Thù lao mà nhiều công ty làm dịch vụ quảng cáo nhận được hiện nay có cả xe máy, căn hộ, phiếu ăn… bởi doanh nghiệp chẳng còn rủng rỉnh tiền như trước.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ quảng cáo trong lĩnh vực ẩm thực, thực phẩm, đồ uống tại TP HCM chia sẻ, trong thời điểm khó khăn hiện nay phải chấp nhận thanh toán bằng hiện vật, nhằm giữ khách hàng.
“Chúng tôi không nhận thường xuyên và nếu có cũng chỉ trong thời hạn nhất định. Tuy nhiên, có chương trình công ty chủ động kết hợp với khách hàng để làm quà tặng cho nhóm khách hàng tham gia sự kiện chung”, vị này cho biết.
Lãnh đạo một công ty cung cấp dịch vụ marketing và PR cũng cho biết vừa nhận hợp đồng làm sự kiện cho một doanh nghiệp sản xuất xe máy, nhưng khi thanh toán đối tác lại trả bằng 2 chiếc xe chính hãng. Bị doanh nghiệp “gán nợ” bất ngờ nhưng công ty cũng không thể làm căng vì còn phải giữ quan hệ. Ông đành kêu gọi bạn bè mua lại 2 chiếc xe trên với giá rẻ hơn thị trường.
Rơi vào cảnh bi đát hơn, một doanh nghiệp làm quảng cáo cho công ty bất động sản còn bị đối tác thanh toán bằng căn hộ. Trong cảnh thị trường “trăm người bán mới có một người mua”, với một căn nhà trị giá lớn thì công ty không tìm đâu ra khách hàng để bán thu tiền về, đại diện doanh nghiệp này trần tình.
Lãnh đạo một doanh nghiệp quảng cáo cho rằng các đơn vị cần tập trung vào mảng dịch vụ thế mạnh và không tham gia nhiều lĩnh vực khác. “Hiện tại, chúng tôi chỉ tập trung thế mạnh vào mảng quảng cáo trực tuyến vì khả năng rủi ro thấp”, ông chia sẻ.
Bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo cho biết, doanh nghiệp quảng cáo hiện đang điêu đứng theo các ngành sản xuất kinh doanh. “Đối tác vẫn muốn quảng cáo nhưng không có tiền thanh toán. Họ không đủ tiền mặt nhưng lại có sản phẩm tồn kho nên phát sinh tình trạng trả tiền quảng cáo bằng hiện vật”, bà Hà nói.
Muốn làm căng để đòi tiền quảng cáo cũng không khả thi. Theo bà Hà, những hợp đồng quảng cáo chỉ mang tính dân sự giữa hai bên, nên đối tác bảo không có tiền thì đành phải nhận nợ bằng hiện vật. Dù Hiệp hội nắm được tình hình này nhưng “không biết làm thế nào” vì đây là khó khăn chung của nền kinh tế.
“Một số doanh nghiệp còn nợ lương công nhân, bảo hiểm xã hội, nợ tiền ngân hàng thì lấy đâu ra tiền trả quảng cáo”, bà Hà nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Đảo, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo TP HCM cho biết các hội viên cũng ít chia sẻ về tình cảnh này, vì muốn giấu để giữ thể diện cho khách hàng.
Theo ông Đảo, trong tình cảnh kinh tế như bây giờ, việc trao đổi quảng cáo bằng hàng cũng có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu ra với nguyên tắc hai bên cùng chia sẻ với nhau. Ví dụ nếu doanh nghiệp quảng cáo có biển để không và đơn vị muốn quảng cáo lại có sản phẩm tồn kho thì có thể thực hiện việc trao đổi cho nhau.
Đứng về khía cạnh khác, ông Nguyễn Xuân Nhật Huy, chuyên gia marketing cho rằng một trong những vấn đề của hàng hóa là phải được quy giá trị thành tiền, nếu dùng quảng cáo đổi sản phẩm thì sẽ quay về thời kỳ sơ khai: “hàng đổi hàng”.
“Trên nguyên tắc thì không nên như vậy, có thể thấy nếu dùng hàng đổi hàng thì bên nhận phải thật sự cần sản phẩm đó nếu không sẽ có những hệ lụy không tốt”, ông Huy thẳng thắn.
Cụ thể, một doanh nghiệp đổi cho đơn vị quảng cáo chiếc xe đạp. Để giữ chân khách, họ vẫn nhận dù chưa biết sử dụng vào việc gì. Điều này dẫn tới việc bên nhận xe sẽ cố gắng bán để thu về lại tiền.
“Để bán được dễ dàng, họ sẵn sàng hạ giá, đạp giá xuống so với giá trị trường, dẫn tới tổn thất ngược lại cho doanh nghiệp bán xe đạp. Sau này, chính người bán xe lại phải đi giải quyết các hậu quả đó”, chuyên gia marketing phân tích.
Theo VnExpresss.