TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm có khá nhiều yếu tố tác động đến lạm phát, song không quá lo ngại. Kịch bản xấu nhất thì lạm phát năm nay cũng chỉ ở mức 7%.
Theo ông, tác động của các đợt tăng giá xăng dầu vừa qua lên lạm phát thế nào?
Xăng dầu hay điện đều là những mặt hàng thiết yếu, vừa là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, vừa là hàng hóa tiêu dùng cuối cùng. Bởi vậy, việc giá xăng hay điện tăng tất yếu sẽ tác động đến lạm phát cả trực tiếp và gián tiếp. Trước hết là tác động trực tiếp đến tăng chi phí sản xuất của hầu hết các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực sử dụng, tiêu thụ nhiều các loại hàng hóa này. Tiếp theo là tác động gián tiếp thông qua cơ chế thị trường đến giá cả các nhóm hàng hoá dịch vụ khác.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đại đa số người dân phổ biến tâm lý thắt chặt chi tiêu còn doanh nghiệp cũng không dám tăng mạnh giá bán do sức mua yếu, tiêu thụ khó khăn nên tác động lan tỏa này chắc chắn là không lớn.
Bằng chứng là CPI tháng 7 chịu tác động trực tiếp từ 2 đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 6 (ngày 14/6 và 28/6 – PV), tuy nhiên chỉ tăng có 0,27% chủ yếu do nhóm giao thông tăng mạnh tới 1,34% còn đợt tăng giá xăng dầu ngày 17/7 vừa qua sẽ ảnh hưởng đến CPI tháng 8 song không quá mạnh.
Tuy nhiên, việc tăng giá dồn dập các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu sẽ làm tăng tâm lý lạm phát của người dân?
Đúng vậy. Vì lẽ đó, việc tăng giá các mặt hàng có ảnh hưởng lớn như điện, xăng dầu cần phải được tính toán kỹ cả về lộ trình, thời điểm và mức tăng. Theo tôi, quan trọng là đánh giá đúng tình hình trước khi điều chỉnh và dự báo chính xác tác động sau khi điều chỉnh giá để tránh rơi vào tình huống tuy điều chỉnh “nhỏ giọt” nhưng lại là “giọt nước làm tràn ly”.
Vậy từ nay đến cuối năm, lạm phát sẽ chịu tác động của những yếu tố nào, thưa ông?
Có thể nói, từ nay đến cuối năm, lạm phát chịu tác động của khá nhiều yếu tố, tích cực có, tiêu cực cũng có.
Trước hết về các nhân tố tích cực. Hiện kinh tế thế giới vẫn hồi phục rất yếu nên rất khó có cú sốc lớn về giá cả các mặt hàng cơ bản như năng lượng, nguyên vật liệu hay lương thực. Thậm chí tại Việt Nam, giá lương thực còn có thể tiếp tục xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, tổng cầu của nền kinh tế hồi phục chậm, sức mua yếu cũng sẽ hãm bớt đà tăng của lạm phát. Từ đầu năm 2013 đến nay, CPI của nhiều tháng tăng rất thấp, thậm chí có tháng còn âm mà nguyên nhân chủ yếu cũng do tổng cầu đầu tư cũng như tiêu dùng tăng chậm và sức mua yếu.
Song, cũng có khá nhiều yếu tố có tác động làm tăng lạm phát.
Thứ nhất, giá nhiều hàng hóa, dịch vụ do Chính phủ quản lý như điện, viện phí, học phí có thể lại được điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu hồi phục chậm, sức mua yếu như hiện nay, tác động tăng giá các mặt hàng này đến lạm phát theo tôi cũng không quá đáng ngại. Mặc dù vậy, như tôi đã nói, việc tăng giá cần được tính toán kỹ cả về thời điểm, mức tăng, tránh tăng giá dồn dập. Việc CPI tháng 9/2012 tăng tới 2,2% do cùng lúc tăng giá xăng, học phí, viện phí… là bài học đắt giá trong công tác điều hành giá cả, thị trường.
Thứ hai, lương cơ bản đã tăng thêm 100.000 đồng từ 1/7. Nhiều người nhầm tưởng mức tăng 100.000 đồng là thấp, nhưng lưu ý đây là mức tăng lương cơ bản. Theo đó, lương cơ bản tăng tới 9,6%, và chỉ tính riêng khối cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, số kinh phí phải bỏ ra để thực hiện tăng lương cơ bản thêm 100.000 đồng từ 1/7 lên tới 21.000 tỷ đồng.
Với mức thu nhập còn thấp của đại bộ phận người lao động hiện nay, phần tăng thêm này cũng chỉ sử dụng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng chứ không thể để dành tích luỹ được. Nói cách khác, toàn bộ lượng tiền thu nhập tăng thêm này sẽ được đổ vào tiêu dùng từ nay đến cuối năm. Trong điều kiện bình thường, điều đó có thể khiến lạm phát tăng thêm 3-4%, chia đều cho các tháng.
Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, hiện người dân đang có tâm lý thắt lưng buộc bụng, DN lại không dám tăng giá hàng hóa, dịch vụ vì sức mua yếu nên tác động của việc tăng lương này cũng giảm đi khá nhiều.
Thứ ba, hiện có đề xuất Chính phủ nên nới lỏng hơn các chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng tổng cầu, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%. Tác động của các biện pháp “kích cầu” nếu được triển khai này đến lạm phát là không thể xem nhẹ.
Ông có thể phân tích rõ thêm về tác động của sự nởi lỏng này đến lạm phát?
Tác động của việc nới lỏng các chính sách kinh tế vĩ mô đến lạm phát còn tùy thuộc vào hiệu quả sử dụng của vốn đầu tư công và của tín dụng đến đâu? Tuy nhiên, điều tôi lo ngại nhất là đầu tư công, nhất là bên cạnh dòng vốn từ vay nợ đang tăng lên còn có dòng vốn từ các NHTM cũng có xu hướng chảy vào trái phiếu Chính phủ rồi cuối cùng cũng để tài trợ cho các dự án đầu tư công. Trong khi đó, hiệu quả của đầu tư công vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.
Mặc dù vậy, do độ trễ của chính sách nên việc nới lỏng này, nếu có, chưa tác động nhiều đến lạm phát năm 2013 mà sẽ tác động đến lạm phát năm 2014.
Theo dự báo mới nhất của WB, lạm phát năm 2013 của Việt Nam có thể lên tới 8,2%. Ông nghĩ sao về dự báo này?
Mỗi tổ chức quốc tế đều có cách phân tích, tính toán riêng của họ. Tuy nhiên, theo tôi, ngày cả trong trường hợp xấu nhất, lạm phát năm nay cũng chỉ lên tới 7%. Nếu “thuận”, lạm phát thậm chí chỉ ở mức 5%.
Vậy theo ông, liệu có còn dư địa để hạ thêm lãi suất?
Lãi suất có thể hạ tiếp được không còn tùy thuộc vào diễn biến lạm phát. Như tôi đã phân tích ở trên, nếu lạm phát cả năm khoảng 5-6% thì lãi suất vẫn còn dư địa để hạ thêm. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, không kém phần quan trọng so với lạm phát là điều hành lãi suất VND còn liên quan chặt chẽ với các vấn đề ổn định tỷ giá hối đoái, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống NHTM và quản lý rủi ro tín dụng. Hơn thế, lãi suất hiện không còn là trở ngại lớn đối với tăng trưởng tín dụng, mà quan trọng là khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế nói chung, của từng doanh nghiệp nói riêng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Thời báo ngân hàng