xử lý kiến nghị xuất khẩu đường tiểu ngạch sang Trung Quốc hồi năm ngoái. Chính vì vậy, vấn đề bức xúc hiện nay là cần có cơ chế về xuất khẩu đường linh động. Các ngành chức năng phải có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu đường và gian lận thương mại.
Theo PGS-TS Lưu Thanh Đức Hải, Trường ĐH Cần Thơ, ngành mía đường cần có giải pháp liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng và nâng cấp chuỗi (liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi – liên kết ngang giữa các tổ chức, đơn vị, cá nhân kinh doanh đường trong nước), tạo điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường đường trong nước.

Ngày 31-7, Bộ NN-PTNT cho biết vừa có công văn gửi Bộ Công thương đề nghị cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu đường trắng (RS) qua cửa khẩu phụ biên giới để giải phóng đường tồn kho.

Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Công thương tạo điều kiện để các doanh nghiệp và các nhà máy phối hợp xuất khẩu hết lượng đường thừa, sớm thu hồi vốn chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Theo Sài Gòn giải phóng