Các ngân hàng đang giảm mạnh lãi suất cho vay

Ngân hàng Techcombank vừa có một quyết định gây “sốc” đối với thị trường là sẽ giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mọi ngành nghề xuống còn 8,5%/năm.

Xu hướng giảm lãi suất cho vay hiện nay khá phổ biến tại các ngân hàng, một phần vì thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, phần khác vì ngân hàng muốn đẩy mạnh đầu ra trong bối cảnh nguồn vốn huy động dư thừa.
Nhiều nhà băng hiện đang áp dụng mức lãi suất rất thấp, chẳng hạn như gói lãi suất 7,77%/năm ở VIB, 6%/năm ở VPBank, 7,5%/năm ở Vietcombank…tuy nhiên tất cả đều có quy định riêng, chẳng hạn như mức lãi suất này chỉ áp dụng trong vài tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi theo diễn biến thị trường. Ngoài ra, các gói lãi suất cũng hướng tới một bộ phận doanh nghiệp nhất định hay các khách hàng cá nhân, vay tiêu dùng, sửa chữa nhà cửa là chủ yếu và với hạn mức tín dụng không lớn.
Bất ngờ, Techcombank đã khiến toàn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp, chú ý bởi tuyên bố sẽ giảm lãi suất cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ xuống còn 8,5%/năm, áp dụng trong 2 tháng, từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8/2013.
Ngoài quy mô áp dụng với tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh, mức lãi suất siêu thấp này còn được áp dụng trong suốt quá trình vay của khách hàng.
Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Phó giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp Techcombank cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt ngay cơ hội để thúc đẩy kinh doanh trong thời điểm trọng yếu của chu kỳ kinh doanh trong năm 2013, Techcombank đã liên tiếp đưa ra nhiều chương trình, giải pháp tài chính thiết thực và hiệu quả. 
Hiện tại, với tiềm lực tài chính mạnh và nắm bắt các nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, lãnh đạo ngân hàng đã cân nhắc và chấp nhận giảm lợi nhuận để đưa ra chương trình lãi suất cho vay 8,5%. Phương châm của ngân hàng là tạo mọi điều kiện giúp các doanh nghiệp dễ tiếp cận được với nguồn vốn nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chính là giúp đẩy mạnh hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn như hiện nay.
Đề cập đến vấn đề hạn mức tín dụng của chương trình lãi suất 8,5%/năm, đại diện ngân hàng cho biết, tùy thuộc vào khả năng hấp thụ cũng như nhu cầu về vốn của khách hàng, ngân hàng sẽ cho vay phù hợp và sẽ linh hoạt nâng hạn mức tín dụng cho chương trình.
Theo tính toán của người viết, với lãi suất cho vay còn 8,5%/năm theo chương trình mới thì chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động mà Techcombank thu được ở mức rất thấp, chỉ khoảng 1,2%/năm (hiện ngân hàng đang huy động vốn với lãi suất từ 6,8 – 7,3%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng). So với mặt bằng chung là khoảng 1,9%, mức lợi nhuận biên này chỉ bằng 2/3. So với bình quân năm 2012 thì mức chênh lệch này chỉ bằng một nửa và bằng 1/3 của những năm trước.
Ngoài chương trình lãi suất gây “sốc” vừa công bố, Techcombank đồng thời đang triển khai một loạt các giải pháp tài chính và phi tài chính đến doanh nghiệp, trong đó đáng lưu ý là Bộ giải pháp tăng tốc kinh doanh. Bộ giải pháp này được ngân hàng đưa ra hồi đầu quý 2/2013, tích hợp các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại hỗ trợ tối ưu cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp từ dịch vụ cho vay, tiền gửi đến các giao dịch tài khoản khác. .
Cùng với đó, việc cung cấp các giải pháp phi tài chính cho các doanh nghiệp cũng là một mục tiêu ngân hàng đang hướng tới. Thông qua các chương trình hội thảo, tọa đàm, Techcombank đã mang tới cho các doanh nghiệp những thông tin, giải pháp hữu ích. Gần đây nhất, ngân hàng tổ chức buổi tọa đàm về “Quản trị tài chính – Thách thức và cơ hội” tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với những thông tin hữu ích nhằm nâng cao năng lực quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Động thái giảm lãi suất cho vay của Techcombank về 8,5%/năm được đánh giá là khá mạnh tay, khi mà mặt bằng lãi suất hiện nay dù đã hạ đáng kể song vẫn cách khá xa mức này. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước vừa công bố ngày 17/7, hiện lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn ở nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước dao động từ 9 – 10,5%/năm còn của các ngân hàng thương mại cổ phần là 9,5 – 11,5%/năm.

Theo Trí Thức Trẻ