Mai Linh Group sẽ chào bán riêng lẻ 100 triệu CP cho NĐT chiến lược nhằm thanh khoản vốn vay ngắn hạn 800 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, NĐT chiến lược sẽ đề cử Tổng giám đốc và Giám đốc tài chính.
Năm 2012, Mai Linh Group hợp nhất lỗ sau thuế 33,3 tỷ đồng, tính riêng Mai Linh mẹ lãi sau thuế đạt 1,9 tỷ đồng. Mai Linh không thực hiện chia cổ tức năm 2012.
Năm 2013 Mai Linh Group hợp nhất đặt kế hoạch doanh thu 2.900 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 22 tỷ đồng; Mai Linh mẹ kế hoạch doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 7,2 tỷ đồng.
Đại hội thông qua việc phát hành thêm 3.671.663 CP VOF Investment Limited do trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phần, tăng vốn lên hơn 1.016,7 tỷ đồng, chậm nhất đến tháng 12/2013 phải thực hiện. Chi phí tài chính hạch toán vào năm 2013 sau khi hoàn tất phát hành cổ phần cho VOF là 63,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Mai Linh Group cũng sẽ chào bán khoảng 100.000.000 CP riêng lẻ cho các cổ đông chiến lược nhằm huy động khoảng 1.000 tỷ đồng để thanh khoản vốn vay ngắn hạn 800 tỷ đồng và bổ sung quỹ đầu tư phát triển 200 tỷ đồng.
Đại hội thông qua giảm một số ngành nghề hoạt động trong giấy phép kinh doanh của Tập đoàn.
Cổ đông hỏi, chủ tịch trả lời
Mai Linh Group đã dành khá nhiều thời gian cho phần thảo luận, các cổ đông chủ yếu quan tâm đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty, nợ vay, cổ tức cho cổ đông và chi phí/thù lao hoạt động cho HĐQT và BKS.
Vì sao Mai Linh Group phải phấn đấu “Một Mai Linh”? Giải pháp nào cho “Một Mai Linh”? Trong giải pháp một văn phòng, một cơ cấu, liệu có thêm 2 không gian Lào và Campuchia không?
Trước đây, Mai Linh chia hoạt động ra thành nhiều ngành: Express, thương mại, du lịch. Mỗi ngành nghề có một văn phòng riêng, bộ máy riêng dẫn đến chi phí quản lý cao. Vì vậy, Mai Linh đã tiến hành tái cấu trúc trên tinh thần “Một Mai Linh”để tiết giảm chi phí. Price Waterhouse Coopers – PWC sẽ tiến hành tư vấn cho Mai Linh để tái cấu trúc.
Đối với các thị trường Lào và Campuchia, Mai Linh đang trong giai đoạn tiến hành khảo sát thị trường, và tạm dừng, chưa đầu tư vào đây.
Những giải pháp nào cho môi trường xanh và khí thải đối với Mai Linh?
Ở Đà Nẵng và Vũng Tàu, Mai Linh có thí điểm taxi chạy bằng gas. Tuy nhiên, với tình hình thực tế của Việt Nam, taxi chạy bằng gas áp dụng rộng là chưa phù hợp do các trạm chiết nạp gas chưa phổ biến. Mai Linh đã đàm phán với Petro Việt Nam về dự án này.
Mai Linh cũng đã nghiên cứu phương án taxi điện, nhưng giá thành xe loại này rất cao nên chưa áp dụng phổ biến tại Việt Nam.
Hoạt động vận tải là cốt lõi của Mai Linh, vậy bên cạnh hoạt động taxi Mai Linh có tham gia vào/đầu tư nào vào vận tải đường sắt, đường hàng không, đường biển không?
Mai Linh không đầu tư vào các hoạt động hàng không, đường biển, đường sắt, Mai Linh chỉ tập trung vào kinh doanh taxi, xe tuyến cố định, xe chở thuê và xe Bus.
Về xe bus, ở Tp. Hồ Chí Minh, Bình Phước hoạt động chưa hiệu quả nên tạm dừng hoạt động; trong khi ở Đà Nẵng và Quảng Ngãi hoạt động xe bus khá tốt.
Tuy nhiên, chủ trương của Mai Linh vẫn đầu tư chính vào ngành taxi.
Hiện nợ vay ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát có biết không?
Mai Linh đã biết các nội dung liên quan đến vốn vay, và hiện đang tìm các biện pháp khắc phục dưới sự tư vấn của PWC. Chúng tôi đã vận động bà con cho vay vốn chuyển khoản vay thành vốn đầu tư dài hạn, thậm chí là vốn cổ phần. Hiện đang có cổ đông chiến lược muốn tham gia đầu tư vốn (vì vậy Mai Linh dự kiến sẽ chào bán cổ phần riêng lẻ cho cổ đông chiến lược – PV).
Đề nghị công ty có phương án giải quyết cho cổ đông đã đầu tư vào Mai Linh từ những ngày đầu, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được cổ tức lần nào? Công ty làm ăn không hiệu quả do đầu tư quá nhanh, hướng giải pháp tới đây là gì?
Cá nhân tôi (chủ tịch) và HĐQT mong muốn công ty làm ăn có lãi để chia cổ tức, nhưng trong những năm qua do lãi suất ngân hàng cao và sai lầm của công ty nên làm ăn không có lãi. Mai Linh chịu ảnh hưởng rất lớn tình hình khó khăn chung của đất nước và thế giới.
Mai Linh đang nghiên cứu, tìm ra giải pháp để khắc phục khó khăn và vượt qua. Công ty đã thực hiện cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí – bộ máy nhân sự từ trên 300 người đã cắt giảm còn 80 người, sắp tới sẽ còn tinh gọn hơn nữa. HĐQT mong quý cổ đông ủng hộ để Mai Linh vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Từ năm 2008, công ty đã thấy nguy cơ từ đầu tư đa ngành. Nhưng quyết liệt nhất, 3 năm trở lại đây Mai Linh đã dần thoái vốn khỏi các ngành nghề không phải là ngành nghề cốt lõi của công ty, tập trung vào ngành nghề vận tải taxi (kể cả việc thoái vốn khỏi viễn thông, thủy điện).
Sau Đại hội công ty sẽ tiến hành rà soát lại, và thực hiện đúng nghị quyết của Đại hội cổ đông, thoái vốn tập trung vốn cho ngành nghề kinh doanh chính. Sau khi có nhà đầu tư chiến lược vào, Mai Linh Group sẽ tái cấu trúc lại vốn và thanh khoản các khoản đầu tư, qua đó kỳ vọng công ty sẽ khắc phục, phục hồi Mai Linh, và đầu tư vào ngành kinh doanh chính taxi.
Chủ tịch HĐQT không nên kiêm nhiệm Tổng Giám đốc?
Thực tế trong nhiều năm vừa qua Mai Linh đã luôn tìm kiếm nhân sự cả trong nội bộ lẫn bên ngoài để đảm nhận vai trò Tổng giám đốc, để không còn kiêm nhiệm. Một số nhân sự đủ điều kiện để đảm nhận vai trò Tổng giám đốc, HĐQT đã làm việc, đã vận động hai, ba lần nhưng chưa nhận được sự đồng ý của các nhân sự này.
Bản thân tôi cũng luôn tìm kiếm nhân sự để đảm nhiệm chức danh Tổng giám đốc. Khi có cổ đông chiến lược tham gia vào Mai Linh, chúng tôi đã cam kết phải có giám đốc tài chính chuyên trách và tổng giám đốc (do bên cổ đông chiến lược đề cử).
Các cổ đông tìm kiếm và có thể tiến cử nhân sự có tài năng, đạo đức đảm nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc của Mai Linh Group.
Mức thù lao cho HĐQT và BKS là cao khi so sánh với các doanh nghiệp khác cũng như hiệu quả hoạt động của công ty, vì vậy đề nghị HĐQT xem xét lại?
Trước đây, mức thù lao của HĐQT và BKS là tượng trưng do các thành viên này đều kiêm nhiệm. Khi đó, sự kiêm nhiệm này “tưởng chừng” như là tốt, nhưng trên thực tế các thành viên không có thời gian để làm chức năng chuyên môn, chuyên trách.
Lần này, với sự tư vấn của PWC, HĐQT xin ý kiến cổ đông về việc tăng thù lao và chi phí hoạt động HĐQT, BKS tách rời, không kiêm nhiệm. 1 -2 tỷ đồng chi phí phát sinh nhưng hiệu quả hoạt động của công ty cao hơn. Nếu Mai Linh làm tốt, BKS có đủ điều kiện và quyền hạn chức năng để kiểm soát lại HĐQT và Ban điều hành.
Vì vậy, để đảm bảo tính độc lập, thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của HĐQT và BKS, HĐQT đã đề nghị cổ đông thông qua cơ chế về lương, thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT và BKS để đảm hoạt động hiệu quả hơn.
Tại sao trước đây Mai Linh Group lại đăng ký nhiều ngành nghề – hiện xin ý kiến cổ đông cắt giảm, và cắt giảm ở thời điểm này?
Trước đây, Mai Linh Group đi theo phong trào kinh doanh đa ngành nghề. Ngoài ra, thời điểm đó Mai Linh Group đăng ký nhiều ngành nghề (cả ngành nghề không phải của Mai Linh) để phòng ngừa thương hiệu Mai Linh không lẫn lộn với các công ty khác.
Nhiều công ty không phải là Mai Linh nhưng đã đăng ký tên Mai Linh như Đầu Tư Mai Linh (hoạt động bất động sản – trên thực tế Mai Linh không có đầu tư bất động sản) gây ra hiểu lầm cho quý cổ đông, khách hàng đối với thương hiệu Mai Linh.
Hướng quản lý nhượng quyền thương hiệu trong thời gian tới của Mai Linh?
Mai Linh đã thực hiện nhượng quyền thương hiệu từ năm 2000 – các lái xe đã hoạt động taxi dưới thương hiệu Taxi Mai Linh trên chính phương tiện của mình. Cũng nhờ nhượng quyền thương hiệu, Mai Linh có khoảng 40% lượng xe trên các tỉnh thành khu vực phía Bắc, miền Trung…. Nhờ vào đây chất lượng dịch vụ tốt hơn – xe được tân trang sửa chữa, giữ gìn.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không như ý, xe không được chăm sóc, vấn đề giao ca….Vì vậy, trong thời gian vừa qua công tác quản lý nhượng quyền thương hiệu chưa được chặt chẽ, cũng có tiêu cực.
Hiện nay công ty đã tổ chức lại bộ phận quản lý nhượng quyền thương hiệu nhằm rà soát và quản lý công tác này trên toàn hệ thống. Phí nhượng quyền hiện được tăng lên khoảng 12 triệu đồng/năm.
Theo Trí Thức Trẻ