Chuyên gia “săn đầu người” bật mí bí quyết tìm việc

Trong thị trường việc làm ngày nay, nếu có mười yêu cầu trong bản mô tả công việc, nhà tuyển dụng muốn bạn phải có mười một. Có hai điều ở cuối mỗi cuộc phỏng vấn bạn phải làm để có thể tạo sự khác biệt trong cuộc cạnh tranh này.

Bạn mất khá nhiều thời gian cho bộ hồ sơ xin việc hoàn chỉnh, từ việc viết CV, thư xin việc hay liên lạc với nhà tuyển dụng… Tuy nhiên, trong nền kinh tế khó khăn hiện nay, điều đó là chưa đủ để bạn có được một công việc như ý. Để nhận được những lời khuyên hay nhất, bạn cần phải nói chuyện với các chuyên gia săn đầu người (headhunter), những người có thể tư vấn giúp bạn đường đến thành công.
Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia săn đầu người mà bạn nên lưu vào cuốn cẩm nang, chuẩn bị cho quá trình tìm việc, phỏng vấn và đàm phán lương.
– Trung thực với lý lịch bản thân
Các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện nói dối, nhất là trong cuộc phỏng vấn. Khi được hỏi: “Tại sao bạn rời khỏi công ty cũ?”, bạn không nên trả lời rằng đó là quyết định của cả hai phía. Bởi đó không bao giờ là một quyết định chung từ cả hai bên, chắc chắn phải có một bên đưa ra quyết định trước, vì một lý do nào đó.
Tốt nhất là hãy trung thực về việc ra đi của bạn bất kể là ở hoàn cảnh nào. Các chuyên gia tuyển dụng đánh giá rất cao những ứng viên trung thực và thẳng thắn. Sự bịa đặt, dối trá để tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo chỉ khiến bạn mất điểm, nhất là khi nhà tuyển dụng phát hiện ra bạn có họ hàng với… Cuội.
– Yêu cầu 10, bạn có 11 điểm
Hãy chắc chắn rằng, bạn đọc đầy đủ bản mô tả công việc từ nhà tuyển dụng và đã chuẩn bị điền mọi yêu cầu có trong bản mô tả đó.
Trong thị trường việc làm ngày nay, nếu có mười yêu cầu trong bản mô tả công việc, nhà tuyển dụng muốn bạn phải có mười một. Có hai điều ở cuối mỗi cuộc phỏng vấn bạn phải làm để có thể tạo sự khác biệt trong cuộc cạnh tranh này.
Thứ nhất, bạn nên kết thúc cuộc phỏng vấn bằng một thái độ mạnh mẽ: “Tôi thật sự rất thích học hỏi thêm về cơ hội này và đang chuẩn bị để làm việc ở vị trí này nếu được chấp nhận”.
Nên tạo cho mình phong thái tự tin, linh hoạt khi đối diện với chuyên gia tuyển dụng – (Ảnh minh họa).
Thứ hai, gửi thư cảm ơn ngay lập tức sau buổi phỏng vấn, có thể gửi nhanh bằng email. Bạn nên biết rằng, chỉ khoảng 10% số ứng viên theo sau cuộc phỏng vấn với một lá thư cảm ơn như thế. Điều này tạo ấn tượng tốt cho nhà tuyển dụng.
– Khôn khéo và linh hoạt khi đàm phán lương
Nếu bạn may mắn qua được vòng ngoài, vào vòng phỏng vấn, bước tiếp theo sẽ là quá trình đàm phán về điều kiện làm việc và quyền lợi được hưởng. Bạn sẽ không nhận được những gì mà bạn không yêu cầu, do đó hãy tự tin vào khả năng của bản thân và chuẩn bị để yêu cầu những gì phù hợp với giá trị của bạn.
Bạn nên tạo cho mình phong thái tự tin, ứng biến linh hoạt, nhấn mạnh những kỹ năng phù hợp và chúng đem lại lợi ích như thế nào cho công ty. Bạn cũng nên tìm hiểu mức lương chung trong cùng lĩnh vực để có yêu cầu về một mức lương hợp lý, phù hợp với kinh nghiệm và trình độ của bạn, tránh bị đòi hỏi quá cao hay quá thấp so với năng lực của mình.
– Tạo sự kết nối 
Trong khi nộp hồ sơ trực tuyến là một khởi đầu, bạn cũng nên tạo mạng lưới với các đồng nghiệp cũ, bạn cùng lớp và các chuyên gia khác trong lĩnh vực của mình. Đừng bao giờ nói “không”, đừng từ chối khi các chuyên gia săn đầu người muốn gặp gỡ với bạn hoặc thảo luận về cơ hội việc làm, kể cả lúc đó, bạn đang có một vị trí ổn định. Một cuộc gặp với chuyên gia sẽ làm tăng thêm các cơ hội của bạn trong tương lai, không nhất thiết phải là hiện tại. Mạng lưới của bạn càng rộng, cơ hội tìm việc làm tốt càng cao.

Theo AF