Các ngân hàng đang tìm cách đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ những lắt léo, biến ảo trong tính lãi suất… người vay sẽ gánh khoản nợ lớn.
Biến ảo lãi suất
Ông Nguyễn Sỹ Hùng (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây ông liên tục nhận được điện thoại của các nhân viên ngân hàng chào cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi. Việc này có thể xuất phát từ việc ông đến 1 ngân hàng để hỏi về vay tiêu dùng với ý đinh mua 1 căn hộ chung cư, không biết thế nào, thông tin bị chia sẻ, hàng loạt nhân viên nhiều ngân hàng đã liên lạc tư vấn và chào mời những gói vay với lãi suất hấp dẫn.
Theo ông Hùng, các gói cho vay thường có lãi suất thấp từ 0%-10% nhưng lãi suất này chỉ ưu đãi trong thời hạn vài tháng đầu, hết thời hạn sẽ nâng lên rất cao. Tuy nhiên có ngân hàng lại đưa ra gói vay có lãi suất thấp, cố định, không thay đổi trong suốt thời gian vay khiến ông tò mò. Chẳng hạn nhân viên một ngân hàng thương mại đưa ra gói cho vay 12 tháng lãi suất 9,6% tính ra chỉ hơn 0,8/tháng một chút, cố định trong suốt thời gian vay. Với lãi suất cho vay tiêu dùng như vậy hiện nay là khá thấp.
Tuy nhiên khi tìm hiểu mới té ngửa đây là gói cho vay lãi suất tính theo đầu kỳ. Ví dụ khách hàng vay 100 triệu đồng trong 12 tháng, lãi trả khoảng 830.000 đồng/tháng cùng với đó là 8,3% nợ gốc. Tháng đầu như vậy không vấn đề gì, nhưng sang tháng thứ 2 khi số nợ gốc giảm xuống còn 91,7 triệu đồng, đáng ra lãi phải trả giảm theo chỉ còn khoảng 760.000 đồng, thì với gói vay này lãi phải trả vẫn giữ nguyên 830.000 đồng.
Tháng thứ 3 cũng tương tự như vậy, cho đến tận tháng thứ 12 khi nợ gốc chỉ còn 8,3 triệu đồng thì lãi suất vẫn phải trả 830.000 đồng/tháng. Tính ra lãi vay không phải là 10% mà cao hơn rất nhiều, trên 15%. Nhiều khách hàng không tinh tường rất dễ bị mắc bẫy.
Điều khốn khổ là khi vay gói này khách hàng không được thanh lý hợp đồng trước thời hạn, nếu kết thúc sớm sẽ bị phạt, kết thúc càng sớm thì số tiền bị phạt càng cao.
Ở thời điểm hiện tại đang có cuộc cạnh tranh lãi suất thấp cho vay tiêu dùng. Có nhiều ngân hàng thương mại đang tung ra những gói vay tiêu dùng mua nhà, xe… với lãi suất 0%.
Mới đây nhất, NamA Bank, có chương trình ưu đãi cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng, vay mua xe ô tô, vay mua nhà an cư tính đến hết ngày 30/9. Cụ thể khi vay vốn từ 200 triệu đồng đến 5 tỷ đồng, khách hàng chỉ phải trả lãi suất từ 0 – 10,8%/năm, trong 3 tháng đầu tính từ thời điểm giải ngân. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) đưa ra chương trình lãi suất ưu đãi từ 7,77%/năm đến 11,79%/năm, áp dụng trong 3 tháng đầu, cho khách hàng vay cá nhân kinh doanh, bất động sản và mua ô tô.
Ngân hàng Việt Nam Thương tín (VietBank) có chương trình cho vay ưu đãi mua nhà ở cho cá nhân có nguồn thu nhập ổn định từ lương. Gói thứ nhất: lãi suất 11,5%/năm và cố định kể từ ngày giải ngân cho đến hết ngày 31/12. Sau thời gian này, lãi suất thay đổi 3 tháng/lần theo quy định của VietBank. Gói thứ 2: tháng đầu tiên lãi suất 0%; từ tháng thứ 2, lãi suất 12,56%/năm và cố định trong 11 tháng tiếp theo. Kể từ tháng thứ 13, lãi suất thay đổi theo quy định của VietBank.
Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đang triển khai chương trình cho vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi 10%/năm trong 3 tháng đầu.
Tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận, trong khi lĩnh vực cho vay DN bị thu hẹp do tình hình sản xuất đình trệ, tín dụng tăng trưởng thấp, vốn ứ đọng nhiều, các ngân hàng phải hướng sang mảng cho vay tiêu dùng hay mua nhà ở, mua ôtô. Đây là lĩnh vực có mặt bằng lãi suất cao hơn và rủi ro thấp hơn nên các ngân hàng đều muốn thúc đẩy tín dụng để kiếm thêm nguồn thu nhập lãi.
Nợ nhỏ trả mãi
Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng vào khoảng 15%/năm. Tuy vậy, trước những lời chào mời vay lãi suất thấp khách hàng cần xem xét cẩn thận.
Theo các chuyên gia có nhiều cách để các ngân hàng hàng biến khoản vay lãi suất thấp thành lãi suất cao. Ngoài những cách trên các ngân hàng còn hay sử dụng cách tính thêm các khoản phí. Chẳng hạn như phí thẩm định tài sản đảm bảo tiền vay, phí bảo hiểm khoản vay, phí điều kiện giao dịch, phí hồ sơ… số phí này được thu một lần và có phiếu thu riêng, có thể chiếm tới 3% lãi suất cho vay vì vậy nhiều khi cho vay 10% nhưng cộng thêm các khoản này vào sẽ lên tới 13%. Những khoản phí này không được công khai trước, chỉ đến khi làm xong thủ tục thì ngân hàng mới tính vì vậy khách hàng khó lường trước được.
Hiện nay nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đang huy động vốn vượt trần (7%), ở mức 8,5%/năm, vậy nhưng vẫn đưa ra các gói cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp hơn là điều đáng băn khoăn.
Một cán bộ ngân hàng thừa nhận, nhiều khách hàng dễ bị rơi vào bẫy lãi suất do ham hố mức lãi suất thấp mà các ngân hàng đưa ra. Nhiều người đã không để ý kỹ các quy định cụ thể khi ký hợp đồng vay tiền, khi phát hiện ra vấn đề thì không thay đổi được nữa.
Theo các chuyên gia, những khoản vay có lãi suất thấp chỉ được áp dụng theo thời gian vài tháng, sau đó phải điều chỉnh theo quy định của ngân hàng. Trong khi đó, khoản vay của khách hàng dùng để mua nhà thường có thời hạn khá dài và không biết lãi suất sẽ biến động đến mức nào.
Điều cần quan tâm là các ngân hàng thường điều chỉnh lãi suất vay theo định kỳ, chưa kể nhiều ngân hàng đưa ra kỳ hạn điều chỉnh lãi suất khá ngắn cộng với biên độ cao, nếu không cẩn trọng khách hàng có thể phải trả lãi suất cao trong tương lai.
Do đó, khi quyết định vay tiền để mua nhà tại dự án nào đó, khách hàng nhất thiết phải đọc kỹ hợp đồng, cân nhắc các điều khoản và tính toán thật chặt chẽ trước khi đặt bút ký để tránh áp lực trả nợ trong tương lai có thể gia tăng khiến khách hàng lún sâu vào nợ nần.
Các ngân hàng muốn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân, bên cạnh hạ lãi suất cho vay cần thiết kế những sản phẩm cho vay phân kỳ hạn trả nợ linh hoạt. Ngoài ra, nó phải phù hợp với thu nhập và mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng cá nhân, nhất là với những người dân có thu nhập trung bình khá có nhu cầu vay vốn mua nhà để ở.
Theo VEF