Hệ thống kênh phân phối hiện đại ít, thiếu trong khi nhà sản xuất đông đảo khiến mối quan hệ giữa hai bên không cân đối, mất bình đẳng. Các nhà phân phối hiện đang “trên cơ” các nhà sản xuất nhỏ, các cơ sở làng nghề khiến đầu ra cho sản phẩm không ổn định.
Nhận định trên được đưa ra tại hội nghị “Chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp nông thôn với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại” do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM hôm nay, 3-12.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TPHCM trong bài phát biểu tham luận tại hội nghị chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa của các làng nghề tại các địa phương, hàng của các doanh nghiệp nhỏ đầu ra không ổn định là do sự mất cân đối trong mối quan hệ hai bên: sản xuất và phân phối.
Theo ông Phương, mối quan hệ giữa nhà sản xuất và phân phối hiện nay không bình đẳng. Trong khi các nhà sản xuất đông đảo thì hệ thống phân phối hiện đại lại thiếu. Như tại TPHCM, thành phố có gần 10 triệu dân nhưng chỉ có 27 trung tâm thương mại, 163 siêu thị, gần 500 cửa hàng tiện ích và 243 chợ.
Trong khi, theo tiêu chuẩn, với quy mô dân số như TPHCM thì phải có 100 trung tâm thương mại, 1.000 siêu thị và 10.000 cửa hàng tiện ích. Chính vì vậy, những nhà sản xuất nhỏ, các cơ sở sản xuất làng nghề với hạn chế về năng lực tài chính rất khó đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại. Nếu có đưa được hàng vào thì càng khó tồn tại, duy trì vị trí quầy kệ.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề rất muốn thâm nhập các kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, họ thiếu tự tin cũng như không có đường dây kết nối để tiếp cận các nhà bán lẻ hiện đại.
Bản thân các doanh nghiệp cũng chia sẻ, họ cố gắng đưa các sản phẩm vào siêu thị để quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, có nhiều chướng ngại mà họ phải vượt qua.
Theo ông Đăng Thanh Bửu, Giám đốc chi nhánh TPHCM, Công ty cổ phần Sa Giang (Đồng Tháp), chuyên sản xuất bánh phồng tôm, các sản phẩm của công ty ông đã vào được hầu hết các hệ thống siêu thị, thực hiện đầy đủ các thủ tục yêu cầu.
Tuy nhiên, chi phí kinh doanh ở kênh bán hàng này quá cao. Theo ông Bửu, chiết khấu siêu thị là 13%, thêm vào đó là 10% lợi nhuận siêu thị. Tổng cộng là 23%. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải đẩy giá bán sản phẩm ở siêu thị cao hơn ở kênh truyền thống. “Giá cao thì hàng khó bán. Hệ quả là doanh số thấp. Doanh số thấp thì bị áp lực xuống hàng khỏi quầy kệ”, ông Bửu nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị.
Các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng cũng đã tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để hỗ trợ việc giao thương. Tuy nhiên, kết quả thu được lại chưa nhiều.
Theo bà Hạnh, sau kết nối, hai bên bán hàng được cho nhau hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có vị tổng giám đốc của một hệ thống siêu thị đã từng nhận xét với bà Hạnh rằng, các cơ sở làng nghề rất khó thực hiện được việc đưa hàng vào siêu thị vì còn nhiều hạn chế.
Trong khi đó, doanh nghiệp thì cho rằng, họ khó đáp ứng được một số yêu cầu của siêu thị, ví dụ như chiết khấu. Ông Thái Quốc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Thảo Hương, chuyên sản xuất đường thốt nốt từng nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, ông đã phải từ chối lời mời đưa hàng vào một hệ thống siêu thị nước ngoài vì yêu cầu chiết khấu lên tới 30-40%.
Theo TBKTSG.